Người già ở đâu trong thời đại 4.0?

20/03/2023 - 06:36

PNO - Trước đây, một ngày của người già chỉ bó hẹp trong khuôn viên phòng mình, nhà mình. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (thời đại 4.0), internet có thể đưa họ đi rất xa nhưng cũng có thể khiến họ thêm cô đơn, khủng hoảng hoặc trở thành nạn nhân của kẻ xấu.

Cụ bà U90 “chơi máy vi tính”

Tranh thủ bật điện thoại lên để xem mẹ đang làm gì ở nhà, tiến sĩ Lê Thị Trúc Anh - giảng viên Học viện Cán bộ TPHCM - phì cười khi thấy bà đang nằm gác chân lên thành giường, 1 tay cầm iPad giơ cao trước mặt, tay còn lại chà, lướt. 

Nằm chán, bà ngồi dậy cầm máy ra ngồi ngay ngắn trên ghế phòng khách, 2 tay chống xuống bàn, mắt chăm chú vào màn hình iPad đang dựng trước mặt. Không biết đang gọi cho ai mà bà nói huyên thuyên, gật đầu liên tục. Đôi lúc bà cười ra vẻ thích thú.

 Mẹ chị Trúc Anh năm nay 86 tuổi, sống một mình trong căn hộ liền kề với căn hộ của gia đình con gái. Chị Trúc Anh cho biết, trước đây, cha mẹ chị sống ở TP Hà Nội, 3 anh em chị đều vào TPHCM lập nghiệp. Năm 2014, khi vào TPHCM thăm con cháu, cha chị bị bệnh. Anh em chị quyết định giữ cha mẹ ở lại TPHCM để tiện chăm sóc. Do thói quen ăn uống, giờ giấc sinh hoạt khác biệt nên ông bà chọn ở riêng. 2 năm trước, cha chị mất. Để yên tâm hơn khi đi làm, anh em chị lắp camera để có thể quan sát mẹ thường xuyên hơn, đồng thời tặng bà chiếc iPad để xem tin tức, tương tác với con cháu.

Tôi mượn Zalo của chị Trúc Anh để gọi cho bà, hỏi bà có hay lướt Facebook, bà nói: “Bà chỉ chơi máy vi tính thôi”. Chị Trúc Anh giải thích: “Các cháu cài sẵn Zalo, Facebook trên iPad rồi hướng dẫn bà chạm vào. Bao nhiêu hình ảnh, tin tức cứ thế hiện ra. Từ đó, bà ghi nhớ “cứ bấm vào 2 ô màu xanh” thì đọc được đủ thứ tin chứ không biết đó là Zalo hay Facebook. Bà gọi đó là “chơi máy vi tính”.

 

Nhiều người già sẽ cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong bối cảnh công nghệ phát triển (trong ảnh: Một người đàn ông ngồi lặng lẽ ngắm phố phường trên vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) ẢNH: TAM NGUYÊN
Nhiều người già sẽ cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong bối cảnh công nghệ phát triển (trong ảnh: Một người đàn ông ngồi lặng lẽ ngắm phố phường trên vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) - Ảnh: Tam Nguyên

Từ ngày biết “chơi máy vi tính”, bà lướt suốt ngày, xem đủ thứ tin, nhìn đủ hình ảnh, thỉnh thoảng hốt hoảng khi bị trôi tin: “Ơ, mới thấy nó đây, giờ lại mất đi đâu”. Ngày nào ở nhà một mình, bà cũng lục tìm số Zalo của ai đó để gọi điện hỏi thăm hoặc chúc mừng sinh nhật. Ngồi mỏi, bà cầm iPad đi khắp nhà, nói oang oang những lúc câu chuyện đến hồi hấp dẫn.

Đó là những ngày đầu khi mới xài Zalo. Hiện nay, sau nhiều lần được các cháu hướng dẫn, bà đã biết trả lời tin nhắn dù chưa biết gõ dấu. Bà chìa iPad ra, vui vẻ khoe: “Trước đây, bà muốn biết mấy giờ thì phải đi ra phòng ngoài xem đồng hồ, nhưng nay máy vi tính cũng có giờ nên bà nằm trên giường bấm luôn để coi giờ, đỡ phải đi ra ngoài”. 

Thấu hiểu nỗi cô đơn của mẹ, chị Trúc Anh rất biết ơn những nỗ lực của mẹ để thích nghi với cuộc sống hiện đại, cũng như biết ơn tất cả những ai kiên nhẫn lắng nghe mẹ nói huyên thuyên, cười rôm rả qua điện thoại bởi mọi người có thể rất bận và mẹ thường lặp lại chuyện cũ, nghe lần thứ hai là có thể thuộc lòng. Do đó, chị chăm chỉ đăng bài, đăng ảnh lên Facebook kể cả khi bận rộn để có thông tin cho mẹ xem, bởi bà thường xem rất kỹ thông tin, hình ảnh con, cháu. 

Chị Trúc Anh tâm sự: “Chúng tôi may mắn khi mẹ sống chủ động, tự tạo cho mình các thói quen lành mạnh để bớt đi cảm giác cô đơn khi vắng tiếng con, cháu. Ngày của bà cũng rất bận rộn: tập thể dục, nấu ăn, “chơi máy vi tính”, đi thăm bà bạn già duy nhất trong chung cư, lúc về thì ngâm chân trong nước ấm rồi xoa bóp”. 

Nạn nhân của lừa đảo 

Mặc dù vậy, người già hiện cũng gặp khó khăn và không ít rủi ro trong thời đại chuyển đổi số. 
“Cô đọc dãy số vừa chuyển qua điện thoại để cháu kiểm tra, nâng cấp sim cho” - một người tự xưng là nhân viên tổng đài giục qua điện thoại. Bà L.T.K.N. - 70 tuổi, ở quận Gò Vấp, TPHCM - đọc dãy số cho người bên kia đầu dây nghe. Không ngờ, thao tác trên đã khiến bà mất hàng trăm triệu đồng tiền để dành lo tuổi già.
 

Công an quận 3 tuyên truyền cho một cụ bà sống ở đường Trần Văn Đang về các chiêu trò lừa đảo sử dụng công nghệ cao - ẢNH: A.X.
Công an quận 3 tuyên truyền cho một cụ bà sống ở đường Trần Văn Đang về các chiêu trò lừa đảo sử dụng công nghệ cao - ẢNH: A.X.

Theo kỹ sư Trần Việt Pháp - chuyên gia bảo mật của một hệ thống bán lẻ ở TPHCM - các chiêu thức lừa đảo bằng công nghệ ngày càng tinh vi nhưng người già chưa được trang bị kiến thức để phòng, chống lừa đảo. Nhiều nghiên cứu ở các nước chỉ ra rằng, có 50 - 70% người già phải tự học và tự “bơi” trên thế giới internet. Họ đối mặt với thông tin sai lệch, lừa đảo. Như trường hợp bà K.N., do không nắm được chiêu thức của kẻ xấu, bà đã vô tình cung cấp mã OTP để kẻ xấu chiếm đoạt sim điện thoại và dùng sim này chiếm đoạt tiền.

“Hầu như tháng nào, tôi cũng nhận được thông tin người thân, bạn bè, đồng nghiệp kể về việc người lớn tuổi trong gia đình họ bị lừa đảo và nhờ tôi hướng dẫn cách phòng tránh. Với người lớn tuổi, tôi cài vào điện thoại của họ phần mềm chặn những trang web độc hại, có nguy cơ lừa đảo. Tuy nhiên, hình thức lừa đảo muôn hình vạn trạng nên không thể ngăn chặn được hết” - kỹ sư Trần Việt Pháp nói.

Chị Lê Thị Nhân (quận Bình Thạnh, TPHCM) kể, mẹ chị 72 tuổi, là cán bộ hưu trí, sống một mình ở phường 17, quận Bình Thạnh. Có lần, lướt mạng bằng điện thoại, thấy quảng cáo về khóa chống trộm đa năng, mẹ chị đã đặt hàng mua 1 ổ khóa với giá 499.000 đồng. Sau đó vài ngày, nhân viên bán ổ khóa gọi điện thông báo bà đã may mắn trúng thưởng cặp đồng hồ đính đá quý, trị giá rất cao. Nhân viên sẽ nhờ bưu điện gửi hàng đến tận nhà. 

Khi nhận quà tặng, nhân viên giao hàng đề nghị bà đóng 3 triệu đồng tiền thu hộ. Bà gọi điện cho phía công ty hỏi thì được giải thích: “Do mặt hàng có giá trị cao nên khách hàng phải chịu thuế”. Với chiêu lừa trúng thưởng này, phía bán hàng đã lừa lấy của bà gần 10 triệu đồng để nhận các mặt hàng rẻ tiền như điện thoại, đồng hồ, thực phẩm chức năng.

“Khi chúng tôi biết chuyện, mẹ có vẻ xấu hổ và sợ mua hàng online. Hiện nay, bà ít khi dùng điện thoại truy cập internet dù đó là cách mà bà từng giải khuây những lúc ở nhà một mình” - chị Lê Thị Nhân kể.

Một phụ nữ cao tuổi ở quận 8, TPHCM đang lướt mạng xã hội bằng điện thoại thông minh.  Nếu không được tư vấn, hướng dẫn, người già dễ bị lừa đảo trên không gian mạng - ẢNH: TAM NGUYÊN
Một phụ nữ cao tuổi ở quận 8, TPHCM đang lướt mạng xã hội bằng điện thoại thông minh. Nếu không được tư vấn, hướng dẫn, người già dễ bị lừa đảo trên không gian mạng - Ảnh: Tam Nguyên

Một cán bộ Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận 3, TPHCM cho biết, công an ghi nhận nhiều chiêu trò lừa đảo nhắm vào người già, như lừa bán hàng dỏm, mạo danh cơ quan công quyền gọi điện hù dọa để yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng. Khi bị lừa, người già thường xấu hổ, sợ con cháu buồn nên giấu. Công an quận 3 thường tổ chức tuyên truyền ở các khu dân cư về các cách thức lừa đảo để mọi người phòng tránh.

Ông Đặng Lê Anh - chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành - nhận định, người già dễ trở thành “con mồi” của bọn lừa đảo là do họ thường sống cô đơn, ít được người thân quan tâm sát sao, nhận thức cũng suy giảm theo tuổi tác. Ông nói: “Người già thường có cảm giác bất an về tài chính. Với những người già không quá khá giả, họ luôn lo lắng về tài chính cho tương lai của mình bởi họ không có nguồn thu nhập như khi còn trẻ. Đánh vào tâm lý này, các đối tượng lừa đảo đã vẽ ra các kịch bản dụ người già kiếm tiền rồi đưa họ vào bẫy”. 

Người già cũng cần sự hỗ trợ của công nghệ

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc do Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức sáng 18/3, bà Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng - đã đặt ra một số vấn đề liên quan đến tình trạng già hóa dân số và các chính sách an sinh xã hội dành cho người già. Trong đó, bà nhấn mạnh rằng, người già đang đối mặt với sự cô đơn bởi nguồn lao động từ nông thôn di cư đến thành thị khiến người già ở thành thị tăng lên và số này thường ít nhận được sự chăm sóc của con cái. Hiện Việt Nam có 36,7% người già đang sinh sống ở các thành thị.

Cũng theo bà Trương Thị Mai, sự hỗ trợ của công nghệ, thiết bị hiện đại vô cùng cần thiết trong việc tạo điều kiện để người già sống hòa nhập, giúp họ tự giải quyết các vấn đề của mình, giúp họ bớt mặc cảm, tự tin hơn để sống cuộc đời của họ. 

Ông Huỳnh Phước Điểm - Trưởng ban Đại diện người cao tuổi quận Tân Phú (TPHCM) - cho rằng, cần giúp người già tiếp cận công nghệ. Hiện nay, chưa có chương trình, lớp học hỗ trợ người già tiếp cận công nghệ mới. Bên cạnh đó, chính người già cũng phải tự nhận thức được các tiện ích do thiết bị công nghệ mang lại và cố gắng học hỏi, thích nghi.

Thu Lê

Nhiều người già lúng túng với điện thoại thông minh

Vợ chồng bà Lê Thị Thúy (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TPHCM) có gần 30 năm làm nghề chăn nuôi bò. Gần đây, bà được con gái tặng một chiếc điện thoại thông minh nhưng chồng bà nhất quyết không dùng bởi không quen “quẹt qua, quẹt lại”. Bà Thúy cho biết, mình cũng rất vất vả khi xài điện thoại thông minh và chỉ biết nghe, gọi.

Bà Lê Thị Linh (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM) cho hay, đã biết sử dụng điện thoại thông minh từ nhiều năm trước. Bà hay đăng ảnh lên Facebook và gọi điện Facetime nói chuyện với con cháu ở xa. Bà kể: “Có mấy lần, con tôi phải chạy về nhà trong đêm do gọi cho tôi cả ngày không được. Kiểm tra lại điện thoại, con tôi mới biết, mấy đứa cháu mượn chơi game và chuyển sang chế độ im lặng. Gần đây, các con tôi lắp camera trong nhà, trước ngõ để tiện quan sát tôi từ xa” - bà kể.

Thiên Ân

Người già dễ cô đơn, khó thích nghi

Người già thường có nhiều kinh nghiệm, kiến thức và họ đã trải qua nhiều giai đoạn của cuộc đời. Một trong những đặc điểm của tâm lý người già là ổn định cảm xúc. Đây cũng có thể là một điểm yếu khiến họ khó thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến công nghệ và 
xã hội.
Người già thường khó thích nghi với cuộc sống hiện đại. Nhiều người già có thể cảm thấy lạc lõng trong một thế giới không quen thuộc, với các công nghệ mới và cách thức kết nối mới giữa con người với nhau. Họ cũng dễ cô đơn, lo lắng và buồn chán khi không còn có nhiều hoạt động xã hội hoặc mất đi người thân yêu. Họ có thể cảm thấy bị cô lập và mất vai trò trong xã hội. Điều này có thể tác động xấu đến tâm lý và sức khỏe của họ.
Tuy nhiên, cũng có những người già có tâm lý khá ổn định và tích cực. Họ nhận thức rằng đây là một giai đoạn của cuộc đời họ và họ tận hưởng những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Họ thường đánh giá cao những giá trị như tình bạn, sự thấu hiểu, lòng trắc ẩn và họ chuyên tâm giúp đỡ người khác, đóng góp cho xã hội.

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý JobWay

 

 

 

Thu Lê - Sơn Vinh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI