edf40wrjww2tblPage:Content
Một trong những điều khiến giới làm nghề đau đáu nhất là thiếu đội ngũ kế cận trầm trọng. Những người giỏi nghề đang vào tuổi già, sức khỏe yếu còn những người trẻ lại quá thiếu kiến thức chuyên môn. Nhưng đáng lo lắng hơn là số lượng người tâm huyết theo nghề ngày càng ít bởi tính chất công việc và lương không đủ sống.
68 tuổi vẫn đắt sô
Nghề thư ký trường quay đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, nhẫn nại, tập trung cao độ nên đội ngũ theo nghề này đa phần là nữ giới. Theo bà Nguyễn Thu Vân - một thư ký trường quay gạo cội - nữ giới làm nghề giỏi, lâu năm, có kinh nghiệm trong nghề này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Nghề thư ký trường quay đang mai một. Người làm nghề nhiều nhưng để tìm ra người giỏi thì... đỏ con mắt. Tôi năm nay đã 68 tuổi nhưng các đoàn phim vẫn mời liên tục vì họ không tìm được người nào có tay nghề, điều đó cũng chứng minh thực tế thiếu hụt người giỏi nghề đến mức nào” - bà Vân nói.
Đạo diễn Nhâm Minh Hiền nói thêm: “Để tìm người thạo nghề rất khó khăn. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài người nên lịch làm việc của họ dày đặc. Những người giỏi nghề ngày càng có... giá”.
Cảnh quay của một đoàn làm phim (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Nhiều người vẫn nghĩ thư ký của đạo diễn là vị trí oai, công việc nhàn nhã nhưng thực chất là nghề vô cùng cực nhọc, vất vả. Tầm quan trọng của nghề cũng gắn liền, tỉ lệ thuận với khối lượng công việc mà họ phải đảm đương.
Được mệnh danh là “bộ nhớ của đạo diễn”, thư ký trường quay phải làm việc liên tục, theo dõi xem phần nào của kịch bản đã được quay và ghi chú các khác biệt giữa những gì đã được quay so với kịch bản đã được viết ra, ghi chú cho từng cảnh quay, theo dõi đường dây di chuyển của các diễn viên, đạo cụ và tất cả chi tiết khác, ghi chép lại các thông số kỹ thuật, từ ghi chú về slate đến thông số ống kính, tiêu cự, độ dài của mỗi shot phim... để bảo đảm việc dựng sau này trùng khớp.
Chị Du, một thư ký trường quay, chia sẻ: “Nghề này áp lực cao, vất vả, không chỉ dầm mưa dãi nắng trên phim trường mà khi về nhà cũng phải làm việc. Nữ giới theo nghề phải chấp nhận bán sức khỏe và nhan sắc”. Nhiều thư ký trường quay cho rằng đây là nghề cực nhọc nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu, những người lâu năm trong nghề được trả hậu hĩnh nhưng những người mới lại hưởng thù lao rất bèo bọt.
“Nhìn tổng số tiền họ nhận được, nhiều người nghĩ là nhiều nhưng nếu tính thời gian và công sức họ bỏ ra thì chưa xứng đáng” - đạo diễn Võ Việt Hùng nói. Chính vì tính chất công việc và thù lao thấp nên những người theo nghề này rơi rụng dần, ít ai sống chết với nghề là điều tất yếu. Bà Vân lo lắng: “Với tình trạng thiếu và yếu như hiện nay, chừng vài năm nữa, không biết còn bóng dáng thư ký trường quay giỏi nào trên phim trường hay không?”.
Riêng với các vị trí khác, đạo diễn Đinh Thái Thụy nhìn nhận: “Khi số lượng phim truyền hình ngày càng tăng, nguồn nhân lực này ngày càng lâm vào tình trạng thừa mà thiếu. Người giỏi, có tay nghề chuyển qua làm công việc khác vì không bám trụ được; người mới vì công việc mưu sinh phải bám công việc, chấp nhận mức thu nhập ít ỏi. Hơn nữa, xu hướng tuyển chọn người tay ngang, quen biết vào các đoàn phim phổ biến như hiện nay thì kiếm đâu ra người giỏi”.
Không cần người giỏi?
Chuyên gia hóa trang Lilian Trần nói: “Các vai trò trong đoàn làm phim bị xem nhẹ nên không cần người giỏi, chỉ cần có người làm là được”. Rõ ràng, vì xem vai trò không quan trọng nên các nhà làm phim nghĩ cứ tuyển tay ngang vào rồi đào tạo sau cũng không muộn. Hơn nữa, xu hướng tối giản nhân lực đang được áp dụng phổ biến, một người có thể kiêm 2-3 nhiệm vụ là chuyện bình thường nên tìm đâu ra người chuyên nghiệp.
Đạo diễn Đinh Thái Thụy cho rằng: “Ai cũng muốn làm việc với một ê-kíp chuyên nghiệp nhưng ước mơ đó rất khó trong tình hình tài chính sản xuất phim đang khó khăn, kinh phí một tập phim chừng 120-150 triệu đồng mà phải chi cho hàng trăm việc thì chuyện chú trọng những vai trò chủ chốt là đương nhiên”.
Đạo diễn Xuân Phước phân tích thêm: “Kinh phí làm phim bao năm nay vẫn giẫm chân tại chỗ, nếu có tăng cũng không đáng kể trong khi các khoản chi khác đều tăng, thù lao diễn viên tăng nên nhà sản xuất phải liệu cơm gắp mắm”.
Tuy nhiên, theo nhiều đạo diễn, đó chưa phải là giải pháp tối ưu, đôi khi còn tác dụng ngược. Đạo diễn Đinh Thái Thụy nói: “Nhiều nhà sản xuất chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không nhìn xa trông rộng. Tối giản nhân lực có thể tiết kiệm được chi phí nhưng chưa chắc hiệu quả bằng tiết kiệm thời gian. Một đội ngũ thiếu chuyên nghiệp sẽ khiến thời gian bị lãng phí, ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả công việc”.
Thực tế, với nguồn kinh phí hạn hẹp, nếu mời người giỏi, có tay nghề, nhà sản xuất không đủ tiền trả thù lao nên chọn giải pháp mời người ít tuổi nghề, tay ngang vì lực lượng này dễ dàng chấp nhận mức thù lao thấp. Từ mục đích phải tiết kiệm chi phí như trên dẫn đến hậu quả là nhân lực làm phim thiếu người giỏi; việc sản xuất phim ngày càng đơn giản, chất lượng kém.
Bỏ trống khâu đào tạo
PGS-TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, khẳng định: “Để ngăn chặn đà tụt dốc của phim ảnh trước hết phải quan tâm đến đội ngũ làm nghề, phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực. Đó phải là những người được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn, có kinh nghiệm và niềm đam mê điện ảnh”.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng từng nhìn nhận rằng để hướng đến việc phát triển sản xuất phim truyền hình đạt chất lượng và chuyên nghiệp, việc đào tạo đội ngũ nhân lực có chuyên môn cao cần sự bứt phá.
Tầm quan trọng của nhân lực làm phim là điều mà ai cũng nhìn thấy rõ ràng song thực tế từ hàng chục năm nay, khâu đào tạo bị bỏ trống đã tạo nên thói quen trong nhận thức, suy nghĩ của hầu hết nhà sản xuất rằng làm phim đâu cần thiết học trường lớp, nhất là các vị trí như hóa trang, phục trang, họa sĩ thiết kế...
Theo HẠ NGUYÊN
(Người Lao Động)