Người già trong căn nhà vắng: Bận rộn để không cô đơn

01/10/2020 - 09:00

PNO - Ở U70, cha tôi vẫn quần quật làm nhiều loại công việc, ông lấy sự bận rộn làm niềm vui để khoả lấp nỗi nhớ con cháu.

Như rất nhiều gia đình hiện đại thời nay, dịp Tết là khoảng thời gian hiếm hoi gia đình tôi tề tựu đông đủ. Anh trai lớn của tôi đã có gia đình và sống riêng, tôi thì trụ lại Sài Gòn gần chục năm nay, chị gái tôi hiện sống cùng với cha mẹ nhưng bận bịu chăm sóc gia đình nhỏ. 

Cha mẹ tôi đều ở tuổi heo may cuộc đời. Cả hai có vóc dáng nhỏ bé với nước da ngăm đen, lưu vết một thời lam lũ, cực nhọc. Người ta thường nghĩ người già hạnh phúc vì được sống lâu, nhưng thực tế cho thấy người già đối diện không ít muộn phiền vì cảm giác lệ thuộc, trở thành gánh nặng con cái, hay phải chịu sự cô đơn khi con cháu tha hương cầu thực, mỗi năm chỉ được gặp đôi ba lần... 

Hai chú chó nhỏ luôn quấn quýt bên cạnh cha tôi
Hai chú chó nhỏ luôn quấn quýt bên cạnh cha tôi

Xã hội hiện đại vẫn vận động theo một quy luật: Đó là, con cái lớn lên thì rời cha mẹ mà đi, để lại người già cô đơn trong căn nhà rộng. Một số người còn được sống cùng mái nhà với cha mẹ thì bận rộn với mưu sinh và nhu cầu áo cơm, chẳng mấy ai có thể ngừng lại trò chuyện hay quan tâm thăm hỏi cha mẹ. Cảnh người già tựa cửa chờ con, đâu đâu cũng thấy, từ thành thị tới thôn quê.

Hiểu rất rõ điều này, cha tôi chọn cách nhìn nhận khác đi. Ông thường hay dạy chúng tôi rằng, cuộc sống đơn giản là một chuỗi của những sự chọn lựa, thay vì buồn rầu, oán thán, thì hãy chọn nhìn mọi việc ở góc tích cực để tinh thần tốt hơn. 

Cha tôi sử dụng 24 giờ hiệu quả đến mức chúng tôi ganh tị. Ông thường dậy lúc 4 giờ sáng, tập thể dục, rồi uống trà. 6 giờ, ông sẽ đi chợ, gặp và trò chuyện cùng bạn bè, sau đó phụ mẹ tôi công việc ở chợ đến 9 giờ. Ông về nhà và tiếp tục trồng rau, chăm nhãn, nuôi ốc... Công việc cứ nối tiếp nhau cho hết một ngày dài. 

Thú vui của cha cũng rất đa dạng: nghe đài, đọc sách báo, nghe nhạc... hoặc thi thoảng thì chạy xe đi lòng vòng thị trấn, tìm đến những người quen cũ để hàn huyên. Ông tự làm giàu cho đời sống tinh thần của mình, thay vì chấp nhận sự cô đơn, lạc lõng mà nhiều người già đang đối diện. Và ông nói, sự bận rộn ấy không còn chỗ nào cho nỗi cô đơn chen vào.

Cha tôi mắc nhiều bệnh tuổi già, nhưng chỉ khi lao động ông mới thấy bản thân khoẻ ra. Nếu nằm trên giường dù chỉ một ngà,y cơ thể ông rã rời như không còn sức sống. Ông hay đùa vui với chúng tôi rằng, có thể số ông sinh ra đã cực nên phải lao động đến hết cuộc đời. 

Cách đây 3 năm, chỉ vì tranh thủ tỉa cành cho cây mít, ông té gãy chân và không làm được việc gì trong khoảng 6 tháng. Với cha tôi, đó là quãng thời gian kinh khủng nhất trong gần chục năm trở lại đây. 

Sự lao động miệt mài của cha trong mấy mươi năm qua như một bài học sống cho chúng tôi, rằng muốn ăn ngon, mặc đẹp, hay sống một cuộc đời tự do, hạnh phúc thì lao động chính là chìa khoá để mở lối.

Cha tôi vẫn bận rộn với công việc ở U70
Cha tôi vẫn bận rộn từ sáng tới tối với nhiều loại việc ở tuổi U70

Hơn tất cả, sự cố gắng của cha để sống một cuộc đời vui vẻ, lạc quan cũng là cách ông đem sự an tâm cho con cháu. Chúng tôi chỉ việc tập trung làm việc, học hành. Cha tôi ít thể hiện những tình cảm sâu kín, nhưng sợi dây kết nối vô hình giúp anh em chúng tôi thấu hiểu hết những gì ông dành cho mình. Chẳng biết tự bao giờ, nguồn năng lượng sống tích cực từ ông đã len lỏi và tồn tại trong mỗi chúng tôi.

Có đôi lúc, ông gọi cho tôi, chỉ hỏi "con ăn cơm chưa", "đang làm gì" hay "công việc tốt không"... rồi nhanh chóng cúp máy. Những câu hỏi gọn lỏn, vài ba câu chuyện không đầu không cuối, nhưng tôi hiểu rằng ít nhiều trong những khoảnh khắc đó nỗi nhớ con cháu đang dồn nén trong ông. Và tôi cố gắng thu xếp công việc để trở về với ông vào dịp cuối tuần. 

Những ngày ngắn ngủi ở nhà, tôi - một thanh niên trưởng thành - vẫn ngồi sau xe cha. Ông vòng vèo hết mọi nẻo đường quê hương, có những nơi rất gần, tôi từng nghe tên nhưng chưa đặt chân đến bao giờ. Nơi đó, cha tôi từng trải qua những năm kháng chiến khắc nghiệt, có khi là nơi lưu dấu một thời tuổi thơ dữ dội của ông, cũng có nơi nhuốm nước mắt của những cuộc chia lìa tang thương...

Thi thoảng, cha tôi hay chạy lòng vòng trên mấy con đường quê để gặp
Thi thoảng, cha tôi đi thăm lại những nơi từng gắn bó với thời trẻ của ông

Càng lớn lên và già đi, ký ức con người càng trở về nhiều hơn, rõ nét và sinh động hơn. Cha tôi nhớ rất nhiều chuyện ngày xưa, từ nỗi ân hận trong một lần đánh anh tôi lúc anh còn nhỏ, hay niềm vui nho nhỏ khi cha chở tôi bằng xe đạp leo dốc cầu Mỹ Thuận ngày khánh thành... 

Có lúc, đôi mắt ông đỏ hoe khi nhớ về chuyện cũ. Ông bảo không sợ tuổi già, chỉ sợ đến ngày phải nói lời từ biệt tất cả, mà không thể biết được khoảng thời gian ấy còn ngắn hay dài. 

Thi thoảng tôi ngồi sau xe ông, nhìn thật kỹ mái tóc của cha từ lâu đã chuyển bạc trắng. Đó như một lời nhắc: Thời gian còn bên cha mẹ của tôi mỗi ngày một ngắn lại. Dẫu cha luôn giữ sự lạc quan, vui vẻ, nhưng con cái cũng không được phép quên rằng chúng tôi vẫn đang sống xa ông biền biệt...

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI