Người già cũng… “sống thử”

31/03/2025 - 05:58

PNO - Đến nay, chúng ta chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tình yêu của người già. Thế nhưng trong thực tế, những cặp đôi lớn tuổi chung sống không hôn thú có chiều hướng tăng lên.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nếu ở người trẻ, khái niệm “sống thử” phản ánh sự bấp bênh thì ở người già, dù hoàn cảnh buộc họ không thể danh chính ngôn thuận đến với nhau, nhưng trạng thái “sống thử” của họ lại có tính gắn kết bền vững.

Cưới không được, sống chung cũng không xong

Khách đến tư vấn hôm ấy là một người đàn ông chừng 45 tuổi. Anh muốn hỏi về trường hợp cha mình. Ông đã 72 tuổi, vốn là hiệu trưởng một trường trung học ở Hà Nội. Từ khi nghỉ hưu, vì góa vợ và thích tự do, nên ông sống một mình trong căn phòng riêng gần 30m2, phần nhà đất còn lại ông chia đều cho 2 con. Bỗng nhiên gần đây, ông nói với người con cả là ông sẽ lấy vợ. Bà là cô giáo góa chồng, trước đây dạy cùng trường và mới nghỉ hưu. Ông bà thường rủ nhau đi khiêu vũ. Tình yêu nảy nở nên họ muốn về sống chung dưới một mái nhà.

Mọi việc trở nên rắc rối khi các con của họ đều phản đối kịch liệt. Thấy vậy, ông bà bàn nhau sống chung không cần đăng ký kết hôn. Đến lúc này, 2 người con của bà lại phản đối vì như thế bà chẳng có danh phận, ông mất đi thì bà cũng trắng tay, thế khác nào bà làm osin không công?

Đến nước này, ông bà đành chọn phương án 3: ai ở nhà nấy nhưng hằng ngày vẫn gặp nhau, khiêu vũ cùng nhau, thích thì đi du lịch cùng, thậm chí thân mật gần gũi cũng được, chỉ cần không ở chung nhà. Như thế, họ vẫn có nhau và không bị con cháu phản đối.

Có những đôi nảy sinh tình cảm khi cả hai cùng rơi vào cảnh lẻ loi. Họ chỉ làm mấy mâm họp mặt anh em, bạn bè coi như công khai mối quan hệ. Họ không làm đám cưới rình rang vì chẳng mấy ai còn thích người ta gọi mình là “cô dâu - chú rể” khi đầu đã 2 thứ tóc. Họ tự nguyện đến với nhau không cần những ràng buộc pháp lý như hôn nhân truyền thống. Cuộc sống chung của họ thoải mái hơn nhiều vì không phải phân chia sức lực cho công việc hay con cái nên chỉ cần tính tình hợp nhau là được.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh việc “sống thử” của người trẻ với người già và nhận ra có nhiều sự khác nhau. Trước hết, các đôi già thường bền vững hơn vì có nhiều kinh nghiệm ứng xử. Họ cũng ít ngoại tình hơn nên không làm tổn thương nhau. Những đôi không sống chung với con dễ hạnh phúc hơn vì tránh được xung đột thế hệ. Người già có nhiều thời gian dành cho nhau, do đó hiểu nhau hơn so với những đôi trẻ đi làm về chỉ muốn ngủ. Cũng chính vì luôn bên nhau, người già ít ghen tuông hơn trong khi nhiều đôi trẻ khốn khổ vì quản lý nhau, nhất là khi một người đi công tác xa.

Người già vẫn cần lãng mạn

Có người nghĩ đơn giản rằng khi tuổi đã cao, nhu cầu sinh lý không còn mấy thì nên lấy con cháu làm vui, chứ đi “xây tổ uyên ương” làm gì. Nói như thế là chưa hiểu hết tâm lý người già. Những ai từng đến thăm các viện dưỡng lão mới biết, có những mối tình già tha thiết chẳng kém tuổi trẻ. Nhiều đôi tóc đã bạc phơ vẫn có nhu cầu được sống chung phòng với bạn tình để gần gũi nhau hơn. Cảnh một cụ bà ngồi xe lăn cho cụ ông đẩy đi dạo loanh quanh với nụ cười viên mãn là chuyện không hiếm gặp. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu một người già có sức khỏe bình thường, có chế độ tập thể dục thích hợp và cuộc sống tinh thần, vật chất đủ đầy có thể kéo dài sinh hoạt gối chăn đến độ tuổi mà nhiều người trẻ phải mắt chữ A mồm chữ O. Bao giờ đến tuổi đó, bạn sẽ hiểu.

Tất nhiên theo quy luật của tạo hóa, khi bước vào tuổi “cổ lai hy”, khả năng tình dục không thể sung mãn như thời trẻ. Nhưng điều đó không có nghĩa là mãn dục như nhiều người tưởng. Theo các nhà nghiên cứu đời sống tình dục của con người có thể tồn tại cho đến khi trái tim ngừng đập. Không những thế, sinh hoạt tình dục ở tuổi già còn có tác dụng tích cực đối với sức khỏe tinh thần và thể chất. Nó kích thích tuyến yên, tuyến sinh dục, tuyến giáp, tuyến thượng thận. Nó làm gia tăng nhịp đập và sức co bóp của tim, giúp máu lưu thông tốt hơn, nhất là tuần hoàn máu lên não dễ dàng hơn, khiến trí óc minh mẫn, tinh thần lạc quan, sảng khoái, yêu đời và thường sống thọ hơn. Cảm giác cô đơn, trầm cảm thường thấy ở lứa tuổi này cũng bị xua đi, thay vào đó là cảm giác an nhiên, vui vẻ, hạnh phúc và gắn kết chặt chẽ hơn với bạn tình.

Không ít người trẻ tưởng rằng người già chỉ cần ăn ngon, ngủ kỹ và sống quây quần bên con cháu là hạnh phúc, hơi sức đâu mà yêu đương nữa. Vì thế, họ coi chuyện ông bà già đơn lẻ còn có nhu cầu chung sống là dở hơi, là trò cười cho thiên hạ. Có lẽ thành kiến trên đã ăn sâu vào nhiều thế hệ. Vậy nhưng ngày nay, không ít người trẻ nhìn 2 mái đầu bạc chậm rãi sóng đôi ngoài vườn hoa, trong công viên, thậm chí đến vũ trường… bằng con mắt ngưỡng mộ, thầm mong đến lúc già mình cũng được như thế.

Trịnh Trung Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI