Người già và nỗi đau day dứt khi bị con cái ruồng bỏ

06/08/2024 - 12:13

PNO - Ở Ấn Độ, thực trạng người cao tuổi bị bỏ rơi bởi chính con cái, người thân đang trở thành nỗi đau chung nhức nhối của toàn xã hội.

Họ được tìm thấy trên vỉa hè, trong bụi rậm, bị bỏ lại bơ vơ trên những chuyến tàu hỏa, tại bệnh viện hay trước đền miếu. Họ bị ruồng bỏ vì bệnh tật, không còn khả năng lao động kiếm sống hay đơn giản, do quá lớn tuổi. Đến khi được trợ giúp, tìm thấy cuộc sống mới ở trung tâm cứu trợ người già neo đơn, nhiều cụ ông, cụ bà hoặc vẫn quá thương tâm, hoặc vẫn khó tin nổi gia đình đã quay lưng bỏ mặc mình.

Một hiện trạng tồi tệ

“Những đứa con tôi nói ‘không thể chăm sóc tôi nữa’”, Amirchand Sharma, 65 tuổi, cho biết. Ông là cảnh sát về hưu, bị con trai bỏ mặc đến suýt qua đời gần bờ sông sau một vụ tai nạn khiến ông tật nguyền. “Chúng nó bảo nhau phải ném tôi đi”.

Hai nhân viên SHEOWS trò chuyện cùng cụ ông tên Atmaram. Sau khi được họ tìm thấy lang thang trên phố, ông được chuyển đến trung tâm bảo trợ tại New Delhi.
Hai nhân viên SHEOWS trò chuyện cùng cụ ông tên Atmaram. Sau khi được họ tìm thấy lang thang trên phố, ông được chuyển đến trung tâm bảo trợ tại New Delhi.

Về khía cạnh tôn giáo lẫn pháp luật, thế hệ trẻ khi trưởng thành phải lo lắng – chăm sóc thế hệ đi trước là quan điểm phổ biến tại Ấn Độ. Thế nhưng thời gian gần đây, đất nước Nam Á nổi tiếng với thái độ hiếu kính dành cho bậc cao niên lại nảy sinh hiện trạng tồi tệ, gây hổ thẹn: một số lượng đáng quan ngại những người lớn tuổi đang phải sống lưu lạc vì bị gia đình vứt bỏ.

Con cháu luôn được kỳ vọng trở thành chỗ dựa cho ông bà lúc họ về hưu, khi hầu hết mọi thành viên gia đình đều sống quây quần dưới cùng một mái nhà. Đây là lý do vì sao viện dưỡng lão hay nghề chăm sóc người cao tuổi hiếm thấy ở Ấn Độ.

Y bác sĩ của một trung tâm bảo trợ người cao tuổi tại thành phố Garhmukteshwar (bang Uttar Pradesh) thăm hỏi, kiểm tra sức khỏe cho các ông bà cụ.
Y bác sĩ của một trung tâm bảo trợ người cao tuổi tại thành phố Garhmukteshwar (bang Uttar Pradesh) thăm hỏi, kiểm tra sức khỏe cho các ông bà cụ.

Tuy nhiên, ảnh hưởng thời đại dần “thách thức” tư tưởng truyền thống. Người già đang sống thọ hơn. Làn sóng di dân, đô thị hóa lôi cuốn giới trẻ rời bỏ quê hương lập nghiệp nơi đô thị lớn. Song song đó là sự du nhập văn hóa phương Tây. Tất cả yếu tố này dần làm “xói mòn” lối sống quây quần đa thế hệ trong quá khứ.

Đường lớn, ngõ nhỏ bắt đầu xuất hiện hình ảnh nhiều người cao tuổi vô gia cư. Những trung tâm bảo trợ – không chỉ mang lại mái ấm an toàn mà còn tạo nguồn thu nhập cho người già neo đơn thông qua một số công việc nhẹ nhàng, phù hợp với họ – đang ngày càng tăng.

Trăm câu chuyện – một đoạn kết

Tại một thành phố nhỏ thuộc miền bắc Ấn Độ, bên trong Viện Phúc lợi Xã hội Saint Hardyal (SHEOWS) chuyên cưu mang trẻ mồ côi và người già neo đơn, đang có khoảng 320 người. Gần như tất cả họ đều bị gia đình bỏ rơi.

Những cư dân của mái ấm cho người cao tuổi cùng tập thể dục buổi sáng.
Những cư dân của mái ấm cho người cao tuổi cùng tập thể dục buổi sáng.

Một cụ bà trải qua hơn 8 năm sống tạm bợ ở một ngôi đền địa phương. Chính các con ruột bỏ mặc bà tại đó. Một phụ nữ lớn tuổi khác kể lại việc bị đứa con trai mình từng hết mực yêu thương đuổi khỏi nhà. Một cụ ông nằm nghỉ ngơi trên giường bệnh sau khi bị vứt bỏ ngay giữa phố. Khi được đưa đến trung tâm y tế viện phúc lợi, ông đã đói lả suốt nhiều ngày.

Birbati, một nữ nhân viên nhiều năm liền làm công việc chăm sóc người cao tuổi tại SHEOWS, bùi ngùi bày tỏ: “Mỗi ông bà cụ đều có một câu chuyện. Mỗi câu chuyện đều thật buồn”.

Một số trường hợp có con cái đã chuyển sang định cư ở thành phố. Thiếu vắng người chăm nom, bầu bạn bên cạnh thời gian dài cùng sức ép kinh tế khiến họ rơi vào cảnh vô gia cư. Một số bị người thân đuổi khỏi nhà do mâu thuẫn, xung đột gay gắt. Và một số, được xem như trường hợp tệ nhất, phải sống “màn trời chiếu đất” vì bị con cái cướp đoạt tài sản hay bị xem là “gánh nặng” do bản thân đau yếu, tật nguyền.

Tại viện phúc lợi, Phooljale, nay đã mù lòa, bật khóc khi kể lại hoàn cảnh của mình.
Tại viện phúc lợi, Phooljale, nay đã mù lòa, bật khóc khi kể lại hoàn cảnh của mình.

Rajhu Phooljale là một trường hợp thương tâm như thế. Cho biết mình 65 tuổi, nhưng giống như nhiều người bạn chung cảnh ngộ ở trung tâm bảo trợ, ông không quá chắc về số tuổi của mình nữa.

Dẫu vậy, Phooljale không thể nào quên lý do ông có mặt tại mái ấm SHEOWS.

Ông từng là đầu bếp, sống cùng vợ và 2 con trai. Một tai nạn nghiêm trọng bất ngờ ập đến, khiến Phooljale vĩnh viễn mất đi đôi chân và đôi mắt. Hai con trai dẫn ông đến New Delhi “làm phẫu thuật”. Đến bệnh viện, họ yêu cầu ông ngồi chờ. Cả hai nói sẽ đi gọi bác sĩ.

“Chúng nó bảo tôi đợi”, Phooljale nói. “Nhưng chúng không bao giờ trở lại”.

Suốt 3 ngày, ông cụ tàn tật, với đôi mắt mù lòa ngồi trên nền đất lạnh, chịu đựng cơn đói và cảm giác bị bỏ rơi hoàn toàn ở một bệnh viện xa lạ, giữa một thành phố xa lạ. Nhận ra tình huống bất thường, một nhân viên bệnh viện cuối cùng quyết định gọi cảnh sát và về sau, đưa Phooljale đến trung tâm SHEOWS.

“Tôi đã nuôi dưỡng hai đứa con hết lòng từ khi chúng còn nhỏ”, cụ ông nghẹn ngào. “Vì sao giờ đây chúng ruồng bỏ tôi?”

Ông Atmaram nhận bữa ăn nóng đầu tiên tại mái ấm, sau bao tháng ngày lang thang phiêu bạt.
Ông Atmaram nhận bữa ăn nóng đầu tiên tại mái ấm, sau bao tháng ngày lang thang phiêu bạt.

Tìm lại bình yên

Những nhân viên tại mái ấm đã quen chăm sóc người già. Nỗ lực làm việc tận tâm, tận trách cùng tình thương ở họ chưa từng vơi đi. Trước mặt các cụ, không ai trong số họ chủ động nhắc đến một sự thật khó tiếp nhận: Chỉ số ít người ở trung tâm có thể gặp lại gia đình lần nữa.

Saurabh Bhagat, giám đốc điều hành SHEOWS, cho biết: “Gần như không có ai đến tìm người thân ở chỗ chúng tôi cả”.

Bà Brajrani Gaur, 62 tuổi, tham gia lớp học may tại một địa điểm cưu mang người già cơ nhỡ, vận hành bởi chính phủ Ấn Độ (thuộc thành phố Vrindavan, bang Uttar Pradesh).
Bà Brajrani Gaur, 62 tuổi, tham gia lớp học may tại một địa điểm cưu mang người già cơ nhỡ, vận hành bởi chính phủ Ấn Độ (thuộc thành phố Vrindavan, bang Uttar Pradesh).

Cha của Bhagat, Girdhar Prasad Bhagat, lập ra SHEOWS cách đây hơn 20 năm – thời điểm ông bắt đầu nhìn thấy những mảnh đời cao tuổi sống lang thang, bất ổn trên đường phố New Delhi.

Từ khi thành lập đến nay, tổ chức phúc lợi đã cưu mang hơn 10,000 người già cơ nhỡ. Tuy vậy, đội ngũ tại đây cũng không chắc, số lượng thực tế người cao tuổi bị vứt bỏ trên khắp Ấn Độ là bao nhiêu. Ở hàng loạt thành phố đông dân, nhiều đơn vị từ thiện với tiêu chí tương tự đưa ra cùng một nhận định: thực trạng này đang có dấu hiệu ngày càng trầm trọng hơn.

Bao quanh một viện phúc lợi, một bức tường lớn được tô vẽ những thông điệp ý nghĩa: “Hãy tiếp tục mỉm cười”, “Yêu thương và tôn trọng người cao tuổi”, “Thấy hạnh phúc và bạn sẽ tự do”,…

Nếu những người vứt bỏ cha mẹ chọn cách nghĩ khác đi, những lời kêu gọi, cùng những trung tâm bảo trợ thế này đã không cần tồn tại.

Một cụ bà 106 tuổi vui đùa với em bé 5 tháng tuổi – con của một đôi vợ chồng hảo tâm thường quyên góp giúp đỡ trung tâm bảo trợ ở Vrindavan.
Một cụ bà 106 tuổi vui đùa với em bé 5 tháng tuổi – con của một đôi vợ chồng hảo tâm thường quyên góp giúp đỡ trung tâm bảo trợ ở Vrindavan.

“Không phải họ không nhớ nhà”, Bhagat nói. “Nhưng đến một lúc, tôi nhìn ra nhiều ông bà cụ dần vơi đi nỗi đau”.

Ở những trung tâm như SHEOWS, người cao tuổi bị bỏ rơi cảm thấy được chấp nhận – sẻ chia. Có thể không còn người thân bên cạnh, nhưng tại đây họ tìm thấy một mái nhà bình yên, những bữa ăn ấm nóng và tình bạn, tình người.

Như Ý (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI