Bà già lắm rồi, cỡ hơn 80 tuổi, chúng tôi đoán thế khi nhìn tốc độ chậm chạp bà dịch chuyển chiếc lưng gập hình chữ C. Tóc bà bạc, khuôn mặt đồi mồi, nhăn nhúm.
Dù đi đứng rất khó khăn, phải dùng tay giữ đầu gối, ánh mắt mờ đục, nhưng chiếc lưng còng trở nên có ích cho công việc: độ còng đưa tầm mắt bà gần mặt đường, khiến bà lượm không sót cọng ống hút, miếng khăn giấy, vỏ kẹo nào trong "vùng quét".
Bà còng vừa làm vừa nghỉ, cần mẫn giữa bước chân người Tây, người ta. Cô bán xôi ở ngõ Tràng Tiền cho chúng tôi biết, con cháu bà khá giả chứ không hề khó khăn. Cô đoán bà nhặt rác bán ve chai… cho vui.
Chúng tôi tò mò lia máy quay theo con đường dịch chuyển của bà còng suốt hai ngã tư thì thấy: cứ đi chừng 30-50m, bà mệt nên lại ngồi phệt xuống hè nghỉ, sau đó đứng dậy, túc tắc nhặt tiếp. Rác bà lượm được gom về các đống rác nhỏ dọc đường, chỗ chắc chắn xe rác sẽ tới hốt.
Tôi nghĩ, có lẽ bà còng làm việc ấy vì ý thức giữ sạch đẹp, thấy xả rác là khó chịu, và sâu xa hơn nữa, việc bà làm khiến bà thấy mình có ích.
|
Nhiều cụ già không có người bầu bạn, chỉ biết ngồi ngó ra |
Ở các khu dân cư, nếu đếm tỷ lệ những người quét đường, trồng cây nơi công cộng, không khó phát hiện ra rằng, chủ yếu đấy là người già. Vào các chùa, bạn sẽ phát hiện người làm công quả chủ yếu là phụ nữ đã về hưu.
Không chỉ sợ buồn, người già sợ nhất mình vô dụng, chẳng còn ý nghĩa với ai. Con cái nhao ra đường sống cuộc đời của chúng. Với những cụ một thời trụ cột gia đình, một thời hô mưa gọi gió (nếu làm lãnh đạo), cảm giác bị bỏ quên không hề dễ chấp nhận. Bọn trẻ không chỉ bận rộn, chúng còn vô tâm nên hở chút là người già có thể bị chê, bị la, bị trách móc...
Bị con cháu bỏ rơi giữa bốn bức tường, chỉ bầu bạn với ti vi, con mèo, khóm cây ngoài ban-công là hình ảnh chung của người già ở các đô thị. Đó cũng là điều khiến chúng ta thắt lòng khi nhớ tới cha mẹ. Khi các con ở riêng hoặc ở chung nhưng sáng sáng hối hả lao xe khỏi nhà, các ông bà chỉ còn một khoảng thời gian dằng dặc ngồi đợi chúng về.
Người già ở các khu chung cư mới có vẻ… đỡ buồn hơn ở nhà phố. Xuống sân, ra ghế đá khuôn viên hay vào các câu lạc bộ còn nhìn thấy bóng người qua lại, còn có thể làm quen, kết bạn với nhau.
Người già ở khu phố đông thường không dám đi đâu. Con cái ra khỏi nhà cũng luôn bỏ lại một câu lạnh lùng "cấm ông bà ra cửa" vì bước ra đường là lo đụng xe cộ, lo kẻ xấu lừa lọc.
Mà quả thật ra đường đầy nguy hiểm, không kể xe cộ tán loạn, ông bà còn khỏe, mắt mũi tinh anh thì di chuyển vận động tốt cho sức khỏe, chứ ông bà mắt đã yếu, tai kém, chân cẳng không còn vững, lỡ vấp cục đá, viên gạch vỉa hè bị kênh, bể, lại té ra đó thì khổ.
Một số nhà có điều kiện thuê người giúp việc ở bên người già. Nhưng mức thuê cho dịch vụ này không hề rẻ, ít nhất 6-8 triệu/tháng, tùy sức khỏe người già, tương đương lương của một người đi làm.
Nương tựa... mạng xã hội The Independent vừa trích đăng báo cáo nghiên cứu của Kantar TNS - một tập đoàn chuyên nghiên cứu về thị trường, theo đó, thời gian sử dụng smartphone của giới trẻ ở độ tuổi từ 16 đến 24 có xu hướng giảm nhẹ. Ngược lại, nghiên cứu từ Kaspersky Lab và B2B International cho thấy, trên toàn cầu, số lượng người già truy cập internet đang tăng khá nhanh. 84% người dùng ở tuổi 55 trở lên thường truy cập internet tại nhà nhiều lần trong ngày và 44% dành ít nhất 20 tiếng mỗi tuần cho internet. Tại Anh, tỷ lệ người từ 65 đến 74 tuổi sử dụng internet đã tăng từ 52% vào năm 2011 lên 80% vào năm 2018. Nghiên cứu từ Đại học Michigan (Mỹ) cho thấy, 95% người cao tuổi cảm thấy từ hài lòng đến rất hài lòng với việc công nghệ giúp cuộc sống của họ bớt cô đơn hơn vào lúc xế chiều. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Bruce Hardy tại Đại học Temple (Mỹ), những người từ 30 tuổi trở lên nếu có sử dụng mạng xã hội thì dễ gặp phải các vấn đề về tâm lý. 86% người già kết nối internet không nghĩ mình là mục tiêu của tội phạm mạng và không tự bảo vệ mình đúng cách. Ngoài ra, người lớn tuổi có khả năng chia sẻ tin tức giả gấp gần 7 lần so với thế hệ trẻ. |
|
Được như các cụ này đã là diễm phúc |
Bữa đọc tin báo chí viết về hàng loạt cụ già trúng bẫy tour du lịch 0 đồng, cô Phương Nam (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cười ha hả: "Đời này có ai cho không gì đâu, tin sao được mấy chiêu lừa miễn phí này kia".
Nói thế mà hơn tháng sau cô chú cũng trúng bẫy lừa. Tất nhiên lần này tour du lịch không miễn phí, giá cả do người của nhà xe tới tận cửa chào mời, vừa phải cho tuyến du lịch một ngôi chùa ở Đồng Nai.
Cô chú cùng 5 ông bà cùng xóm không tin trên đời có gì miễn phí, song lại dễ đổ nước mắt thương những thân phận thua thiệt. Trên chuyến xe ấy, sau lời kêu gọi của một thành viên trên xe, cô đã trút nửa tháng lương hưu trong hầu bao để góp tiền mua đồ chơi, sắm cầu tuột cho trẻ mồ côi bị bỏ rơi nuôi dưỡng trong chùa. Những người khác cũng góp đôi ba trăm tới cả triệu cùng lời hứa sẽ về gom áo quần đồ chơi cũ của con cháu.
Khi xe đổ khách ở cổng chùa, bà hàng xóm hốt hoảng kể với cô Nam rằng, con bà vừa gọi nói chùa có nuôi trẻ mồ côi thật, nhưng chỉ một hai bé nên không cần cả công trình cầu tuột trị giá tới vài chục triệu.
Khi các cụ thầm thì trao đổi xong thì kẻ kêu gọi ủng hộ tiền trên xe cũng mất dạng. Quay sang hỏi nhà xe thì họ phủi tay rằng, đấy chỉ là khách đi chùa muốn gom tiền làm từ thiện, nhà xe không liên quan.
Đánh vào tâm lý cô đơn của người già, vài năm gần đây, thị trường dịch vụ cho người già cũng rậm rịch. Tuy nhiên, phần nhiều có hoạt động lại thuộc về những cá nhân và doanh nghiệp... bán hàng đa cấp. Họ tổ chức nhiều sự kiện như mời ngồi ghế massage, kiểm tra sức khỏe miễn phí, hoạt náo, vui chơi trúng thưởng, đi du lịch, tặng các gói khám sức khỏe, thiết bị kiểm tra sức khỏe...
Hình thức của các công ty này cũng hấp dẫn hơn hẳn các hoạt động của tổ hưu trí hay hội đồng hương, do có sự xuất hiện của các nhân viên công ty bán hàng vừa trẻ trung sôi nổi vừa... dẻo miệng marketing, dẫn dụ các ông bà vào những mê cung hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ núp dưới rất nhiều cái tên mỹ miều. Và sau đó, nhiều ông bà than “chẳng hiểu chúng cho bùa mê thuốc lú gì mà tôi lại bỏ tiền mua thứ này”.
Trong một báo cáo tại Anh của chiến dịch kêu gọi chống lại trầm cảm Jo Cox Loneliness, chỉ riêng ở quốc gia này đã có tới 9 triệu người đang ngày ngày phải chịu cảm giác cô đơn và sự tách biệt với xã hội. Cảm giác ấy khiến con người ta dễ trầm cảm hơn, và thường là lý do dẫn đến tình trạng tự sát. Những người cô đơn cũng có rủi ro mắc các bệnh liên quan đến khả năng nhận thức cao hơn tới 64%. Tác hại không chỉ dừng lại ở đó, cảm giác cô đơn làm tăng nguy cơ béo phì, cao huyết áp dẫn đến tử vong sớm lên tới 26%. Con số này cũng tương đương với rủi ro khi hút tới 15 điếu thuốc/ngày. Một số bác sĩ cũng đưa ra lời cảnh báo rằng, cảm giác cô đơn còn khiến con người ta "cố tình" mắc bệnh. Tức là, họ muốn đến gặp bác sĩ nhiều hơn để có cảm giác được quan tâm, chăm sóc, và điều này vô tình tạo áp lực cho ngành y. |
Hoàng Hương