Người già châu Á muốn tận hưởng cuộc sống, ngán cảnh làm “osin không công” cho con cái

26/05/2022 - 06:11

PNO - Ở châu Á, với nhiều cặp vợ chồng trẻ thường nhờ cha mẹ chăm sóc và nuôi giúp con nhỏ của họ. Nhưng giờ thì một thế hệ người về hưu không muốn phải gánh thêm trách nhiệm với gia đình con cái của mình mà tìm cách tận hưởng cuộc sống riêng.

 

Ngày càng có nhiều người già ở châu Á không muốn làm người chăm sóc chính cho các cháu, họ muốn tận hưởng cuộc sống riêng của mình sau khi nghỉ hưu - Ảnh: Getty ImagesGETTY IMAGES
Ngày càng có nhiều người già ở châu Á không muốn làm người chăm sóc chính cho các cháu, họ muốn tận hưởng cuộc sống riêng của mình sau khi nghỉ hưu - Ảnh: Getty Images 

Những người già ở châu Âu, châu Mỹ… thường tận hưởng thời gian nghỉ hưu để đi du lịch, làm những việc mình yêu thích và chỉ thỉnh thoảng đi thăm con cháu khi thuận tiện. Trong khi đó ở châu Á, những người về hưu - đặc biệt là ở Trung Quốc, Việt Nam - thường bị mắc kẹt ở nhà. Họ phải giúp chăm sóc cháu trong khi con cái của họ đi làm. Tuy nhiên, với bà Chen Shuxiang và chồng bà là Guan Hongsheng (Trung Quốc), trách nhiệm chăm sóc đứa cháu trai mười tuổi là của cha mẹ chúng. Hai ông bà ở tuổi ngoài 60 ưu tiên dành thời gian làm những điều mình thích.

“Chúng tôi hạnh phúc với cuộc sống của mình”, bà Chen nói. Từ khi nghỉ hưu, ông bà dành thời gian để chụp ảnh, quay clip và đi du lịch trong, ngoài nước. Bà Chen cho biết, ông bà vẫn quan tâm cháu, thỉnh thoảng đón cháu từ trường về, nhưng đó chỉ là sự hỗ trợ khi họ rảnh rỗi.

Việc ông bà từ chối trở thành người chăm sóc chính cho các cháu thường là rất hiếm ở châu Á. Đối với nhiều gia đình, ông bà vẫn là “lựa chọn số một” cho việc chăm sóc cháu và thường là miễn phí. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người cao niên chọn cách chỉ thỉnh thoảng giúp đỡ hoặc nếu có dành toàn thời gian cho việc chăm sóc, dạy dỗ các cháu, con cái phải trả công một cách sòng phẳng.

Đầu tháng này, một tòa án ở TP. Tế Nam (Trung Quốc) đã phán quyết buộc hai vợ chồng trẻ phải trả cho người cha chồng 20.000 nhân dân tệ (tương đương 3.000 USD) vì ông đã chăm sóc một trong hai đứa con của họ suốt nhiều năm.

Theo cáo trạng, người chồng đã gửi đứa con lớn đến sống với ông nội và hứa sẽ trả cho ông 300 nhân dân tệ (tương đương 45 USD) mỗi tháng, nhưng anh ta không thực hiện được lời hứa. Các vụ xét xử tương tự như vậy đang xuất hiện nhiều hơn trước do nhiều người cao tuổi muốn thay đổi định kiến rằng ông bà phải có trách nhiệm chăm sóc cháu.

Linda Sun - một giáo viên mẫu giáo ở Thượng Hải - cho biết: ít nhất 80% trẻ em trong lớp của cô được ông bà đưa đón hằng ngày. Nhưng trong những năm gần đây, cô thấy cha mẹ đưa đón đã nhiều hơn. “Ngày càng có nhiều ông bà đang theo đuổi một cuộc sống nghỉ hưu độc lập hơn, nhưng con số này vẫn còn tương đối thấp”, Linda Sun nói.

Một cuộc thăm dò vào năm 2021 do chính quyền Thường Châu tiến hành ở tỉnh Giang Tô (miền Đông Trung Quốc) cho thấy: 1/3 số các gia đình coi ông bà là “người giúp việc”, trong khi 47% xem ông bà là người chăm sóc chính đối với con cái của họ.

Giáo sư Yuan Xin - Viện Dân số và Phát triển của Đại học Nankai ở Thiên Tân - cho biết: “Những người nghỉ hưu hiện nay thuộc thế hệ sinh sau năm 1960, vì vậy họ còn đủ trẻ để tận hưởng cuộc sống mới so với các thế hệ trước đó. Họ không phải là kiểu người có cuộc sống chỉ biết xoay quanh gia đình. Ngoài ra, nhiều người trẻ cũng thay đổi nhận thức, bắt đầu muốn cha mẹ có cuộc sống riêng”.

“Chúng tôi ổn định về tài chính sau khi nghỉ hưu và vì thế có thể đi du lịch khắp nơi và làm những điều mình thích. Vợ chồng con trai chúng tôi rất ủng hộ việc này, thỉnh thoảng chúng còn tặng cho chúng tôi tiền mặt. Tôi hy vọng rằng chúng tôi không bị coi là “những người may mắn” vì sẽ có nhiều người trẻ ủng hộ việc bố mẹ nghỉ hưu, sống độc lập hơn trong tương lai”, bà Chen nói. 

 Thu Thanh (theo AFP, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI