Nghiện điện thoại là một dạng... bạo lực gia đình

Người già cũng say sưa vuốt điện thoại

30/03/2022 - 19:30

PNO - Chứng nghiện điện thoại sẽ không chừa một ai, lứa tuổi nào, và một khi đã diễn ra thì sẽ vô cùng đáng lo…

Mỗi lần về quê thăm nhà, tôi với mẹ lại có hàng tỷ chuyện để nói. Từ vườn tược, ruộng nương đến chuyện giá cả, xăng dầu, đất đai tăng vọt; về bà con chòm xóm, sức khỏe bà Tám xóm dưới ông Chín xóm trên…

Có thể trò chuyện rôm rả một phần vì lâu ngày gặp lại, phần nữa, hai mẹ con tôi rất hợp gu khi trao đổi cùng nhau.

Nhiều người ăn điện thoại, ngủ cũng kè kè chiếc điện thoại đến 1, 2h sáng
Nhiều người ăn điện thoại, ngủ cũng kè kè chiếc điện thoại đến 1-2g sáng (Ảnh minh họa)

Mẹ kể: “Làng mình bữa nay người ta bán đất nhiều lắm. Đất được giá nên bán để xây nhà mới to hơn, đẹp hơn. Mà lạ là chẳng ai xây nhà ba gian thông thoáng như hồi trước nữa. Ai cũng xây nhà ống, nhà hộp, chia mỗi người mỗi phòng thật riêng tư, kín kẽ”.

- Vậy bữa nay mấy nhà xóm giữa còn hay cãi nhau, ồn ào như hồi xưa không mẹ?

- Bữa nay chẳng ai cãi nhau nữa con ạ, mà mọi người cũng ít yêu thương, trò chuyện với nhau. Mẹ thấy ai cũng bận xem điện thoại suốt đêm ngày. Hễ chồng giận vợ thì lặng lẽ rút vào phòng riêng cùng chiếc điện thoại, vợ giận chồng cũng thế. Mọi người lười tương tác, giao tiếp hàng ngày với nhau lắm.

- Chỉ người trẻ mới thế thôi chứ mẹ?

- Không, theo như mẹ thấy thì càng lớn tuổi càng say sưa vuốt vuốt màn hình. Mẹ không dùng nên không biết có gì trên điện thoại mà hấp dẫn, thu hút mọi người đến thế. Ở làng này, bây giờ, già, trẻ, gái, trai gì cũng “ăn điện thoại, ngủ điện thoại” .

Lấy chồng ở thành phố, chốn đất chật người đông, ít không gian sinh hoạt, vận động, vui chơi, giải trí nên tôi nhiều lần tặc lưỡi, tự nhủ mình không nên bận tâm quá đến cảnh nhà nhà, người người nghiện điện thoại. Nhưng tôi không ngờ thói quen và sở thích tai hại ấy còn lan theo wifi, về "phủ sóng" khắp chốn làng quê.

Trước đây, tôi vẫn thường nghe mẹ kể về tính tình chịu thương chịu khó của bà Mùi xóm trên. Bà sinh đến bảy người con, trai có gái có, người nào bà cũng chăm sóc, nuôi dạy tử tế. Bà cũng là một người sống rất tình cảm, chuyện xóm, chuyện làng, ai cần giúp đỡ bà đều xắn tay áo tham gia.

Vậy mà từ ngày chú Tín, con trai cả của bà, mua cho mẹ một chiếc điện thoại thông minh, hướng dẫn cách sử dụng thì mọi chuyện như gió đổi chiều. Cháu từ xa về thăm, bà cũng nói chuyện qua loa, giúi cho ít quà bánh rồi lại “dán mắt” vào điện thoại. Ở nhà, bà cũng ngó lơ... ông, ít khi hỏi han, tâm sự. Bà nói lý: “Đời tui nuôi bảy đứa con cực khổ, bận rộn rồi. Bây giờ là lúc tôi hưởng thụ an nhàn, nghỉ ngơi”.

Phải nói, thà cách hưởng thụ, nghỉ ngơi của bà Mùi phù hợp và có lợi cho sức khỏe và tuổi tác, đằng này, lâu lâu bà lại than với chồng chứng đau lưng, mỏi mắt… Gần đây bà còn rên mất ngủ, sức khỏe đi xuống trầm trọng.

Mỗi người cần tiết chế thời gian sử dụng điện thoại hợp lý, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống gia đình ( Ảnh minh họa)
Mỗi người cần tiết chế thời gian sử dụng điện thoại hợp lý, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống gia đình (Ảnh minh họa)

Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, cân nhắc, bàn bạc cùng gia đình, chú Tín quyết định tịch thu chiếc điện thoại thông minh, thay cho mẹ mình một chiếc “cục gạch” chỉ có chức năng nghe - gọi.

Nghe đâu bà Mùi giãy nảy, nói con cái lớn khôn đủ lông đủ cánh không còn thương mẹ, hiểu những điều mẹ cần… Nhưng chú Tín mặc kệ, chú bảo, phải đặt sức khỏe của mẹ lên hàng ưu tiên, những giận hờn nay mai ấy không quan trọng. Được dịp, những anh chị em còn lại trong gia đình cũng xúm vào, động viên bố dậy sớm, rủ mẹ đi bộ, tăng cường vận động, hít thở không khí làng quê trong lành…

Câu chuyện về gia đình bà Mùi bị mẹ bỏ lỡ, tôi không biết kết quả sau đó thế nào, chứng mất ngủ, đau lưng của bà Mùi có thuyên giảm không. Tuy nhiên, thông qua câu chuyện của bà, tôi phần nào biết được một điều, nếu việc sử dụng điện thoại không được cân nhắc, kiểm soát chừng mực thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Chứng nghiện điện thoại sẽ không chừa một ai, lứa tuổi nào, và một khi đã diễn ra thì sẽ vô cùng đáng lo…

Một người vợ nghiện điện thoại sẽ không có thời gian để lắng nghe con cái, quan tâm đến chồng.

Một người chồng nghiện điện thoại sẽ trở nên "bận rộn", lạnh lùng, vô cảm, không thể nào hoàn thành tốt nhiệm vụ là chỗ dựa vững chắc, sáng suốt đưa ra những lựa chọn đúng trong những thời khắc quyết định của gia đình.

Những người con nghiện điện thoại sẽ dễ hình thành thói cáu bẳn, cư xử vội vàng mất kiểm soát hành vi…

Mà cũng có thể, mối nguy hại đến từ việc sử dụng điện thoại xuyên thời gian thì có lẽ ai cũng biết, người nào cũng nhận ra nhưng để điều chỉnh, thay đổi nó theo hướng phù hợp, tích cực thì không phải ai cũng kiên quyết, hành động đến nơi đến chốn như chú Tín, con bà Mùi.

Nghiện điện thoại cũng tai hại không thua kém bất kỳ một chứng nghiện điều gì khác trong cuộc sống. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, hãy thay đổi và từ bỏ khi còn chưa muộn.

Đan Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI