Người già nhẹ dạ

03/04/2025 - 10:00

PNO - Những tưởng, người cao tuổi với những trải nghiệm dày dặn gần cả đời người sẽ tỉnh táo trước mọi sự cám dỗ. Nhưng trên thực tế, việc thiếu thông tin, thiếu sự quan tâm của con cháu khiến những người già cô đơn trở thành đối tượng dễ bị lừa gạt.

Chuyến du lịch biển trị giá... 100.000 đồng

Hôm nay, bà Tư bán chè ở chợ Vườn Chuối (quận 3, TPHCM) nghỉ 1 bữa. Không phải bà đau ốm hay bận rộn chuyện gì, mà là bà đi du lịch, đi tắm biển, ăn nhà hàng hẳn hoi. Cách đây hơn tuần, bà khoe với mấy bà bạn hàng trong chợ là được mời đi du lịch Ninh Thuận, trọn gói tiền xe, tiền ăn, tiền tắm biển chỉ… 100.000 đồng/người. Khi mọi người tỏ vẻ nghi ngờ sao lại có tour ăn chơi giá rẻ như thế, bà nói: “Bên công ty kêu mọi người tập trung xuất phát gần trụ sở UBND phường, đi cả đoàn 3-4 xe to, nếu lừa đảo thì sao họ dám ra chốn công quyền mà bày trò”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Sau chuyến đi chơi, tôi thấy bà Tư rao bán 4 hộp sữa bột khá to, nhãn hiệu lạ hoắc, với giá 1 triệu đồng, xong bớt xuống còn 800.000 đồng. Hỏi mãi bà mới tiết lộ là bán tống bán tháo để gỡ được đồng nào hay đồng nấy, chứ quả thật bà không dám uống. Thì ra chuyến đi chơi biển là do một công ty sữa tổ chức.

Bà Tư kể: “Đoàn xuất phát từ 5g sáng. Trong đoàn đa số là người cao tuổi, người đã nghỉ hưu, tiểu thương mua bán nhỏ. Người ta chở đoàn tới Ninh Thuận như quảng cáo, cho ăn trưa ở một quán cơm khá sạch sẽ, rồi cũng cho xuống tắm biển chừng 1 tiếng đồng hồ. Lúc này, mọi người đều hồ hởi vì tốn có 100.000 đồng mà được ăn, được chơi thoải mái. Tắm xong, họ điểm danh rồi mời tất cả vào một căn phòng và bắt đầu quảng cáo sữa.

Một anh trong công ty đứng ra hỏi: “Cô bác có ai muốn nhận quà tặng không?”. Rất nhiều người giơ tay, trong đó có tôi. Họ mới đem ra quà tặng là những thứ linh tinh như xà bông cục, kẹo ngậm, dầu gió… rồi nói để được nhận quà thì mỗi người phải mua 1 lốc 4 hộp sữa, trị giá 900.000 đồng/hộp. Ai không đem theo tiền thì họ sẵn sàng cho thiếu, chỉ cần cung cấp số điện thoại, địa chỉ.

Thấy họ nhiệt tình, rồi cho ăn uống chu đáo, ai cũng không nỡ từ chối, bấm bụng bỏ gần 4 triệu đồng ra mua sữa” - bà Tư kể. Bà nói không phải chỉ người buôn bán ít học như bà mới mắc bẫy, mà có cả cặp vợ chồng thầy giáo, cô giáo dạy cấp III về hưu cũng bị lừa. “Nghe nói có quà, vợ chồng cổ đều giơ tay. Về sau nghe nói 1 phần “quà” trị giá 3,6 triệu đồng, cổ phải năn nỉ cho trả lại một phần, chứ không là mất luôn hơn 7 triệu đồng rồi” - bà nói thêm.

Sau chuyến đi biển sáng đi chiều về đó, bà Tư thấy công ty sữa tiếp tục mời đi chơi nhiều chuyến nữa nhưng họ chỉ nhắm tới những người già chưa đi lần nào. Bởi, như bà Tư nói, người đã đi 1 lần sẽ không bao giờ đi nữa hoặc có đi thì cũng chỉ ăn, chơi chứ không mắc bẫy “nhận quà”.

Không có bữa ăn nào là miễn phí

Bà Đinh Xuân Thu - 75 tuổi, giáo viên hưu trí tại TP Cần Thơ - cho hay gần đây, nhóm bạn già của bà thường được các công ty bán hàng mời đi ăn sáng miễn phí. Ăn xong, các bà được mấy em, mấy cháu mời nán thêm vài phút để nghe kiến thức về dinh dưỡng và cách giữ sức khỏe. “Ít phút” đó thường kéo dài đến tận trưa, khi công ty thi nhau giới thiệu hết thuốc bổ này đến máy tập thể dục khác, rồi thì sữa hạt dinh dưỡng, thuốc giảm đường, giảm mỡ, giảm cân…

Với chiến thuật “1 kèm 1”, mỗi người già được 1 nhân viên tận tình phục vụ, miệng ngọt như đường, dạ thưa lễ phép chào mời đủ kiểu. Cuối cùng, mỗi bà ít nhất cũng nhận lời mua 1-2 sản phẩm “cho em cháu nó vui” với giá tiền lên tới vài trăm ngàn đồng hoặc mấy triệu đồng.

“Biết dì tôi sống một mình, có nhân viên còn tình nguyện đưa đón dì tới những buổi giới thiệu sản phẩm, nhận lau dọn nhà cửa cho dì rồi tranh thủ… bán hàng. Riết rồi dì tôi đem hết lương hưu ra mua những thứ đắt tiền mà không cần thiết, những loại thuốc không rõ nguồn gốc” - anh Quang Huy - cháu bà Thu - kể.

Thật ra, những chiêu trò như vừa kể là những phương pháp thao túng tâm lý rất cơ bản trong kinh doanh. Có thể kể đến như: hiệu ứng chim mồi (thu hút khách hàng bằng một sản phẩm hoặc dịch vụ hấp dẫn với giá rẻ, sau đó đưa ra một sản phẩm hoặc dịch vụ khác với giá cao hơn để hướng khách mua sản phẩm ban đầu), hiệu ứng đám đông (không ngừng nhắc lại việc trong ngày hôm nay đã có bao nhiêu người mua hàng, trong khi đó lượng ưu đãi còn lại rất ít, để “thúc” khách hàng xuống tiền nhanh), tâm lý mang ơn (cho đi một số lợi lộc nhỏ để khách hàng cảm thấy áy náy, buộc lòng phải mua món hàng giá cao mà họ đề nghị)…

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

So với hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, các chiêu thức bán hàng đánh vào tâm lý của người nhẹ dạ, cả tin như trên lại khó xử lý trách nhiệm, bởi giao dịch xuất phát từ sự thuận mua vừa bán. Các nạn nhân cho biết nếu họ chỉ ăn, chơi miễn phí và cương quyết không mua hàng thì bên bán cũng không làm gì họ, có chăng chỉ là làm phiền đeo bám hoặc tỏ thái độ khó chịu.

Tuy nhiên, đâu phải cụ ông, cụ bà nào cũng có thể sắt đá không móc hầu bao trước những lời đường mật của nhân viên bán hàng đa phần chỉ đáng tuổi con cháu mình.

Do vậy, để tránh mất tiền oan, người cao tuổi nên tỉnh táo trước những lời mời gọi sử dụng dịch vụ miễn phí. Trên đời này thường chẳng có bữa ăn nào là miễn phí. Đừng vì tâm lý tiết kiệm (người già không còn làm ra tiền thường hay thích được cho, tặng, giảm giá) mà nhẹ dạ, cả tin để rồi mất tiền cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, còn có nguy cơ gây hại sức khỏe.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI