Người già kém vui với tiền hưu, trợ cấp chuyển khoản

19/11/2024 - 06:04

PNO - Lúng túng với công nghệ, bị trừ nhiều khoản phí khi được nhận lương hưu, tiền trợ cấp xã hội qua tài khoản ngân hàng nên một bộ phận người cao tuổi chỉ muốn nhận "tiền tươi".

Người dân nhận lương hưu ở bưu điện quận Phú Nhuận, TPHCM - Nguồn ảnh: Bảo hiểm xã hội TPHCM
Người dân nhận lương hưu ở bưu điện quận Phú Nhuận, TPHCM - Nguồn ảnh: Bảo hiểm xã hội TPHCM

Khổ với mật khẩu, phí dịch vụ

Nhận khoản trợ cấp xã hội chỉ 500.000 đồng/tháng nhưng bà Phạm Thị Hiệp (quận Bình Tân, TPHCM) bị trừ phí rút tiền từ ATM 1.100 đồng/lần nếu rút tiền từ máy của ngân hàng mình mở tài khoản hoặc 3.000-3.500 đồng/lần nếu khác hệ thống ngân hàng. Bà còn tốn phí duy trì dịch vụ tin nhắn ngân hàng (SMS banking) 11.000 đồng/tháng.

Bà kể, hằng tháng, bà được nhận trợ cấp xã hội dành cho người cao tuổi. Do không có tài khoản ngân hàng riêng nên bà dùng ké tài khoản ngân hàng của con gái. Nhân viên ngân hàng khuyên bà mở tài khoản riêng, đăng ký cập nhật biến động số dư qua ứng dụng (app) ngân hàng để đỡ tốn phí SMS banking nhưng bà không dám làm theo do thấy các bước đăng nhập ứng dụng rườm rà, phức tạp.

Kể từ ngày 1/9, ông Nguyễn Văn Tân - 65 tuổi, ở tỉnh Hưng Yên - bắt đầu nhận lương hưu qua thẻ ngân hàng thay vì đến bưu điện nhận tiền mặt. Theo ông, cách làm này lợi ở chỗ ông không cần phải canh đúng ngày, đúng giờ rồi trực tiếp đi tới bưu điện như trước. Tuy nhiên lại cũng hại ở chỗ có thể bị nuốt thẻ ATM khi rút tiền nếu thao tác sai, phải tốn phí SMS banking 11.000 đồng/tháng.

“Nhân viên ngân hàng hướng dẫn tôi cài app trên điện thoại thông minh để tránh phát sinh phí đồng thời hướng dẫn cách kiểm tra tài khoản. Nhưng do không rành công nghệ nên mỗi lần đăng nhập, tôi đều gặp trục trặc. Mới đây, do đăng nhập sai mật khẩu, tài khoản bị khóa, tôi phải mang căn cước công dân tới ngân hàng nhờ xử lý” - ông kể.

Ông Trần Văn Dân (huyện Bình Chánh, TPHCM) nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng được gần 5 tháng nay. Nhà ở gần trụ ATM nên ông không phải đi xa mỗi khi rút tiền, nhưng mỗi lần rút, ông phải làm thao tác nhiều lần, tốn phí rút 3.300-4.400 đồng (1.100 đồng/giao dịch). Do trụ ATM thường chỉ có loại tiền 50.000 đồng nên mỗi lần, ông chỉ rút được 1.750.000 đồng. Ông nói: “May là mình ở thành phố chứ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi thì còn tốn bộn tiền xăng chạy tới trụ ATM”.

Tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội, một số cử tri các tỉnh đã phàn nàn về việc bị tốn nhiều loại phí khi nhận lương hưu, tiền trợ cấp xã hội qua tài khoản ngân hàng. Họ kiến nghị được nhận tiền mặt hoặc không bị thu phí nếu nhận tiền qua tài khoản.

Nên chính sách hỗ trợ người cao tuổi

Ông Trần Dũng Hà - Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM - cho biết, TPHCM có gần 259.766 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trong đó số người nhận các chế độ này qua tài khoản ngân hàng chiếm 77,12% - tỉ lệ nằm trong tốp đầu cả nước. Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, đơn vị cung cấp ví điện tử miễn, giảm các loại phí đối với tài khoản nhận trợ cấp xã hội, lương hưu nhưng các ngân hàng có thực hiện hay không thì bảo hiểm xã hội cũng không nắm, không can thiệp được.

Theo ông, người nhận lương hưu mở tài khoản ngân hàng chủ yếu để nhận tiền, sau đó họ tới trụ ATM rút tiền mặt ra dùng, ít người thanh toán các khoản mua sắm qua tài khoản. Các ngân hàng áp dụng các loại phí là đúng nhưng nên tính toán mức phí hợp lý để khuyến khích người dân tăng thanh toán không dùng tiền mặt. Trước đây, khi hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt chưa phổ biến, ngân hàng có thể thu các loại phí cao nhưng nay, tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đã khác trước. Do đó, các ngân hàng nên giảm các loại phí, nhất là với nhóm đối tượng yếu thế.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng - nhận định, trả lương và các chế độ trợ cấp qua thẻ là hình thức tiến bộ, phù hợp với lộ trình của Chính phủ và phù hợp với cư dân các đô thị. Nhưng với những người già hoặc rất già, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thì nên có cách làm khác phù hợp, dù họ chỉ là số ít.

Ông Huỳnh Trung Minh - Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TPHCM (HDBank) - cho rằng, đối tượng nhận lương hưu và trợ cấp xã hội chủ yếu là cao tuổi, thường có nguồn thu nhập cố định và hạn chế, nên các khoản phí ngân hàng có thể gây thêm áp lực tài chính cho họ. Vì vậy, việc miễn phí cho các tài khoản nhận lương hưu, trợ cấp là một chính sách nhân văn, thể hiện trách nhiệm của ngân hàng đối với cộng đồng.

Theo ông, việc phân loại và miễn phí cho các tài khoản nhận lương hưu, trợ cấp xã hội không chỉ mang lại lợi ích cho người dùng mà còn góp phần thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ ngân hàng và khuyến khích hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ. Các ngân hàng cũng có thêm một khoản lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất giữa tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm khi thu hút thêm nhiều tài khoản thanh toán của đối tượng khách hàng này. Ở Mỹ và một số nước châu Âu, các tài khoản nhận lương hưu hoặc trợ cấp xã hội thường được miễn phí duy trì và phí một số dịch vụ cơ bản.

Giảm mức phí, tăng khả năng bảo mật

Thu nhập của người Việt Nam thấp nên lương hưu cũng thấp. Do đó, các loại phí dịch vụ mà nhóm đối tượng này phải gánh là vấn đề cần quan tâm. Các ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh, phải trả nhiều chi phí cho các đơn vị trung gian thanh toán nên khó mà miễn hẳn các loại phí này. Do vậy, Chính phủ có thể hỗ trợ thêm để ngân hàng giảm phí nhiều hơn.

Lo ngại về tính an toàn là một trong những lý do khiến người cao tuổi ngại nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng. Ngoài khả năng bảo mật của ngân hàng, điều đáng lo là người cao tuổi thường lóng ngóng với công nghệ, hơn nữa họ chính là nhóm người bị bọn lừa đảo nhắm đến nhiều nhất.

Do đó, người cao tuổi vẫn thích nhận tiền mặt, giữ tiền mặt. Ngay như tôi, dù có hiểu biết, vẫn bị lừa và sau đó dùng tiền mặt nhiều hơn. Cho nên, các ngân hàng phải tăng khả năng bảo mật tài khoản, hỗ trợ nhiệt tình hơn cho những nạn nhân bị lừa đảo.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu

Mai Ca - Thanh Hoa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lý Chánh Nghĩa Cách đây 2 giờ

    Tôi ở phường 9, quận Tân Bình. Lâu nay tôi nhận thay má tôi 480.000 đồng/tháng tiền người già. Đến tháng 7/2024 tăng lên 500.000 đồng. Thế nhưng ở quận Tân Bình chỉ mới cho lãnh 500.000 đồng từ tháng 9/2024. Còn hai tháng 7 và 8 thì vẫn chưa thấy gì. Trong khi đó bà con tôi bên quận 6 đã lãnh đủ từ tháng 7 rồi. Hết sức chậm trễ. Dù số tiền truy lãnh không là bao nhiêu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI