“Người giải mặn” của miền Tây

23/01/2021 - 06:28

PNO - Sở hữu hàng trăm bằng sáng chế tầm thế giới, có một đế chế riêng trên đất Canada, và đang ở đỉnh cao sự nghiệp, ông quyết định về Việt Nam. Nhiều người nói ông “điên”, nhưng với ông, đó là hạnh phúc…

Khi nông dân biết… điện toán đám mây

Ngày ông Nguyễn Thanh Mỹ về Trà Vinh lập doanh nghiệp tại xã Long Đức, những thông tin về vị Việt kiều từng làm trong các tập đoàn danh tiếng thế giới như IBM, Kodak, Almaden Research Center… khiến người ta thấy lạ.

Những bằng sáng chế của ông như quang điện tử, bản in offset CTP nhiệt… là những thứ cao siêu với dân địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ hướng dẫn nông dân theo dõi quy trình nuôi tôm trên điện thoại thông minh
Ông Nguyễn Thanh Mỹ hướng dẫn nông dân theo dõi quy trình nuôi tôm trên điện thoại thông minh

Nhưng rồi dần dần, họ biết đến loại phân bón thông minh, khác xa thứ họ vẫn dùng bao năm trong canh tác. Ấy là vì ông chứng kiến người nông dân mỗi vụ vài ba lần bón phân lân, đạm… Cây trồng hấp thụ chưa hết đã đến mùa thu hoạch, vậy là trong hoa trái luôn dư lượng hóa chất từ phân bón, những thứ hóa học này cây ăn không hết lại theo dòng nước thải ra môi trường. 

Doanh nghiệp của ông Mỹ đã sản xuất những loại phân bón có cấu tạo đặc biệt. Người nông dân chỉ cần bón loại phân này một lần cho cả vụ lúa, ngô, mía, cà phê, rau quả… Phân sẽ tan từ từ trong nhiều ngày, mỗi giai đoạn phát triển của cây trồng, những lớp dưỡng chất sẽ tan theo để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cây.

Tất cả được tính toán chặt chẽ để cây có thể hấp thụ phân bón mà không còn tồn đọng dư lượng trong hoa trái. Đất, nước… trong ruộng vườn cũng nhẹ bớt gánh nặng hóa chất từ phân bón.

Những năm gần đây, khi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khổ sở vì hạn mặn, người già bất lực “ôm đất” cầu trời, người trẻ thì bỏ ruộng, bỏ vườn đi xa lập nghiệp. Biết rằng dòng Cửu Long ngày càng mất đi quy luật vận hành tự nhiên của nó dưới tác động của con người, của biến đổi khí hậu… ông Mỹ chọn cách nương theo những biến đổi để tồn tại, thậm chí có những cơ hội từ những biến cố tiêu cực đó.

Nông dân không biết khi nào nước sông mặn để lấy nước vào ruộng vườn tưới cây, đây là nguyên nhân khiến cây cối chết vì mặn. Doanh nghiệp của ông Mỹ đã nghiên cứu và tạo ra thiết bị quan trắc để đo độ mặn theo từng giờ, gắn trên những chiếc phao rải rác trên sông.

Thiết bị này đã được chuyển giao đến rất nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long. Ai cũng có thể tự tải ứng dụng về cập nhật chỉ số (độ mặn, pH, mực nước, độ kiềm, thời tiết trong ngày) để cân bằng việc bơm, xả nước tại ao nuôi, đồng ruộng; có cách trữ nước ngọt một cách hiệu quả hơn mà không phải trả khoản phí nào.

Đã có 39 hệ thống đo độ mặn, phao quan trắc được lắp đặt tại Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng và gần một triệu người tải các ứng dụng này. 

giúp người dân quê mình có công ăn việc làm, có cuộc sống tốt hơn… Ông coi đó là ước mơ lớn nhất đời mình.
Giúp người dân quê mình có công ăn việc làm, có cuộc sống tốt hơn… là ước mơ lớn nhất đời ông Mỹ

“Lúc đầu nghe ứng dụng điện toán đám mây, internet vạn vật vào canh tác lúa, nông dân tụi tôi không cần phải ra đồng mà vẫn chăm được lúa, không xịt thuốc mà vẫn đuổi được rầy… chúng tôi chẳng tin. Mình lội ruộng đến thúi chân, xịt thuốc nhiều thế nào cũng chẳng ăn thua. Vậy mà chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể quản lý được mực nước, kiểm soát độ mặn, không lo sâu rầy phá hoại mùa màng. Phân thì mỗi vụ bón một lần khỏe re…” - nông dân Lê Văn Năm (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) hồ hởi khoe.

Mỹ Lan của ông Nguyễn Thanh Mỹ không phải là doanh nghiệp sản xuất phân bón, phao quan trắc độ mặn… Ở lĩnh vực công nghệ, ông ở một tầm cao hơn nhiều. Những thứ người nông dân thấy được từ ông Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan và Rynan Technologies Vietnam chỉ là một phần rất nhỏ. 

Ra đi để trở về

Ông Mỹ sinh năm 1955 tại Trà Vinh, có một tuổi thơ nhiều cơ cực. Nhưng những thiếu thốn tình cảm, vật chất càng khiến khát khao tìm tòi, học hỏi trong ông lớn thêm.

Năm 1978, ông tốt nghiệp Khoa Hóa, Đại học Phú Thọ (nay là Đại học Bách khoa TPHCM). Một năm sau, ông sang Canada tiếp tục học ngành hóa học ứng dụng đại học Concordia (Montreal) và lấy bằng tiến sĩ thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học năng lượng vật liệu và viễn thông Canada.

Để có thể theo đuổi việc học, ông phải làm thêm rất nhiều nghề từ phục vụ nhà hàng, dạy kèm… để kiếm sống.

Tốt nghiệp, ông làm tại Trung tâm nghiên cứu khoa học năng lượng vật liệu và viễn thông Canada, rồi Trung tâm nghiên cứu IBM ở Mỹ. Sau đó ông được Kodak tuyển dụng.

Từ vị thế của một người làm thuê, ông dần trở thành đối tác của chính doanh nghiệp mình đang làm khi cung cấp được những sản phẩm từ phát minh của riêng mình. Từ bột màu hồng ngoại, đến các phát minh mới về cao phân tử, làm thay đổi đáng kể công nghệ in offset, ứng dụng lade viết thay vì dùng phim. 

Hàng loạt những phát minh, sáng chế đã giúp doanh nghiệp của ông Mỹ nhanh chóng có chỗ đứng trên đất Canada. Vậy nhưng, giữa thời điểm sự nghiệp có nhiều cơ hội bứt phá, ông Mỹ quyết định trở về Việt Nam.

Đây là lý do nhiều người nói ông… điên. Nhưng người hiểu rõ quyết định này của ông hơn ai hết chính là vợ ông - bà Bùi Thị Nhàn. Từ những ngày hai người mới quen biết và có chung công việc phụ quán tại Canada, ông đã nói với bà ước mơ của ông là sẽ về quê, xây dựng nhà xưởng, giúp người dân quê mình có công ăn việc làm, có cuộc sống tốt hơn… Ông coi đó là ước mơ lớn nhất đời mình.

Hiện Mỹ Lan là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và thứ 12 trên thế giới sản xuất vật liệu điện quang điện tử. Có đến 80% sản phẩm từ tập đoàn được xuất khẩu sang 40 quốc gia trên thế giới.Ông về Trà Vinh gây dựng Tập đoàn Mỹ Lan - tên người con gái thứ hai của ông. Khởi đầu là Nhà máy hóa chất Mỹ Lan, giờ đây Mỹ Lan đã nổi danh với bốn lĩnh vực: hóa chất, vật liệu ngành in, quang điện tử và giải pháp kỹ thuật số.

Cơ ngơi của Mỹ Lan tại Trà Vinh hiện nay có thể không đo đếm được bằng tiền, bởi ông hiện sở hữu hơn 200 bằng phát minh sáng chế ở nhiều lĩnh vực như in, vật liệu, hóa chất mới, bột màu mới, thiết bị trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, phân bón thông minh, cảm ứng quan trắc nước để đo độ mặn ngọt của sông, quan trắc sâu rầy và gần đây là các thiết bị cho tôm ăn, theo dõi sức khỏe của tôm…

Trong đó, phần lớn là những phát minh tập trung vào việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, phục vụ cho nông nghiệp an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu. Đây chính là lý do giới công nghệ coi Tập đoàn Mỹ Lan chẳng khác gì một “thung lũng Silicon” thu nhỏ.

“Muốn nhanh thì phải từ từ”

Về Trà Vinh khởi nghiệp ở vùng đất thậm chí chưa có đường, không tìm được người có chuyên môn, cộng đồng xung quanh nghèo trách nhiệm, nghèo cả về sự tử tế… Vậy là ông Mỹ xác định thay đổi xung quanh bằng vốn, bằng công nghệ thôi là chưa đủ, quan trọng hơn là thay đổi được tư duy và nhận thức của người dân quê mình.

Không có nhân sự đáp ứng nhu cầu của mình, ông hợp tác với Trường đại học Trà Vinh thành lập Khoa Khoa học ứng dụng và kiêm luôn vai trò trưởng khoa.

Cách giáo dục sinh viên của ông cũng khác, ông không giảng dạy theo cách truyền thống. Trước ngày học, sinh viên phải tải bài ông gửi, lên lớp chỉ có những màn hỏi đáp, phản biện giữa thầy và trò. Hầu hết thời gian học những môn ông dạy, sinh viên và thầy đều đứng đối đáp, khoảng cách thầy trò gần gũi hơn rất nhiều. 

phần lớn là những phát minh tập trung vào việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp
Phần lớn những phát minh của ông Mỹ tập trung việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp

Những năm gần đây, xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều vùng không thể tiếp tục trồng trọt, người dân bỏ ruộng vườn ra thành phố kiếm sống…

Ông Mỹ bỏ tiền mua tám héc-ta đất bị ảnh hưởng hạn mặn nặng nhất tại vùng Duyên Hải (Trà Vinh) để chuẩn bị nuôi tôm. Nhiều người bảo ông “điên”, đất ở đây đã chết rồi, bao nhiêu người “tháo chạy”, có kiếm tiền được nữa đâu.

Ông thì nghĩ khác. Trồng lúa chỉ bán được 5.000 đồng/ký nhưng nuôi tôm thì thu về 100.000-300.000 đồng/ký. Xa hơn, ông coi đây là dịp người dân quê mình biết đến nông nghiệp thông minh để có thể “sống chung” với biến đổi khí hậu. 

Ông Mỹ tự tin trí tuệ nhân tạo có thể giải quyết được mọi hạn chế. Dù không thường xuyên ở các ao tôm, nhưng chỉ cần bật ứng dụng trên điện thoại, ông có thể biết tôm của mình cho ăn khi nào, sức khỏe ra sao, con vừa vớt lên đang có “sức khỏe yếu”, gan tụy đang bị vi khuẩn tấn công; những con khỏe mạnh đang có trọng lượng 17,2g/con, chiều dài 2,8cm…

Mọi thứ đang diễn ra ở Mỹ Lan đều là quá trình hiện thực hóa giấc mơ của ông.

“Các con tôi đều ở Mỹ, Canada và Singapore. Ở Việt Nam chỉ có hai vợ chồng già. Nhiều người hỏi, tôi đã già sao không tận hưởng mà còn lo phát minh khoa học, để lại cho ai? Hỏi nhân viên ở đây, ai là chủ Mỹ Lan, họ sẽ nói không phải chú Mỹ, vì chú chết không mang theo. Sống thì mình tạo dựng, chết thì mình để lại hết cho đời, cho bà con quê mình” - ông nói nhẹ bẫng. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI