Người già lạc lối giữa mê cung ứng dụng công nghệ

23/09/2024 - 06:45

PNO - Quá ngày nhận lương hưu hằng tháng mà không thấy tin nhắn của ngân hàng, bà Đỗ Thu Hương - 60 tuổi, ở quận 6, TPHCM - liên hệ thì nhân viên bảo hiểm xã hội quận nói đã chuyển lương vào tài khoản và khuyên bà kiểm tra số dư trong ứng dụng (app) của ngân hàng thay vì đợi tin nhắn SMS banking. Nghe những thuật ngữ app, SMS banking, bà Hương vừa hoang mang, vừa ngao ngán.

Ứng dụng thao tác rườm rà, người già khổ sở

Bà Hương kể, lúc mở tài khoản ngân hàng để nhận lương hưu, bà nhờ nhân viên tải ứng dụng của ngân hàng, hướng dẫn bà nhập thông tin. Để tăng bảo mật, các ứng dụng thường yêu cầu tạo mật khẩu có nhiều ký tự, gồm chữ hoa, chữ thường, số, ký tự đặc biệt khiến bà tạo xong thì không thể ghi nhớ. Bà thường nhập sai mật khẩu nên ứng dụng bị khóa. Muốn có lại mật khẩu, bà phải ra tận ngân hàng.

Nhiều người cao tuổi trực tiếp đến một ngân hàng ở quận 1, TPHCM làm các thủ tục do không quen xài các ứng dụng trực tuyến ẢNH: THANH HOA
Nhiều người cao tuổi trực tiếp đến một ngân hàng ở quận 1, TPHCM làm các thủ tục do không quen xài các ứng dụng trực tuyến. ẢNH: THANH HOA

Nghe nhân viên bảo hiểm xã hội báo đã chuyển tiền lương hưu vào tài khoản, bà Hương nhờ nhân viên ngân hàng kiểm tra số dư thì đúng là tiền đã được chuyển. Bà nói, nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng tiện lợi, nhưng nghe tới ứng dụng là bà bị “dội”.

Bà không biết kiểm tra biến động số dư ở đâu, không biết chuyển tiền như thế nào vì sợ làm sai thao tác, rất nguy hiểm. “Tôi đành chịu mất phí để nhận thông báo biến động số dư qua tin nhắn SMS banking trên điện thoại. Mỗi khi có lương hưu, tôi đều tới ngân hàng để rút tiền hoặc nhờ người thân rút giùm ở trụ ATM” - bà Hương nói.

Do không rành về các ứng dụng ngân hàng, nhiều người vẫn nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng tiền mặt thay vì qua tài khoản ngân hàng. Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Ở khu vực thành thị, có khoảng 74% người nhận các chế độ qua tài khoản ngân hàng; còn ở nông thôn, tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều.

Hiện ở TPHCM, vẫn còn khá đông người đến hệ thống Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động, Co.op Food, Bách Hóa Xanh, Winmart… đưa tiền mặt, nhờ thanh toán hộ các khoản tiền điện, nước. Đang chờ nhân viên tại Điện Máy Xanh thu hộ tiền điện, ông Trần Văn Mạnh - 55 tuổi, ở quận Bình Tân, TPHCM - cho hay, ông biết các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử cho phép thanh toán hóa đơn điện, nước, khoản vay nhưng ông không dám thao tác bởi ứng dụng có phông chữ quá nhỏ.

Ông từng nhập sai thông tin nên đã chuyển nhầm vào tài khoản lạ, mất hơn 25 triệu đồng. Ông có tìm hiểu về ứng dụng ví điện tử để thanh toán nhưng thấy rườm rà, phải kết nối ví với tài khoản ngân hàng, chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng về ví điện tử.

Nhận thấy mua sắm qua ứng dụng của sàn thương mại điện tử tiện lợi, bà Trần Thị Chi - 55 tuổi, ở quận 3, TPHCM - bèn tải ứng dụng, liên kết ứng dụng mua sắm với tài khoản ngân hàng để tiện thanh toán và tận dụng các ưu đãi của ngân hàng. Nhưng sau đó, bà đành xóa mọi ứng dụng khỏi điện thoại do bị lừa đảo.

Kẻ lừa đảo tự nhận là nhân viên của sàn thương mại điện tử, nhắn tin thông báo bà trúng thưởng quà 30 triệu đồng, yêu cầu bà vào trang web giả mạo sàn thương mại điện tử để xác thực tài khoản ngân hàng. Kết quả, bà bị mất 7 triệu đồng.

Nhân viên tại một đại lý  của Mobifone ở quận 3, TPHCM đang hướng dẫn người lớn tuổi thực hiện các thao tác trên  ứng dụng  điện thoại
Nhân viên tại một đại lý của Mobifone ở quận 3, TPHCM đang hướng dẫn người lớn tuổi thực hiện các thao tác trên ứng dụng điện thoại

Tạo app tiện lợi, hướng dẫn dễ hiểu

Hiện tại, chỉ có một số đơn vị cải tiến giao diện của ứng dụng để tiện lợi hơn cho người cao tuổi. Chẳng hạn, ứng dụng của Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) có tính năng tìm kiếm bằng giọng nói, chỉ cần nói “chuyển khoản”, giao diện ứng dụng sẽ hiện ra chỗ chuyển tiền. Với tính năng sao lưu giao dịch tự động, chỉ cần gõ tên khách hàng thì số tài khoản tự động hiển thị. Ứng dụng của Ngân hàng HSBC có giao diện tối giản, dùng tiếng nói để hướng dẫn thao tác.

Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Xuân - Trưởng bộ môn ngân hàng, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế - Luật, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM - cho rằng, hầu hết ứng dụng hiện nay không thân thiện với người cao tuổi, có phông chữ nhỏ, giao diện không rõ ràng hoặc quá nhiều chức năng, nâng cấp liên tục… Người cao tuổi thường hạn chế về thị lực, thính giác, khả năng phối hợp tay mắt nên rất lúng túng khi thao tác trên các ứng dụng.

Theo bà, sự già hóa dân số trên toàn cầu đòi hỏi có những dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người cao tuổi, trong đó có các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, dịch vụ tài chính cá nhân. Nên chăng, các ngân hàng, tổ chức tài chính xem xét, định hình lại chuẩn mực thiết kế công nghệ, chẳng hạn tạo ra phiên bản của ứng dụng ngân hàng dành riêng cho người cao tuổi, giống như mạng xã hội YouTube có phiên bản YouTube Kids dành riêng cho trẻ em.

Nhân viên một ngân hàng trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TPHCM đang hướng dẫn một phụ nữ lớn tuổi chuyển tiền qua app ngân hàng
Nhân viên một ngân hàng trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TPHCM đang hướng dẫn một phụ nữ lớn tuổi chuyển tiền qua app ngân hàng

Ứng dụng ngân hàng phiên bản dành cho người cao tuổi nên có giao diện đơn giản với các biểu tượng lớn hơn, chữ to hơn với độ tương phản cao, nổi rõ các tính năng quan trọng nhất mà người cao tuổi thường dùng, như chuyển tiền, xem số dư, thanh toán hóa đơn.

Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Xuân

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và ứng dụng - Việt Nam là nước có tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) cao nhất nhì thế giới, chiếm hơn 84% dân số. Người cao tuổi ở Việt Nam không dùng các ứng dụng công nghệ là do không có nhu cầu thanh toán nhiều, sợ rủi ro lừa đảo chứ không hẳn do mù mờ về các ứng dụng.

Ông nói: “Nếu chưa được hướng dẫn thì ngay cả người trẻ cũng lúng túng với các ứng dụng công nghệ. Nếu được hướng dẫn thao tác vài lần, chắc chắn người cao tuổi sẽ thạo dùng ứng dụng. Do đó, không cần thiết kế giao diện mới mà chỉ cần nhân viên ngân hàng làm tốt khâu hướng dẫn”.

Ông Huỳnh Trung Minh (Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TPHCM - HDBank) cho rằng, các tổ chức cung cấp ứng dụng nên phối hợp với các tổ chức xã hội, các trung tâm hỗ trợ người cao tuổi tổ chức các lớp học trực tiếp hoặc trực tuyến để hướng dẫn người lớn tuổi cách sử dụng các ứng dụng; phổ biến trên mạng xã hội hoặc ở trụ sở, văn phòng của hội, chi hội người cao tuổi các video ngắn, tài liệu dễ hiểu về ứng dụng.

Nên tạo các lớp bảo mật dễ sử dụng, chẳng hạn như xác thực bằng vân tay, khuôn mặt thay vì mật khẩu phức tạp. Các ngân hàng và nhà mạng có thể cung cấp đường dây hỗ trợ riêng, có nhân viên chuyên giải đáp các thắc mắc của người cao tuổi…

Đôi khi các lớp bảo mật cũng vô nghĩa

Hầu hết vụ việc người cao tuổi bị lừa mất tiền tỉ gần đây là do nạn nhân tự chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. Các nhóm lừa đảo đánh vào lòng tham, vào điểm yếu tâm lý (“có tật giật mình”), vào sự thiếu kiến thức về bảo mật của người dùng mạng. Trong những trường hợp này, ngân hàng có dùng 2-3 lớp bảo mật cũng vô ích. Điều quan trọng nhất để giữ an toàn tài sản vẫn là ý thức của người dùng.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển

Hỗ trợ người già tiếp cận công nghệ mới

Trên iPhone của hãng Apple (Mỹ), có chế độ “khả năng tiếp cận” (accessibility), cho phép điều chỉnh cỡ chữ, độ tương phản và điều khiển bằng giọng nói, giúp người cao tuổi dễ sử dụng thiết bị.

Chính phủ Singapore đang triển khai chương trình “Sáng kiến thông tin bạc” (Silver Infocomm Initiative) giúp người cao tuổi làm quen và thành thạo công nghệ thông qua các lớp học miễn phí hoặc giảm phí.

Indonesia có ứng dụng ngân hàng Jenius được thiết kế với giao diện thân thiện, màu sắc nhẹ nhàng, tối giản hóa các bước thao tác, giúp người lớn tuổi sử dụng dễ dàng. Đây là những điều mà các doanh nghiệp của Việt Nam nên học hỏi.

Ông Huỳnh Trung Minh

Áp dụng giải pháp công nghệ bảo vệ người cao tuổi

Để bảo vệ tài khoản ngân hàng của người cao tuổi, cần áp dụng các phương pháp xác thực an toàn như xác thực 2 yếu tố (2FA), sử dụng dấu vân tay hoặc nhận dạng khuôn mặt. Việc cài đặt các giới hạn giao dịch trên tài khoản của người cao tuổi cũng giúp hạn chế các giao dịch lớn không cần thiết, từ đó giảm khả năng bị lừa đảo.

Các ngân hàng, tổ chức tài chính có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích hành vi giao dịch của người cao tuổi; khi có những giao dịch không phù hợp với thói quen sử dụng của họ (chẳng hạn như giao dịch với số tiền lớn bất thường), hệ thống sẽ gửi cảnh báo hoặc tạm dừng giao dịch để kiểm tra.

Nên có hệ thống cảnh báo qua tin nhắn hoặc điện thoại khi phát hiện các giao dịch đáng ngờ hoặc có sự truy cập từ các thiết bị mới, từ đó giúp người cao tuổi có thể ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo. Nên xây dựng các ứng dụng tích hợp cảnh báo (ứng dụng tự động quét và cảnh báo cho người dùng) khi phát hiện trang web lừa đảo hoặc các liên kết có nguy cơ gây hại do đối tượng lừa đảo cung cấp.

Các ứng dụng có thể tích hợp bộ lọc tin nhắn hoặc cuộc gọi và tự động chặn các tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo. Ngân hàng, ví điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cần hợp tác để chia sẻ thông tin và phát triển các hệ thống cảnh báo, bảo vệ người cao tuổi trước các hình thức lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn và các hình thức trực tuyến khác.

Ở nhiều nước phát triển, người ta rất quan tâm đến việc tạo ra các ứng dụng thân thiện cho người cao tuổi. Chẳng hạn, điện thoại Jitterbug Smart ở Mỹ có các nút lớn, biểu tượng rõ ràng, có tính năng hỗ trợ khẩn cấp bằng 1 nút bấm.

Ở Nhật Bản, có dòng điện thoại thông minh Raku-Raku với giao diện có nút bấm lớn, chữ to, có các tính năng đơn giản, tập trung vào các nhu cầu cơ bản của người già như gọi điện, nhắn tin và xem thông tin. Ở Hàn Quốc, có ứng dụng mạng xã hội SeniorNet giúp người cao tuổi dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu về công nghệ và nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - công tác ở Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI