Người già mưu sinh: Bức tranh loang mồ hôi

02/10/2017 - 14:11

PNO - Trên các con đường lớn nhỏ ở Sài Gòn, không thiếu bóng dáng những cụ già còng lưng bươn bả mưu sinh, khi chiếc xe đẩy, gánh hàng rong, lúc cặm cụi nhặt nhạnh mớ ve chai...

Từ lâu, những hình ảnh đó như những mảng màu tạo nên dung diện phố xá. Mỗi cuộc đời, mỗi câu chuyện khác biệt; lại chung nhau nỗi bảng lảng cô đơn, xót xa.

Tuổi già gánh cả gia đình

Trưa. Nắng như đổ lửa. Tiếng rao run run của bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh (68 tuổi) lọt thỏm giữa dòng người xe trên đường Nguyễn Chí Thanh (Q.5): “Ai bánh bò nướng hôn!”. Tôi xuống xe, dắt bộ đi theo bà. Chiếc xe đẩy trở nên quá khổ so với vóc dáng gầy nhom của bà.

Đẩy được một quãng, bà lại đứng thở dốc, lấy khăn lau mồ hôi trên mặt. Một ngày mưu sinh của bà Oanh bắt đầu từ 6 giờ sáng với 80 cái bánh bò. Canh cánh trong lòng bà một nỗi lo kiếm 200 ngàn đồng tiền lời nuôi ba đứa cháu ngoại, đứa lớn nhất mới học lớp ba, do con gái bà thiểu năng trí tuệ, bị dụ dỗ, mang bầu ngoài ý muốn đến ba lần. Bà Oanh có sáu người con, tứ tán tha hương kiếm sống.

Mỗi ngày, với 200 ngàn đồng ấy, bà Oanh trích đi chợ 50 ngàn đồng cho năm miệng ăn, còn lại dành đóng tiền học cho các cháu. Bà chùng giọng: “Tôi mua bậy nhúm rau về nấu nồi canh, bắc miếng cơm. Rồi cũng xong. Nhưng cầu xin trời cho tôi sức khỏe để còn đi bán…”. 

Nguoi gia muu sinh: Buc tranh loang mo hoi
Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh bán bánh bò nuôi các cháu

Ngày nắng cũng như mưa, cứ 5 giờ sáng là ông Nguyễn Văn Tiên (73 tuổi) đạp chiếc ba gác dừng trước chợ Võ Thành Trang (P.14, Q.Tân Bình). Bốn mươi năm nay vẫn thế, ai thuê thì ông chở hàng, lúc mấy thúng rau, khi thanh gỗ, bộ bàn... Ông Tiên có hai người con.

Người con trai đã lập gia đình mà lương không đủ sống, người con gái tên Mai, đã 38 tuổi, bị bệnh thần kinh từ nhỏ. Trước kia, chị Mai còn biết bày bán mấy lít xăng, tủ thuốc lá đầu ngõ. Sau cái chết của mẹ cách đây sáu năm, chị trở nên câm lặng, cứ lơ ngơ. Một bữa, chị đổ xăng vào tủ thuốc rồi bật lửa đốt, sau đó ù chạy... Ông đưa con gái ra Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (Đồng Nai) chữa trị.

Nguoi gia muu sinh: Buc tranh loang mo hoi
Ông Nguyễn Văn Tiên bền bỉ kiếm cơm bên "ngựa sắt"

Bệnh chị Mai giảm, nhưng từ đó, gánh sinh nhai trên vai ông Tiên chồng chất: “Lỡ mình chết, ai lo cho nó?”. Nghĩ vậy mà lắm khi, dẫu lưng đau, chân mỏi, ông Tiên vẫn ráng gồng đạp từng cuốc xe chở hàng, cố kiếm ít nhất 100 ngàn đồng/ngày.

Tối tối, ông ghé chợ tranh thủ mua ít rau cá ế cho rẻ, tầm 30 ngàn đồng/lần cho một ngày cơm của hai cha con. Số còn lại, ông dành mua thuốc thang cho mình, cho con và tích lũy cho mai sau của chị Mai, khi không còn ông nữa...

Bà xưng là Nguyễn Thị Đầm, 94 tuổi, quê ở Trà Vinh, không chồng con, trôi dạt lên TP.HCM bán vé số. Bà cột tấm bạt ở các dạ cầu để nương thân. Bà kể, mấy ngày rồi bị cao huyết áp, tiền dành dụm mua thuốc uống, mua cơm ăn, nên cụt vốn, không lấy được vé số bán. Hai ngày nay, bà không có gì bỏ bụng. “Sao bà không đi xin?” - tôi buột miệng.

Nguoi gia muu sinh: Buc tranh loang mo hoi
Bà Nguyễn Thị Đầm chỉ sợ đói

Bà lắc đầu: “Ai thương thì cho chứ bà không xin, mắc cỡ lắm! Mà xin cũng không dễ. Có khi bà vào quán mua đồ ăn mà chủ quán còn xua tay”. Xì xụp tô hủ tíu tôi mua biếu bà, bà chùng giọng: “Hủ tíu nóng ghê, nhưng mà bà đói, bà thèm quá!”.

Buông tô ra, không còn một giọt nước lèo, bà cho biết mấy năm rồi chưa được một bữa ngon như vậy. So vai, bà nói: “Bà không sợ đơn độc, chỉ sợ đói. Khi đói, chóng mặt lắm. Bà nhiều lần đói, té chúi nhủi, đập đầu xuống đường rồi.”.

Có người ghé lại, mách nhỏ tôi rằng bà có mấy người con trai sống ở Q.4, Q.7 (TP.HCM) song chẳng hiểu sao, bà cứ nói “tứ cố vô thân”. Bà quay sang lườm: “Biết gì chuyện nhà người ta mà xía vô”. Rồi bà ghé vào tai tôi: “Ờ, tui có bảy đứa con, nhưng mà tụi nó…” . Nước mắt chực ứa, bà vội quờ gậy đứng lên, tiếp tục hành trình...

Ở cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi, tận hưởng sự phụng dưỡng của con cháu thì những người như bà Oanh, ông Tiên, bà Đầm hay hàng vạn người già vẫn đang quần quật mưu sinh trên đường phố. Chẳng những vất vả kiếm miếng cơm cho mình, mà các cụ còn nặng gánh lo cho con cháu.

Không có bất cứ luật nào buộc người già phải lo cho người trẻ, song, với chính sách hỗ trợ dành cho người trẻ bị mất sức lao động, tật nguyền hoặc trẻ mồ côi, hộ nghèo... vẫn chưa đảm bảo, thì các cụ vẫn tự choàng lên vai trách nhiệm này. 

“Ở không là bệnh liền”

Tuy vậy, không ít người già rất yêu thích lao động. Với họ, đó là một lựa chọn để thấy mình còn khỏe mạnh và hữu dụng. Những câu chuyện “nghiện làm việc”  như một mảng màu khiến bức tranh người già mưu sinh tươi sáng và truyền cảm hứng tích cực.

Ở tuổi 70, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng (ngụ Q.1) vẫn đi diễn khắp nơi, kể cả tỉnh xa. Bà bận rộn nhận sô, ghi lịch, tập tuồng, trang điểm, hóa thân trọn vẹn với nhân vật dưới ánh đèn sân khấu.  Nhiều người ái ngại cho bà phải nhọc nhằn ca diễn ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà nói nhu cầu sống của bà không phải bó hẹp vì tiền.

Nguoi gia muu sinh: Buc tranh loang mo hoi
Nghệ sĩ BoBo Hoàng "nhả tơ trọn kiếp tằm"

Vì yêu nghề nên mong muốn được cống hiến cho đời, mong đỡ đần các con. “Ở không hả? Bệnh liền à!” - bà tự trào mình mắc chứng “nghiện làm”. Trên chiếc ghế nệm mà bà gọi vui là “ghế giám đốc” của “công ty sản xuất trang sức sân khấu”, mắt bà vẫn dán lên cây trâm cài tóc, tay vẫn thoăn thoắt kết hạt lấp lánh… chuyện đời nghệ sĩ Bo Bo Hoàng lướt rất nhanh qua những đoạn buồn. 

Tiểu thương chợ Thủ Đô (Q.5) hầu như ai cũng biết hai chị em bạn dâu bà Nguyễn Thị Nguyên (70 tuổi) và bà Trương Thị Hoa (65 tuổi), có thâm niên buôn bán nơi này. Từ năm 14 tuổi, bà Nguyên đã được mẹ truyền cho nghề làm cá lóc. Còn bà Hoa, sau khi về làm dâu mới theo chị ra chợ bán từ năm 1973 đến nay.

Mấy chục năm trời, ngày nào cũng vậy, họ đều có mặt ở chợ lúc 3, 4 giờ sáng, nhận cá bỏ mối từ chợ Bình Điền, làm cá, bán cá đến tận 11, 12 giờ trưa. Bà Nguyên bảo, bà đi làm là để tự lo cho mình, không muốn thành gánh nặng của con. Trong khi đó, con cái bà Hoa đều khấm khá, có người làm giám đốc, người sang Nhật làm việc. “Ở nhà đi ra đi vào buồn. Ra đây có chị em, bạn hàng, vui lắm” - bà Hoa nói.

Nguoi gia muu sinh: Buc tranh loang mo hoi
Hai chị em bà Nguyên - Hoa chung thủy với nghề bán cá

Sự trưởng thành, ổn định của con cái luôn là niềm mong mỏi của bậc sinh thành sau những năm tháng cật lực lèo lái gia đình. Tuy vậy, những người cha người mẹ ít khi nào đòi hỏi nghĩa vụ chăm sóc của con cái. Mưu sinh, dẫu còn nặng gánh hay để tìm kiếm niềm vui thì phần lớn người già mà chúng tôi gặp, vẫn xao xác nỗi cô đơn.

Luật Hôn nhân và Gia đình nêu cao vai trò thương yêu, chăm sóc, phụng dưỡng của con cái đối với bậc sinh thành. Song, thực tế lâu nay việc thực thi điều luật này vẫn còn… cảm tính, chủ yếu dựa trên ý thức trách nhiệm, đạo lý, tình thương của con cái, thật khó tìm ra trường hợp nào bị xử phạt vì vi phạm. Có lẽ đó cũng là một góc buồn của bức tranh về người già. 

Thùy Chi - Hiền Dân - Trang Đắc


Ông Võ Minh Hoàng - Phó trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM: 

Trại dưỡng lão luôn mở cửa đón người già neo đơn

* Thưa ông, người cao tuổi (NCT) của chúng ta được Nhà nước chăm sóc ra sao?

Chính sách bảo trợ xã hội đối với NCT (từ 60 tuổi trở lên) hiện nay là: trợ cấp hằng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi chết được hỗ trợ mai táng phí… Năm 2017, số NCT ở TP.HCM đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo Luật NCT tại cộng đồng là 80.049 người, trong đó đại đa số là người 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (380.000 đồng/tháng). 

Về y tế, NCT được lập hồ sơ, danh sách chăm sóc sức khỏe tại phường/xã. Đến bệnh viện, NCT được ưu tiên khám chữa bệnh, NCT được miễn giảm một số phí khi tham quan bảo tàng, khu du lịch... Hiện NCT từ 75 tuổi trở lên được miễn vé xe buýt. NCT được tạo điều kiện tham gia các câu lạc bộ ông bà cháu, dưỡng sinh, thể dục thể thao, văn thơ, tài tử - cải lương; được chúc thọ, mừng thọ theo quy định... 

Tuy vậy, NCT ở TP.HCM cũng rất năng động, theo thống kê của chúng tôi, có tới 4.371 cụ làm kinh tế giỏi, giúp giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, hộ nghèo. 

* Với những người neo đơn, không gia đình, làm cách nào để các cụ có thể vào các trại dưỡng lão?

Hiện TP.HCM có gần 2.000 NCT được nuôi dưỡng trong 19 trung tâm bảo trợ xã hội công lập, ngoài công lập. NCT được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội gồm: nhóm đối tượng xin ăn, sinh sống nơi công cộng không cư trú nhất định; người sống tại TP.HCM neo đơn, không ai nuôi dưỡng. 

NCT được nhận vào trung tâm bảo trợ xã hội khi có xác nhận của địa phương về hoàn cảnh người đó không có con cái hoặc có con nhưng không có khả năng nuôi dưỡng cha mẹ. 

* Trường hợp các cụ ở cùng con cháu mà bị ngược đãi, có quy định nào xử phạt kẻ ngược đãi hay không, thưa ông?

Trường hợp NCT bị các thành viên trong gia đình hành hạ, ngược đãi có tính chất nghiêm trọng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, quy định tại điểm b khoản 1 điều 50 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình và tại điều 18, điều 19 Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

* Xin cảm ơn ông.

Hoài Nhân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI