Người giàu ở Sài Gòn giã từ thú vui nuôi dã thú

31/03/2019 - 12:29

PNO - Một phụ nữ nhà ở quận 1, TP.HCM không kìm được nước mắt khi bàn giao con vượn quý cho cơ quan chức năng vì quá quyến luyến không muốn xa rời…

Có gần 280 cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) được người dân TP.HCM tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng. Trong đó có nhiều loài quý hiếm như vọoc chà vá chân đen, vượn đen má vàng, khỉ mặt đỏ, mèo rừng, culi… Đây là số liệu do Chi cục Kiểm lâm TP.HCM thống kê từ năm 2015 đến nay.

Trong năm 2015, người dân giao nộp 41 cá thể ĐVHD; năm 2016 tăng lên 53; năm 2017 tiếp tục tăng lên 63; năm 2018 tổng cộng có 98 cá thể ĐVHD được người dân tự nguyện giao nộp. Trong 3 tháng đầu năm 2019, người dân cũng giao nộp 24 cá thể ĐVHD.

Nguoi giau o Sai Gon gia tu thu vui nuoi da thu
Nhiều người dân ở TP.HCM vẫn còn thói quen nuôi thú rừng như thú vui. Ảnh: Trung Thanh

Con số thống kê nói trên phản ánh hai mặt, vừa cho thấy số người tình nguyện giao nộp ĐVHD cho cơ quan chức năng có xu hướng tăng lên, đồng cũng cũng phản ánh thực trạng, đến nay tại TP.HCM vẫn còn rất nhiều người nuôi ĐVHD trái phép.

Ông Nguyễn Đình Cương, nguyên Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết, nguyên nhân do trước đây luật pháp chưa nghiêm cấm nuôi nhốt thú rừng nên nhiều người ở TPHCM nuôi ĐVHD như thú cưng để làm thú vui. Phần đông người nuôi có điều kiện kinh tế khá giả.

Theo ông Cương, sau khi Việt Nam tham gia Công ước Cites (năm 1994) nhiều quy định về bảo vệ ĐVHD được ban hành, cùng với việc tuyên truyền thường xuyên của các cơ quan báo chí nên từ đó đến nay tình trạng nuôi nhốt thú rừng ở TP.HCM giảm xuống đáng kể. 

Nguoi giau o Sai Gon gia tu thu vui nuoi da thu
Thú rừng người dân giao nộp sẽ được cứu hộ và thả về tự nhiên. Ảnh: Trung Thanh

“Khi người dân ở TP.HCM ý thức được việc nuôi ĐVHD là vi phạm pháp luật và đi ngược với các hoạt động bảo vệ ĐVHD, họ tự nguyện giao nộp thú nuôi cho cơ quan chức năng. Nhiều người nuôi ĐVHD như thú cưng nên rất quyến luyến. Tôi nhớ, có một phụ nữ nhà ở quận 1, TP.HCM nuôi con vượn lâu năm nên quý như con, khi bàn giao cho chúng tôi chị cứ khóc rưng rức …”, ông Cương chia sẻ.

Ông Cương cho biết, các cá thể ĐVHD do người dân giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM sẽ được chuyển đến các trung tâm cứu hộ ĐHVD, sau một thời gian chăm sóc sẽ trả về tự nhiên.

“Người dân tình nguyện giao nộp ĐVHD không bị xử phạt nhưng nếu nuôi trái phép bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị xử lý tùy vào mức độ vi phạm. Từ năm 2017, khi Bộ luật hình sự được sửa đổi, các hành vi trái phép liên quan đến lĩnh vực bảo vệ ĐVHD bị xử lý rất nghiêm khắc”, ông Cương cho biết thêm.

Từ ngày 1/1/2018, người có hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm bị bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 234 hoặc Điều 244 của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017.  Những hành vi tượng tự nhưng đối với nhóm ĐVHD ít nguy cấp hơn (nhóm IIB, thuộc Công ước Cites) bị phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…

Trung Thanh

                                                                                                        

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI