Người gieo mầm thiện

06/10/2016 - 07:23

PNO - Không suy nghĩ theo lối “đi tu là thoát tục, buông bỏ sự đời”, với ni sư Nhựt Thành, làm lành lánh dữ và đem từ tâm ra giúp đỡ mọi người cũng là một cách tu.

53 tuổi, với gần 50 năm gắn bó cửa thiền, ni sư Dương Thị Hường - pháp danh Thích Nữ Nhựt Thành, trụ trì chùa Vĩnh Xương, đường Trần Văn Đang P.11, Q.3, TP.HCM - lẽ ra chỉ cần chuyên tâm kinh kệ. Nhưng với quan niệm hành đạo để giúp đời, ni sư đã chọn cho mình lối đi nhọc nhằn, bận bịu để chăm lo cho những phận nghèo…

Ngôi chùa không yên tĩnh

Ghé thăm chùa Vĩnh Xương vào một buổi trưa, chúng tôi khá bất ngờ với khung cảnh nhộn nhịp, không yên tĩnh, trầm mặc như thường thấy ở các ngôi chùa. Trong khuôn viên chùa, những người đàn ông thoăn thoắt xới cơm bỏ vô hộp, những phụ nữ (PN) xúm xít đong từng bát canh, mớ rau củ cho những suất cơm chay.

Ni sư Nhựt Thành trong bộ áo lam nhẹ nhàng, thoắt ở góc này, thoắt ở chỗ kia kiểm tra từng khâu một. Cơm được chở đi rồi, các dì, chị Phật tử, tình nguyện viên lại bắt tay vào công việc mới: lặt rau, xắt khổ qua, làm những món rim, món mặn cho bữa cơm sau.

Các dì, các chị vừa làm vừa trò chuyện rôm rả. Trước sảnh ngôi chùa, một người đàn ông trạc ngũ tuần, áo lấm lem, cũ kỹ bước vào. Ông ngả mũ chào: “Thưa, tôi là Trần Văn Bảy, xin đóng tiền trợ táng”. Ni sư hỏi địa chỉ, giở sổ ra, bà bật thốt: “Mô Phật, lâu quá rồi, liệu có đủ tiền không chú?”. Người đàn ông tự tin: “Dạ, con để dành đã đủ. Con xin lỗi ni sư vì đóng chậm. Chỉ buồn là anh chị em mình qua đời nhiều quá”. Ông đóng số tiền 385.000đ. Cầm giấy biên nhận trên tay, ông Bảy vuốt phẳng phiu, cẩn thận bỏ vào túi áo, cảm ơn ni sư và đẩy chiếc xe đạp khỏi chùa.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ni sư ôn tồn giải thích: “Anh Bảy là một trong hơn 1.500 người tham gia quỹ trợ táng. Theo quy định, hễ một thành viên tham gia quỹ qua đời, mỗi người còn sống sẽ đóng 7.000đ cho quỹ. Toàn bộ số tiền này làm chi phí mai táng cho các anh chị em đã mất. Hình như gần hai năm qua, anh Bảy không có điều kiện về chùa đóng góp nên nay phải đóng gộp cho cả 55 người đã lần lượt mất trong thời gian anh ấy đi vắng”.

Lo quỹ trợ táng, lo mỗi ngày hơn 800 suất cơm chay miễn phí cho năm bệnh viện của TP.HCM, hai việc ấy tưởng chừng đã quá sức đối với ni sư, nhưng không ngờ, đó chỉ là hai trong hàng chục đầu việc mà ni sư Thích Nữ Nhựt Thành đang đảm trách.

Nguoi gieo mam thien
Ni sư Thích Nữ Nhựt Thành chuẩn bị bữa cơm từ thiện.

Một đời gắn với những phận nghèo

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Nam bộ, phải theo cha mẹ trôi dạt tha phương, cô bé Dương Thị Hường èo uột mấy lần bạo bệnh tưởng không thể sống nổi ấy lại có duyên may và phước lành, được sư tổ chùa Vĩnh Xương là Thích Đạo Thành cứu giúp. Vượt qua bệnh tật, được ở cùng sư tổ trong khuôn viên chùa từ lúc chưa đầy năm tuổi, cô bé Hường đã quen kinh kệ và được sư tổ đặt cho pháp danh Như Yến, sau đổi thành Nhựt Thành.

10 tuổi, Nhựt Thành bắt đầu tham gia công tác với sư tổ - một cơ sở của Đội biệt động nội thành Lữ đoàn 316 (thuộ c lực lượng biệt động nội thành Z32) - bằng công việc giao liên. Hơn một năm sau, thấy Nhựt Thành lanh lẹ, tài trí, các chú trong đường dây chính thức cho cô vào tổ chức. Từ đó, chiếc cặp đi học của Nhựt Thành thành chỗ chứa tài liệu, thông tin liên lạc của Z32.

Ngày đất nước thống nhất, cô bé 12 tuổi Nhựt Thành tiếp tục đến trường, học tập như bao bạn bè cùng trang lứa. 15 tuổi, thành phố phát động phong trào xóa mù chữ, Nhựt Thành xin sư tổ cho đi đứng lớp xóa mù ở trường An Phú (giờ là trường Trần Văn Đang, P.11, Q.3).

Lớp học đặc biệt, các giáo viên xóa mù chữ phải kiêm luôn nhiệm vụ “vận động viên”. Tối nào ni sư Nhựt Thành cũng đi từng nhà vận động người ra lớp. Thương cô giáo, nhiều học viên của ni sư Nhựt Thành hoàn thành tốt khóa học.

Ngay trên hành trình mang chữ đến cho các hội viên (HV), PN, ni sư Nhựt Thành phát hiện chị em còn mang nỗi lo lớn hơn cả sự thiếu chữ, đó là chuyện cơm ăn, áo mặc. Chia sẻ nỗi niềm này với sư tổ, sư bà ở chùa và được chấp thuận, ni sư Nhựt Thành liền lập xưởng mây tre lá ngay khuôn viên chùa, giúp đỡ kinh tế cho hàng chục chị em nghèo. Sân chùa rộn rịp hàng vào, hàng ra. Có khi, tre trúc xếp choán cả nửa sân chùa.

Hết phong trào mây tre lá, ni sư Nhựt Thành bắt tay vào gầy dựng xưởng thêu, rồi may hàng xuất khẩu. Khéo tay, lại có khiếu sư phạm, ni sư học nghề nhanh và truyền nghề cũng giỏi. Khuôn viên chùa Vĩnh Xương những năm 1980-1990 trở thành xưởng thêu, rồi tới xưởng may hàng xuất khẩu, quần áo gia công lớn nhất trong khu ga xe lửa Hòa Hưng ngày ấy. Hàng trăm HV, PN được ni sư Nhựt Thành đào tạo nghề, tạo cơ hội kiếm sống…

Chị Trần Thị Bích Tân, sinh năm 1965, một Phật tử của chùa Vĩnh Xương chia sẻ: “Ni sư sống hướng thiện và từ tâm vô cùng. Sự trợ giúp của ni sư với những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó không thể nào đo, đếm được. Biết bao chị em ở xóm nghèo này được ni sư truyền nghề và tạo cho chiếc cần câu kiếm sống. Tôi cũng là người được ni sư giúp đỡ, nên khi mình được sống ổn định, tôi chỉ biết cách ngày ngày tham gia chuẩn bị các bữa cơm từ thiện ở chùa để báo đáp ân tình”.

Năm 1990, sư tổ chùa Vĩnh Xương viên tịch, ni sư Nhựt Thành chính thức trụ trì chùa. Tiếp nối truyền thống gắn tu nguyện với những cuộc đời nghèo khổ, ni sư Thích Nữ Nhựt Thành quyết định mở cửa chùa cho những việc làm và những tấm lòng từ tâm, thiện nguyện.

Bà đã tìm đến Hội LHPN phường để xây dựng quỹ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, tổ chức những bữa cơm từ thiện, cùng chăm lo cho PN, trẻ em; bà đặt vấn đề với Hội Người cao tuổi lập ban trợ táng; bà tham gia vào Hội Khuyến học Q.3 để vận động mọi người đồng hành với học trò nghèo, động viên học trò giỏi…

Thời gian biểu một ngày của ni sư Nhựt Thành luôn đầy kín. Sáng sớm, sau buổi kinh kệ, bà bắt tay vào quán xuyến bếp cơm; loay hoay sổ sách thu chi cho việc giúp người nghèo chữa bệnh, cứu trợ đồng bào bị thiên tai… Đêm về, bà phải tính toán để những đồng tiền thiện nguyện của Phật tử và nhân dân khắp nơi gửi gắm cho chùa được sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Bà tâm niệm “tiền vào là quý”, bởi tiền ấy đến từ mồ hôi công sức, sự chắt chiu dành dụm của những tấm lòng nhân ái; vì vậy, tiền ấy phải được dùng đúng chỗ, giúp đúng nơi.

Không suy nghĩ theo lối “đi tu là thoát tục, buông bỏ sự đời”, với ni sư Nhựt Thành, làm lành lánh dữ và đem từ tâm ra giúp đỡ mọi người cũng là một cách tu, giúp đạo đến gần đời, và qua đó, đời sẽ hướng về đạo.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI