Người già chăm cháu để người trẻ ly hương

23/04/2022 - 13:33

PNO - Ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nhiều người cao tuổi không được thảnh thơi bởi phải lo chăm cháu thay con. Nhiều đứa trẻ lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà và thiếu hẳn hơi ấm từ cha mẹ.


Ẵm cháu ra đồng

Chừng 11g, vợ chồng ông Trần Niên - ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường - dõi mắt ra đầu ngõ, mặt không giấu nổi vẻ âu lo khi thấy trời vần vũ mây. Ông bà chợt vui mừng khi thấy đứa cháu nội 12 tuổi mang ba-lô chứa sách vở quẹo xe đạp vô sân nhà. 

Vợ chồng ông  Trần Niên  bên cháu nội
Vợ chồng ông Trần Niên bên cháu nội

Gần 20 năm qua, ông bà Niên thay các con nuôi ba đứa cháu nội. Khi các bé vừa tròn một tuổi, vợ chồng người con trai của ông bà gạt nước mắt gửi lại con để vào các tỉnh, thành phía Nam tìm kế sinh nhai và chỉ về thăm nhà vào dịp tết. Ban đầu, cháu nhỏ khóc suốt ngày đêm vì thiếu hơi mẹ. Ông bà thay nhau dỗ dành, cho bú sữa bình, cho ăn.

Lúc trái gió trở trời, con nít thường đau ốm khiến ông bà đứng ngồi không yên. Nhiều hôm, ông bà thức thâu đêm đút từng muỗng thuốc và lau mát cơ thể cho cháu để hạ cơn sốt. 

“Trẻ nhỏ thường hay đau ốm lắm. Đau nhẹ thì mình mua thuốc cho uống rồi lau người, nặng thì phải chở đến bệnh viện. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên cha mẹ tụi nó phải đi làm ăn xa. Mình thay con chăm cháu, các cháu khỏe mạnh là mình vui rồi. Giờ tui gần 70 tuổi nên sức khỏe yếu nhưng vẫn ráng làm ruộng nương và chăm cháu chứ biết sao được” - bà Nguyễn Thị Có, vợ ông Trần Niên, bộc bạch. 

Ở tuổi 70, ông Niên không còn đủ sức gánh rơm rạ, chăn nuôi bò như trước nhưng vẫn cần mẫn ngoài đồng canh tác hơn một mẫu ruộng lúa. Vợ chồng ông còn nuôi gà, vịt để có thêm nguồn thu nhập “lo cho cháu học và cúng giỗ ông bà”.

Khi cháu còn nhỏ, ông thường ẵm ra đồng, đặt ngồi dưới tán cây râm mát hoặc cắm một cây dù, còn mình nhổ cỏ, bón phân... bởi để cháu ở nhà thì không có người trông nom. Mỗi ngày mấy lần, ông đưa đón cháu đi học bất kể nắng mưa. Lúc vào mùa thu hoạch, vợ chồng ông Niên bận túi bụi từ sớm đến khuya. Nhiều hôm, vừa từ đồng trở về, ông nuốt vội chén cơm rồi đưa cháu đến lớp. 

Nuôi hai cháu nội khôn lớn thì đứa con trai út của ông bà lập gia đình, sinh con. Sau đó, đứa con này không may bị tai nạn giao thông, qua đời, người con dâu phó thác con thơ cho ông bà nội nuôi dưỡng. “Giờ hai đứa cháu lớn cũng vào trong Nam làm ăn rồi, chỉ còn thằng cu vừa mất cha năm ngoái ở với vợ chồng tui nên vẫn còn phải lo cho nó. Ai già cũng mong được thảnh thơi, nhưng hoàn cảnh con cháu như vậy thì phải gắng sức chứ biết sao được” - ông Niên tâm sự.

Vừa chăm cháu, vừa nhớ thương con

Khoảng 10g, bà Lâm Thị Bốn - ở xóm 3, thôn Nga Mân - lật đật nấu bữa trưa “để cháu học về có cơm ăn”. Xong việc, bà ngồi cạnh chồng là ông Nguyễn Nhàn, cùng nhau ngắm giấy khen học sinh tiên tiến của cháu nội với gương mặt rạng ngời niềm vui. 

Bà Lâm Thị Bốn  lo bữa cơm  cho gia đình
Bà Lâm Thị Bốn lo bữa cơm cho gia đình

15 năm trước, vợ chồng con trai gửi con gái đầu lòng vừa tròn một tuổi cho ông bà rồi vào Nam bán xe hủ tíu gõ. Nhiều đêm, bà Bốn phải thức khuya ru cháu do cháu cứ khóc đòi mẹ. Tay pha bình sữa, nước mắt bà giàn giụa vì “thương con khổ nên phải đi làm ăn xa”. Lắm khi, cháu nóng sốt, ông bà cứ thấp thỏm mong trời mau sáng để đưa cháu đi khám bệnh. Bà Bốn đã ba lần bồng cháu vào tận Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TPHCM) điều trị bệnh. 

“Hồi nhỏ, cháu hay đau ốm lắm, tôi phải ẵm miết trên tay. May có chị sui ở gần chợ Đàn mua cá mắm đem xuống, chứ tôi không đi được, chỉ ôm cháu nằm trên võng. Khi cháu học lớp Năm trở đi mới đỡ đau” - bà Bốn kể. 

Lúc chưa có điện thoại, ông Nhàn chở cháu đến trường rồi chờ ngoài cổng chứ không dám về nhà “vì sợ nó đau ốm bất chợt, không kịp chở đến bác sĩ”. Qua bao tháng ngày, cháu dần lớn khôn thì tóc ông cũng bạc nhiều, cơ thể đau nhức mỗi khi trời chuyển mùa. 

“Giờ cháu tự đi học một mình nên tụi tui chỉ còn lo cái ăn, cái mặc cho cháu thôi. Vậy chớ vẫn chưa được thảnh thơi chú à! Nhiều lúc, tụi tui muốn đi thăm bà con nhưng không đi được vì còn phải lo cơm nước cho cháu” - ông Nhàn tâm sự.

Câu lạc bộ “Những người ở lại”

Xóm 3, thôn Nga Mân có 50 hộ dân sống bên cánh đồng bốn mùa lộng gió. Trong đó, có tám hộ do người cao tuổi làm chủ phải thay con nuôi cháu do con bận làm ăn xa. Những ông bà già này vẫn chăm chỉ làm lụng để lo cho cuộc sống thường ngày, mong đoàn tụ con cái vào dịp tết. Thế nhưng, cuộc mưu sinh không suôn sẻ, cộng với dịch giã khiến nhiều người tha hương không thể về quê trong dịp tết. 

Ông Nguyễn Nhàn kể: “Năm rồi dịch giã, con trai tui bán hủ tíu ở Sài Gòn không được, tui phải gửi gạo vô cho vợ chồng nó, sau đó còn gửi tiền cho tụi nó thuê phòng trọ, trả tiền thuê mặt bằng nữa. Tui chỉ mong mau hết dịch để tụi nó làm ăn thuận lợi”.

Mưa lớn bất thường vào những ngày cuối xuân vừa qua khiến ruộng đồng lênh láng nước, lúa sắp thu hoạch ngã rạp, ruộng lún, không thể sử dụng máy gặt đập nên bà con phải thuê nhân công cắt lúa, cho vào máy tuốt, vừa vất vả, vừa tốn kém. Việc thu gom rơm làm thức ăn cho trâu bò cũng vất vả hơn do phải thuê người chở rạ về nhà bằng xe máy, vì xe công nông không chạy vào ruộng lún được. 

Mỹ Trang là thôn có dân số đông nhất xã Phổ Cường với hơn 5.000 nhân khẩu. Khi có người qua đời, những người đến lo hậu sự phần lớn đều cao tuổi nên phải huy động từ nhiều xóm, mới đủ người còn khỏe để khiêng quan tài. Trước thực trạng này, năm 2016, Ban nhân dân thôn Mỹ Trang đã thành lập câu lạc bộ “Những người ở lại”, quy tụ hội viên là những người từ 60 tuổi trở lên, có con đang mưu sinh ở xa. 

Ông Trương Văn Đượm - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phổ Cường - cho biết, mô hình này dần lan sang các thôn Xuân Thành, Thanh Sơn và Nga Mân với tổng số hội viên trên 200 người, sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần, giúp người già có nơi gặp gỡ, tâm sự và trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy các cháu nhỏ tuổi. 

“Trẻ cậy cha, già cậy con” là truyền thống bao đời của người Việt, nhưng ở xã Phổ Cường, có nhiều bậc cha mẹ ở tuổi xế chiều vẫn phải vừa làm lụng mưu sinh, vừa thay con chăm sóc cháu nhỏ. 

Không rời quê thì… đói

Xã Phổ Cường có bảy thôn với hơn 15.000 nhân khẩu. Trong đó, có gần 6.000 người trong độ tuổi lao động rời quê đến các tỉnh, thành khác tìm kế sinh nhai. Họ dùng số tiền kiếm được để trang trải cuộc sống và gửi về quê xây dựng nhà cửa, lo cho con em học hành.

Ông Vũ Ngọc Hạnh - Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Bàn Thạch - cho biết, trong những năm chiến tranh, người dân thôn Bàn Thạch bám đất, giữ làng, “một tấc không đi, một li không rời”. Sau ngày đất nước thống nhất, bà con ra sức cấy cày để cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương. Những năm gần đây, khô hạn gay gắt gây thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trầm trọng. 

Ông kể, riêng trong năm 2019, nắng hạn kéo dài đến tám tháng khiến cuộc sống của người dân rất khó khăn. Nhiều người phải mua nước phục vụ cho việc sinh hoạt trong gia đình. Nhiều hộ đầu tư tiền để khoan giếng sâu nhưng vẫn không đủ nước. Tổng kinh phí mà người dân đầu tư để khoan giếng là hơn 1 tỷ đồng. Do thiếu nước sản xuất và sinh hoạt nên nhiều người phải rời thôn để vào các tỉnh, thành phía Nam tìm kế sinh nhai.

Minh Kỳ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI