Người già ăn Tết

14/02/2015 - 13:45

PNO - PN - Lạ thiệt! Cứ nói đến Tết là nói đến ăn. Ăn Tết. Có lẽ từ xa xưa, với nền văn minh lúa nước, người dân quê xứ mình quần quật suốt năm, thiếu thốn mọi bề, cơm không đủ no, áo không đủ ấm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mỗi năm, chỉ dịp Tết đến mới được mặc quần áo mới, được ăn những bữa ngon và đi chơi đây đó, như để bù lại những tháng ngày “công lênh chẳng quản lâu lâu/ ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng…!”. Do vậy, ăn Tết thường kéo dài cả vài ba tháng, đợi đến mùa sau: “Tháng Giêng ăn Tết ở nhà/ tháng Hai cờ bạc tháng Ba hội hè/ tháng Tư đong đậu nấu chè/ ăn Tết Đoan ngọ trở về tháng Năm…”. Người ta tìm đủ cách để có Tết, hết Nguyên đán tới Đoan ngọ, rồi Trung thu để được… ăn!

Bây giờ thì trừ những vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn thiếu thốn, còn thì nhờ kinh tế phát triển, nhờ “toàn cầu hóa” nên hàng hóa thừa mứa, hàng nội hàng ngoại đầy trong các siêu thị, các chợ búa. “Ăn Tết” không còn mấy ý nghĩa. Ngày nào mà chả ăn như… Tết! Muốn bánh chưng có bánh chưng. Muốn bánh tét có bánh tét. Củ kiệu dưa hành lúc nào cũng sẵn. Cho nên, Tết mà nghe đến “ăn” thì ai cũng ngán! Vì thế, ngày nay người ta hay nói đến “chơi Tết”.

Người ta rủ nhau lên núi, xuống biển hay ít ra cũng tập trung vào các khu giải trí nào đó cho trẻ con vui chơi, người lớn nghỉ ngơi. Việc đi nhà này nhà nọ chúc Tết cũng đã giảm bớt, trừ những tiệc nhậu “dzô dzô 100%” của nhóm bạn bè. Những câu chúc Tết cũng trở thành sáo ngữ. Người ta chỉ cần gửi tấm thiếp Xuân hoặc một tin nhắn qua điện thoại, email là đủ.

Nguoi gia an Tet

Người già thì sao? Già thì “Hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay” (Nguyễn Khuyến). Bao tử thì đã teo nhỏ lại. Dịch vị tiết ra chẳng được bao nhiêu. Tiêu hóa khó khăn. Nhậu nhẹt bù khú cũng giảm. Lực bất tòng tâm. “Cuồng phong cánh mỏi”!…

Ăn cũng chẳng bao nhiêu, chơi cũng hết nổi rồi, nên Tết với người già không phải là ăn Tết, chơi Tết mà là “vui Tết”. Vui Tết có nghĩa là có một cái Tết đoàn tụ, sum vầy, đầm ấm trong gia đình. Con cháu lớn nhỏ tề tựu về với ông bà cha mẹ, rôm rả một chút rồi “chuồn” cũng được. Cũng bày biện ăn uống nhưng chủ yếu dành cho trẻ con. Đây là dịp để ông bà, cha mẹ già được thấy con cháu hiếu thảo, đoàn kết, thấy thế hệ tương lai sẽ thay thế mình, để lá vàng nhìn thấy lá xanh, tre già mừng thấy măng non, chuối già mừng thấy chuối con xúm xít…

Người già “ăn Tết” là ăn niềm vui đó. Và sẽ buồn biết bao, sẽ nuốt không trôi dù được cung phụng cao lương mỹ vị mà cảm thấy cô đơn!

Ăn uống không phải là tọng, là nuốt, là ngấu nghiến, là tu, là nốc…! Ăn uống không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử. Ăn trong nỗi buồn phiền, ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn chẳng hạn, sẽ là “nuốt không trôi” dù nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Một người trồng chuối ngược vẫn có thể nuốt được, nhưng khi buồn lo thì phản xạ bị cắt đứt. Người ta làm thí nghiệm: mỗi lần cho thỏ ăn thì giật điện một cái, chẳng bao lâu thỏ đã bị loét bao tử. Bày thức ăn thức uống ê hề cho ông bà cha mẹ già, rồi nói vài câu đay nghiến, giả lả... chính là giật điện đó vậy!

Cũng đừng quên ăn uống là chuyện của văn hóa. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ. Người già có thể thích những món ăn… kỳ cục, không sao. Đừng ép! Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặt, mắm bồ hóc, tương chao… đều tốt cả cho ngày Tết.

Năm nay thử làm một món quà lạ tặng cho ông bà, cha mẹ già vui Tết xem sao nhé: Tìm một số hình ảnh, thư từ, tập vở... ngày xưa của gia đình, trình bày thật khéo trong một quyển album, rồi đúng vào ngày mùng Một... mang “lì xì” cho ông bà cha mẹ. Họ sẽ ngạc nhiên và cảm động lắm! Rồi cùng ngồi bên nhau nhắc những chuyện xưa tràn đầy kỷ niệm buồn vui đó. Chịu khó ngồi nghe ông bà, cha mẹ kể chuyện xưa, có khi lẩm cẩm lặp đi lặp lại một chút cũng chẳng sao.

Dĩ nhiên ông bà cha mẹ sẽ nhắc đến dòng họ tổ tiên, truyền thống gia đình, rồi cùng thắp một cây nhang trên bàn thờ... giữa ngày Tết vậy!

Chúc một Tết vui!

Bác sĩ ĐỖ HỒNG NGỌC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI