Người già tìm lại cuộc sống sau khi tiêm vắc-xin COVID-19

15/03/2021 - 08:17

PNO - Đúng hai tuần sau khi tiêm đủ hai liều vắc-xin COVID-19, bà Sylvia Baer dành cả ngày để đi khám mắt, làm móng tay và mua hàng tạp hóa tại Whole Foods - lịch trình mà bà đã chờ đợi suốt 12 tháng qua.

 

Bà Sylvia Baer ăn trưa với những người cao niên khác vài tuần sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 ở Fort Lauderdale, bang Florida - Ảnh: Reuters
Bà Sylvia Baer ăn trưa với những người cao niên khác vài tuần sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 ở Fort Lauderdale, bang Florida - Ảnh: Reuters

Tìm lại cuộc sống cũ

Bà Baer, giáo sư đại học 71 tuổi (ở Florida, Mỹ) kể: “Tôi đã rất hạnh phúc khi đến cửa hàng tạp hóa một lần nữa. Tôi rời đi với năm món tráng miệng và ba loại ô liu khác nhau để ăn mừng”. Trên khắp nước Mỹ, đợt tiêm chủng COVID-19 đang thay đổi cuộc sống hằng ngày của người cao niên theo nhiều cách, sau hơn một năm đại dịch khiến nhiều người trong nhóm nguy cơ cao buộc phải cách ly. 

Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hơn 60 triệu người Mỹ, tương đương 18,1% dân số, đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin. Gần 55% trong đó thuộc nhóm từ 65 tuổi trở lên. Những người Mỹ lớn tuổi giờ đã có thể đến thăm các thành viên trong gia đình, ăn uống tại nhà hàng yêu thích và đi mua sắm.

Đối với nhiều người cao niên, lợi ích lớn nhất của vắc-xin là cho phép họ gặp lại người thân. Tuần này, bà Linda Dobrusin (80 tuổi) sẽ chào đón ba người bạn - đều đã tiêm phòng - đến nhà ở bang Michigan, để bắt đầu lại lịch gặp gỡ hằng tuần vốn phải tạm dừng kể từ mùa xuân năm ngoái. Riêng bà Sharon Halper (76 tuổi, ở New York) dự kiến sẽ nấu một bữa thịnh soạn và mời các cháu. 

Tại cộng đồng hưu trí Pennswood Village (ở Newtown, bang Pennsylvania), người dân hiện được phép ngồi thành nhóm bốn người trong nhà và trò chuyện trực tiếp. Cư dân Judy Yaskin (79 tuổi) hy vọng việc ăn uống chung sẽ tiếp tục trong những tuần tới và các sự kiện như xem phim chung cũng có thể quay trở lại. 

Vẫn còn những hạn chế

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các biến thể COVID-19 mới, nguy hiểm hơn, đang khiến người cao niên đã tiêm chủng phải thận trọng khi quay trở lại cuộc sống cũ. 
Ở Canada, bà Devora Greenspon (88 tuổi) là một trong 1,4% dân số may mắn được tiêm đủ hai mũi vắc-xin COVID-19. 90% cư dân trong viện dưỡng lão của bà cũng đã tiêm chủng. Nhưng liệu cuộc sống của họ có thay đổi theo chiều hướng tốt hơn?

Một viện dưỡng lão cho phép thăm
Mẹ và con gái trò chuyện qua một tấm kính để ngừa COVID-19 tại một viện dưỡng lão  - Ảnh: AP

Bà Greenspon vẫn đang cách ly trong phòng, cho biết: “Mọi thứ vẫn như cũ”. Việc đi bộ bị giới hạn trong hành lang và bà vẫn không được phép rời khỏi trung tâm vì những lý do không liên quan đến y tế.

Khoảng 66% nạn nhân COVID-19 nghiêm trọng của Canada sống trong các viện dưỡng lão, một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Vì vậy, dù các loại 
vắc-xin đã giúp phần lớn người dân trong viện dưỡng lão tránh khỏi cái chết do vi-rút gây ra, cho đến nay chúng vẫn chưa mang lại thay đổi nhiều hơn.

Hầu hết các nhà dưỡng lão đều có chính sách chỉ cho phép một hoặc hai người chăm sóc được chỉ định đến thăm, nhưng các biện pháp này không được thực hiện đồng đều. Đồng thời ở một số thành phố, bao gồm Toronto và Montreal, người dân không được phép rời khỏi khu nhà.

Câu hỏi về cách chăm sóc người cao tuổi trong thời kỳ đại dịch không chỉ tồn tại ở Canada và Mỹ. Nhiều viện dưỡng lão trên khắp thế giới cấm thăm nom từ khi COVID-19 bùng nổ. Ngay sau đó, các bác sĩ lão khoa gióng lên hồi chuông cảnh báo sự suy giảm nhanh chóng về sức khỏe và hạnh phúc của cư dân lão niên, gây ra một cuộc tranh luận về sự cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Do đó, hiện nay nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, ban hành một số chính sách thăm người thân trong mùa dịch. 

 Ngọc Hạ (theo AP, Reuters, NY Times)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI