Người già trong căn nhà vắng: Mẹ thời nào cũng mòn mỏi ngóng chờ con

01/10/2020 - 05:55

PNO - Tôi có 2 tấm ảnh chụp chung với bà ngoại và bà cố ngoại vào dịp Tết 2017. Cả hai người đàn bà đặc biệt của tôi đều đông con, nhiều cháu, nhưng cuối đời đều sống một mình...

Ngoại tôi chọn cô đơn

Năm nay bà ngoại tôi đã ngoài thất thập (bà 75 tuổi). Ông ngoại mất hơn chục năm nay. Mẹ tôi là con thứ 6 trong gia đình có 9 anh chị em. 9 đứa con, vậy mà ở tuổi gần đất xa trời, bà ngoại tôi cô độc trong căn nhà gỗ mục nát.

Hiện bà tôi còn phải "nuôi con mọn", là một đứa cháu (con của cô Út) chuẩn bị vào tiểu học. Mỗi tháng, bà nhận chu cấp được hơn hai triệu đồng từ cô Út để trang trải sinh hoạt cho hai bà cháu. Cũng phải thôi, cuộc sống ở nông thôn ngày càng khó khăn, nên con cái ngoại tứ tán đi làm ăn, lập nghiệp rồi lấy vợ, lấy chồng ở nơi xa. Mẹ tôi cũng vậy.

Bà ngoại tôi năm nay đã 75 tuổi.
Bà ngoại tôi năm nay đã 75 tuổi.

Tôi có vợ con ở Sài Gòn, số lần về thăm ngoại chỉ tính được trên đầu ngón tay. Không phải vì quê ngoại đường xa cách trở, phải qua một lần đò, mà là chúng tôi cũng bận rộn với guồng quay công việc, con cái, chỉ thu xếp về dịp lễ Tết hay nhà có đám tiệc.

Lần về bà ngoại gần nhất, tôi có cảm giác khó tả khi thấy gian nhà sàn cổ ba gian của ngoại đã quá cũ. Nó không còn an toàn. Cái hiên nhà thuở nhỏ tôi và anh chị em họ vui đùa, chạy giỡn bây giờ phải rào lại vì mục nát. Trên mái nhà đã có nhiều mảnh vá bằng những vỏ bao bố tự chế…

Căn nhà thiếu vững chãi đến nỗi tôi tưởng tượng, nếu có một cơn giông lớn quét qua thì không có gì đảm bảo ngôi nhà không bị cuốn xuống sông. Cũng như không có gì đảm bảo một ngày nào đó tôi về mà bà ngoại vẫn còn đây, dưới mái nhà cũ chờ con cháu.

Khi ngồi tỉ tê với bà, tôi hỏi vì sao bà không ở với cậu Tư, người cậu có gia đình và cuộc sống khá khá giả, hoặc về ở nhà mẹ tôi? Tôi cũng biết không ít lần các cậu, dì muốn bà về một nơi sống mới, có con có cháu đông vui. 

Ngoại tôi cười rồi nói: "Bà đi rồi thì còn cái nhà lớn không ai "chăm sóc", ai sẽ là người thay bà thắp nhang cho ông mỗi tối? Rồi ai sẽ là người làm thay những bữa giỗ rước tổ tiên về, rồi còn bà con láng giềng..." Quan trọng hơn cả, bà đi rồi con cháu sẽ không có lý do gì để về thăm quê hương.

Ở đâu thì gắn bó với nơi đó, bà đã quá thân quen với cái mùi phù sa dòng sông Hậu. Bà nói đi rồi chắc sẽ nhớ không chịu nổi. Quá nhiều lý do để bà ở lại, chọn sống cô độc dưới mái nhà cũ. Bây giờ, trong mỗi ngày trôi qua của bà còn có những dòng ký ức từ cái thời xa xưa khốn khó, thời bà phải tất bật lo cho 9 đứa con dại, nhưng lại thật hạnh phúc vì có ông ở bên.

Con đò qua quê ngoại.
Đò Bến Cát trên dòng sông Hậu hiền hòa, nối huyện Châu Phú và quê ngoại tôi ở Phú Tân (An Giang).

Tôi được nghe bà kể rất nhiều về những đứa con, đứa cháu, như: "Cậu Bảy mày bữa nay đi nuôi cá chung với người ta ở đâu tận Long An", "Con của cậu Tư mày nghe nói nó vừa tốt nghiệp đại học ở thành phố nữa đó''...

Nhưng tôi biết những câu chuyện của bà đều là qua lời kể, nói lại của người này, người kia. Hầu như không có chuyện nào bà được nghe từ chính miệng những đứa con, cháu khi chúng về thăm hay thậm chí qua cuộc gọi tâm tình.

Rồi tôi hỏi bà: “Mẹ con có thường xuống thăm ngoại không?”. Bà trả lời: “Không, ít lắm. Bây giờ đứa nào cũng lo kiếm tiền, có đứa nào về thăm tau đâu!”.

Chiều hôm ấy chia tay, bà ngoại tôi đứng dưới mái hiên, nhìn theo bóng tôi cho đến khi khuất tầm mắt. Ngoái lại, tôi vẫn thấy bên hông nhà mộ phần xinh xinh của ông, và cạnh bên đã có sẵn một khoảnh trống đủ cho một người nằm xuống. Bà đã chọn ở lại bên ông tới phút chót cuộc đời, vẫn biết điều ấy là lẽ sống của bà, nhưng mỗi lần hình dung lại hình ảnh một người già đứng đơn độc trước căn nhà cũ nát, tôi lại thấy nặng trĩu trong lòng.

Bà cố ngoại cũng sống cô độc 

Số lần tôi ở cạnh bà ngoại đã ít, thì số lần tôi được tiếp xúc, ở cạnh bà cố - mẹ của bà ngoại (quê tôi gọi là bà cố ngoại là bà cồ) còn ít hơn. Bà cồ đã mất, thọ 89 tuổi và do ít có điều kiện tiếp xúc nên tôi không có quá nhiều ký ức về bà.

Tôi chỉ nhớ mỗi lần về thăm bà cồ, tôi đều phải giới thiệu lại tôi là con ai, cháu ai… Điều ấy là dĩ nhiên vì bà cồ lớn tuổi, mắt kém, trí nhớ càng kém. Chưa kể mấy đứa cháu từ 2-3 thế hệ như chúng tôi lại quá đông và lớn nhanh, làm sao bà nhớ nổi.

Nhưng có một chuyện bà cồ nhớ rất giỏi, là mỗi lần gặp tôi, bà đều nhắc khi tôi cưới vợ, bà phải đến dự đám cưới của tôi rồi mới chịu... ra đi.

Mẹ của bà
Bà ngoại tôi sống một mình lúc cuối đời, mẹ của bà cũng vậy...

Mùng 2 Tết Đinh Dậu 2017, lần cuối cùng tôi gặp bà cố và chụp tấm hình trên, bà vẫn nhắc về chuyện dự đám cưới, tôi còn nhớ như in câu cuối cùng tôi nghe được trọn vẹn từ bà: “Mày ráng cưới sớm, chứ tao quá già rồi!”. Tôi vừa buồn cười vừa thương đứt ruột. Bà già đến thế rồi mà vẫn trông chờ từng đứa con, đứa cháu được yên bề gia thất.

Đám cưới tôi diễn ra sau hơn một năm bà cồ khuất núi, tiếc là bà đã không chờ đến ngày được tham dự. Nhưng tôi nghĩ, ở đâu đó thật xa bà vẫn đang dõi theo hành trình hạnh phúc của những đứa con, đứa cháu, đứa chắt...

Thi thoảng về quê, tôi kể cho mẹ tôi chuyện bà cồ và bà ngoại, những người đàn bà rất đông con cháu nhưng rốt cục chỉ sống cô độc cuối đời. Mẹ tôi có hai đứa con, chúng tôi đều đang học tập và làm việc ở thành phố. Mỗi ngày mẹ cũng trông ngóng tin chúng tôi, nhưng những cuộc điện thoại cứ thưa dần dần theo thời gian... Đôi khi tôi tự hỏi, không lẽ, đàn bà thế hệ nào thì cuối đời cũng phải sống tựa cửa ngóng chờ con cháu?

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI