Người già khó nghỉ hưu khi giá cả leo thang

15/04/2022 - 06:00

PNO - Giá cả sinh hoạt tăng theo tình trạng lạm phát, thiếu hụt hàng hóa toàn cầu đang khiến bộ phận dân số lớn tuổi trên thế giới gặp nhiều khó khăn. Nhiều người lao động đã phải suy nghĩ lại về kế hoạch nghỉ hưu khi cuộc sống có quá nhiều thay đổi.

Lựa chọn khó khăn

Leslie Morgan đang làm mọi thứ có thể để tiết kiệm tiền. Bà bỏ thuốc lá, cắt giảm danh sách mua sắm và tiết chế việc tắm nước nóng để giảm tiền điện. Nhưng tất cả vẫn chưa đủ. Tiền thuê nhà, thực phẩm và các tiện ích đều trở nên đắt đỏ, khiến giáo viên về hưu như Leslie khó có thể sống tốt với khoản 3.000 USD tiền lương hưu và tiền an sinh xã hội mỗi tháng. Người phụ nữ 65 tuổi - sống ở Asheville, bang Bắc Carolina (Mỹ) - chia sẻ: “Sống sót qua ngày đã trở thành mối quan tâm lớn nhất của tôi. Hiện tôi có thể xoay xở, nhưng tôi đã rất lo lắng về việc làm cách nào để tiếp tục trả tiền cho mọi thứ”. 

Giá cả tăng cao đang bóp nghẹt ngân sách các hộ gia đình trên khắp nước Mỹ và gây thêm căng thẳng cho 56 triệu cư dân từ 65 tuổi trở lên. Dữ liệu của Cục Điều tra dân số Mỹ cho thấy, những người trong độ tuổi trên có nhiều khả năng sống trong cảnh nghèo đói hơn những người trẻ tuổi, bất kể việc họ chỉ dựa vào hệ thống an sinh xã hội hay có các nguồn thu nhập khác. Một nửa số người cao tuổi sống một mình tại Mỹ đang chật vật với thu nhập chưa đến 27.000 USD/năm - mức sinh hoạt tối thiểu theo chỉ số người cao tuổi, một thước đo chi phí sinh hoạt được xác định bởi Viện Lão khoa tại Đại học Massachusetts Boston.

Lạm phát khiến chi phí sinh hoạt tăng cao khiến nhiều lao động lớn tuổi - nhất là ở Mỹ - phải thay đổi kế hoạch nghỉ hưu của mình - ẢNH: GETTY CREATIVE
Lạm phát khiến chi phí sinh hoạt tăng cao khiến nhiều lao động lớn tuổi - nhất là ở Mỹ - phải thay đổi kế hoạch nghỉ hưu của mình - Ảnh: GETTY CREATIVE

Đã có hàng triệu người lao động Mỹ từ bỏ thu nhập thường xuyên, chọn nghỉ hưu sớm trong đại dịch. Giờ đây, câu hỏi đặt ra là liệu lựa chọn này có thực sự đúng đắn? Miguel Faria e Castro - nhà kinh tế cấp cao của chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang tại St. Louis - giải thích: “Nhiều người trong số những người vừa mới nghỉ hưu có thể quyết định quay trở lại lực lượng lao động, điều này sẽ phụ thuộc vào yếu tố cá nhân cũng như các điều kiện chung của thị trường lao động”. Dường như ngày càng có nhiều người nghỉ hưu quay trở lại làm việc. Vào tháng Hai, 3% lao động đã nghỉ hưu tại Mỹ đã quyết định trở lại làm việc. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê lao động, sẽ mất nhiều thời gian hơn để một người lao động trên 50 tuổi có được vị trí mới so với một người trẻ hơn.

Châu Á cần quan tâm nhiều hơn đến kế hoạch hưu trí

Không giống như Mỹ và châu Âu, áp lực lạm phát vừa phải cho phép các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia châu Á giữ giới hạn về lãi suất để giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Dù áp lực giá đang gia tăng ở Ấn Độ và Thái Lan, châu Á vẫn có tỷ lệ lạm phát tương đối thấp so với phần còn lại của thế giới. 

Tại Nhật Bản, tăng trưởng giá vẫn còn thấp, chưa đến mức để ngân hàng trung ương xem xét rút lại các biện pháp kích thích. Thế nhưng, giá dầu leo thang và sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch cũng đã khiến giá cước vận tải tăng lên, góp phần làm cho giá hàng hóa tăng liên tục. Hơn nữa, người dân ở châu Á cũng chưa chú ý nhiều đến lạm phát trong kế hoạch nghỉ hưu của họ. Năm 2021, Singapore được xếp hạng là thành phố đắt đỏ thứ hai trên thế giới theo khảo sát chi phí sinh hoạt toàn cầu năm 2021 của Economist Intelligence Unit (EIU).

Một nghiên cứu của công ty tư vấn tài chính SJP Asia cho thấy, tại Singapore, có 52% người dân đã xem xét yếu tố lạm phát trong các kế hoạch tài chính của họ và tác động của giá cả đối với khoản tiết kiệm cá nhân cho tuổi xế chiều. Có 69% người dân của đảo quốc sư tử lo lắng về chi phí sinh hoạt cao trong tương lai; 47% cho biết họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào các loại giấy tờ có giá - kênh đầu tư thường có lợi nhuận tốt hằng năm - để chống lại lạm phát. 

Giải pháp đầu tư vào các kênh khác nhau để tạo ra thu nhập thụ động từ đó giảm thiểu tác động của lạm phát được xem là cách thức hợp lý nhất hiện nay. Tuy nhiên để làm được điều đó, trước tiên, các cá nhân cần trang bị cho mình kiến thức tài chính, đó là một trở ngại. Nhiều người khác gặp khó khăn hơn do không có thu nhập tốt, không đủ để có thể dành nhiều tiền hơn cho tiết kiệm, đầu tư. Một tỷ lệ lạm phát hợp lý là dấu hiệu của một nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh. Tuy nhiên hiện tại, việc lạm phát tăng cao hơn nhiều mức tăng của thu nhập đang gây trở ngại lớn, làm đảo lộn kế hoạch của những người lao động muốn có một cuộc sống suôn sẻ sau khi nghỉ hưu. 

Tấn Vĩ (theo Yahoo, Bloomberg, Forbes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI