Người lớn, người già ít đi tiêm ngừa
“Mẹ mới vừa tiêm vắc xin phòng bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn gây ra. Người cao tuổi dễ ho và có nguy cơ mắc loại bệnh này rất cao”, bà Nguyễn Thanh Tâm, hơn 65 tuổi, đang sống ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gọi điện thông báo cho con gái 30 tuổi ở TPHCM và nhắc nhở con lưu ý tiêm đủ các loại vắc xin phòng bệnh.
Do thường xuyên tìm hiểu thông tin về sức khỏe nên bà Tâm có những kiến thức mà không phải người lớn tuổi nào cũng biết. Tuy nhiên, những trường hợp như bà Tâm không nhiều, hầu hết người lớn đặc biệt là người cao tuổi gần như không nghĩ đến việc tiêm vắc xin phòng bệnh.
|
Trong đại dịch COVID-19, người già là đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin - Ảnh: X.M. |
Dù đang mang thai nhưng chị Nguyễn Thanh Hương (35 tuổi, ở quận 8, TPHCM) cũng không nghĩ đến việc phải tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh. Chị chia sẻ: “Tôi nghĩ chỉ những người có cơ địa mẫn cảm đặc biệt mới cần thiết tiêm vắc xin. Còn tôi, bản thân khỏe mạnh và điều kiện kinh tế cũng hạn chế nên không cần phải tiêm vắc xin. Mẹ tôi cũng nghĩ như vậy”.
Cũng giống như chị Hương, chị Lê Thị Kiều Oanh (25 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TPHCM) cho biết chị và ba mẹ không quan tâm tiêm ngừa và cũng không nghĩ đi tiêm sẽ phòng được những bệnh nguy hiểm. “Thật sự do trước đây tôi không biết nhiều thông tin về tiêm ngừa ở người lớn. Nhưng bây giờ, tôi biết được thông tin này qua công việc tôi đang làm nên hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc tiêm ngừa và dự định thời gian tới sẽ đi tiêm”, chị Oanh thành thật.
Trong một lần trò chuyện với chúng tôi tại một điểm tiêm chủng ở TPHCM, chị Trần Thanh Thủy (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết do được người quen nhắc nhở về vắc xin phòng bệnh viêm gan B và bệnh dại nên chị mới tìm hiểu và đưa mẹ đi tiêm ngừa hai loại bệnh này.
Dù vậy, chị cũng băn khoăn không biết, những người lớn như chị và người cao tuổi như mẹ chị cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin gì. “Tôi thường tìm hiểu loại vắc xin nào đó cần tiêm và rồi đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế yêu cầu tiêm đúng loại đó chứ không biết nên tiêm loại nào trước loại nào sau và tiêm bao nhiêu loại thì đủ”, chị Thủy bày tỏ.
Trên thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều cơ sở tiêm chủng và bệnh viện tại TPHCM không tư vấn cho người lớn đặc biệt người cao tuổi về việc chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh, những vắc xin nào cần tiêm và thời điểm tiêm khi nào thích hợp.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, hầu hết người lớn ở Việt Nam không được tiêm chủng đầy đủ vắc xin khi còn nhỏ và nhiều người cũng chỉ được tiêm một vài loại vắc xin, ngay cả sau năm 1985 khi chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia được triển khai. Vì vậy, đơn vị này khuyến cáo, người lớn nên tiêm ngừa và tiêm nhắc lại để phòng bệnh.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo, tất cả người lớn đặc biệt phụ nữ dự định có thai, phụ nữ đang mang thai, người có nguy cơ mắc các bệnh tiềm ẩn hoặc các bệnh mạn tính, người trung niên và lớn tuổi, người lớn đi du lịch, làm việc tại nước ngoài, người làm việc ở các môi trường thường xuyên tiếp xúc với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, các nhân viên y tế đều được khuyến khích đi tiêm chủng đầy đủ.
Trong đó, người cao tuổi và người mắc các bệnh mạn tính có hệ miễn dịch suy giảm thường có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao hơn và dễ bị biến chứng nghiêm trọng hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn khi mắc bệnh.
Tiêm vắc xin giúp giảm tử vong
Chính vì số lượng người lớn không được tiêm chủng đầy đủ vắc xin cùng với khả năng bảo vệ các bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, ho gà, và uốn ván ở trẻ từ các mũi đã tiêm giảm dần theo thời gian nên khi có mầm bệnh gây bệnh thì nguy cơ dịch bệnh dễ bùng phát và lây lan.
Trong năm ngoái, dịch bệnh bạch hầu bùng phát ở khu vực Tây Nguyên là minh chứng. Theo báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, khu vực này đã ghi nhận tổng số 191 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có năm trường hợp tử vong. Trong đợt dịch này, không chỉ có trẻ em mà người lớn tuổi vẫn mắc bệnh bạch hầu. Hầu hết những ca mắc bệnh đều sống ở khu vực có tỷ lệ tiêm chủng mở rộng thấp.
|
Chiều 2/3/2021, Trung tâm Y tế phường Tân An, tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp cùng Trường cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho cán bộ, học sinh, sinh viên nhà trường theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Dịch bạch hầu đã bùng phát ở các tỉnh Tây Nguyên vào giữa năm ngoái. (Ảnh: Trường cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên) |
Tại một buổi tọa đàm về vấn đề tiêm chủng vào cuối tháng 9/2021, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho rằng bệnh bạch hầu không chỉ nguy hiểm cho trẻ sơ sinh mà người lớn mắc bệnh bạch hầu cũng có tổn thương và nhiễm trùng do độc tố của vi khuẩn dẫn đến tử vong sau đó.
Tiêm chủng mở rộng mới chỉ dừng lại mũi tiêm phòng ngừa bệnh bạch hầu ở trẻ nhỏ, người lớn chưa tiếp cận được vắc xin phòng bệnh này và những người đã tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu nhưng khả năng phòng bệnh giảm theo thời gian. Bệnh có thể gây nên những biến chứng tắc nghẽn đường thở, viêm phổi, viêm cơ tim và biến chứng thận. Sau khi điều trị xong, triệu chứng đã không còn nhưng độc tố thần kinh vẫn còn nên có thể gây tử vong.
Bên cạnh bệnh bạch hầu, các chuyên gia y tế cũng lưu ý bệnh uốn ván và ho gà cũng là hai bệnh nguy hiểm không chỉ cho trẻ nhỏ mà còn người lớn đặc biệt người cao tuổi. Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, bệnh uốn ván dễ phòng ngừa bằng tiêm vắc xin, nhưng bệnh vẫn khiến nhiều người lớn nhập viện trong tình trạng nặng.
Trong những năm qua, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nhiều ca uốn ván người lớn nặng. Theo bệnh viện, bất kỳ ai từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi cũng đều có thể mắc uốn ván nếu chưa được tiêm ngừa uốn ván đầy đủ và không biết cách chăm sóc, xử trí đúng khi có vết thương. Chi phí tiêm mũi vắc xin uốn ván thấp hơn chi phí điều trị vì vậy để giảm gánh nặng chi phí điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM khuyên người dân nên chủ động tiêm ngừa vắc xin uốn ván trước khi bị bệnh hoặc ngay khi có vết thương. Đây vẫn là phương pháp phòng ngừa bệnh uốn ván hữu hiệu nhất.
Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái cảnh báo, người lớn kể cả người cao tuổi cũng có thể mắc bệnh ho gà. “Khi chúng tôi đánh giá những trường hợp viêm phổi người già, viêm phổi tắc nghẽn và ho kéo dài, chúng tôi yêu cầu bác sĩ lâm sàng làm thử xét nghiệm thì thấy dương tính
Tại Việt Nam hiện nay đã có nhiều loại vắc xin cho người lớn như vắc xin phòng cúm mùa, vắc xin phòng các bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do phế cầu khuẩn, vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung và vắc xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà... |
với vi khuẩn ho gà. Nếu như người lớn và người cao tuổi được tiêm vắc xin thì rất có lợi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người lớn và người cao tuổi cứ mười năm tiêm vắc xin ho gà một lần, thì sẽ giúp giảm tỷ lệ tái nhiễm ho gà ở người lớn. Ở Việt Nam, ông bà hay chăm cháu nên nếu khi họ mắc ho gà có thể truyền vi khuẩn sang các cháu và ngược lại các cháu có thể lây vi khuẩn sang ông bà nếu mắc. Kết quả, cả nhà ho suốt mà không biết nguyên nhân”.
Ngoài ra, còn có rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như sởi cũng tấn công người lớn. Trong các đợt dịch sởi bùng phát ở Việt Nam như đợt dịch xảy ra vào năm 2019, tỷ lệ mắc sởi ở người lớn được ghi nhận khá cao. Trong số họ, nhiều người bệnh chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm trên thế giới có hơn 1,5 triệu người tử vong vì những bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vắc xin.
Gia Nhi