Người già, ăn sao cho ngon?

04/03/2015 - 17:06

PNO - PN - Ăn uống rất quan trọng đối với tuổi già. Thức ăn mang lại các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Các chất này sẽ tạo ra năng lượng giúp cơ thể hoạt động. Một trong những lý do khiến người già dễ bị uể oải, lừ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Người già thiếu ăn, thiếu năng lượng phần lớn là do sợ bệnh, do kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù dọa. Khám bệnh xong bác sĩ thường dặn phải kiêng món này cữ món kia, rồi nào phải đi bộ, phải tập thể dục... và không quên cho một đống thuốc bổ, trong khi người già đi bộ đã hết nổi mà thuốc bổ uống đầy bụng đâu cần ăn nữa! Đó là chưa kể bạn bè hàng xóm bày vẽ, nghe lời quảng cáo bùi tai... ra rả suốt ngày. Nhưng khi bác sĩ thật thà tốt bụng khuyên ăn uống thoải mái, muốn ăn gì cứ ăn, thì người già hiểu ngay là bệnh hết thuốc chữa. Ông nọ đi khám bác sĩ về cứ bần thần buồn bực, bà vợ gặng hỏi, ông nói bác sĩ nói bệnh anh phải uống thuốc suốt đời mà ông ta chỉ cho có... 10 viên!

Tản Đà, một thi sĩ nổi tiếng trong nghệ thuật ẩm thực, đã “triết lý” về chuyện ăn sao cho ngon như sau: “Đồ ăn ngon/ chỗ ngồi ăn không ngon/ người ngồi ăn không ngon/ không ngon! Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon/ người ngồi ăn không ngon/ không ngon! Đồ ăn ngon/ người ngồi ăn ngon/ chỗ ngồi ăn không ngon/ không ngon!…”. Nghĩa là để ăn cho ngon thì cần đủ cả ba yếu tố: đồ ăn ngon/ chỗ ngồi ăn ngon/ và người ngồi ăn cùng cũng… ngon!

Người ngồi ăn mà không ngon thì nuốt không trôi! Ăn ngon phải là món mình khoái khẩu, nghĩa là món mình ưa thích. Món ngon của người này chưa chắc đã là món ngon của người kia. Và dĩ nhiên muốn ăn ngon thì phải có sự thèm ăn, tức phải đói bụng. Đói thì ăn gì cũng thấy ngon. Lâu nay ta quen ăn theo giờ mà không quen ăn theo… bụng.

Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon, người ngồi ăn ngon vẫn… chưa đủ. Còn phải có cách ăn ngon nữa! Giáo sư Trần Văn Khê, người đi đây đi đó nhiều, kể có nơi phải ăn trong im lặng, không được rào rạo, không được nhóp nhép, hít hà, không được ừng ực và tuyệt đối không được khua muỗng nĩa; nhưng có những nơi ngược lại, phải nhóp nhép, phải rào rạo, phải ợ hơi cho thiệt to, khua chén muỗng ầm ĩ mới là đúng điệu.

Nguoi gia, an sao cho ngon?

Cách ăn ngon nhất có lẽ là ăn trong “chánh niệm”. Ý thức về chuyện đang ăn. Quan tâm nó. Để ý nó. Biết ơn nó. Không phải vô cớ mà người ta đọc lời tạ ơn trước mỗi bữa ăn. Bây giờ có nhiều người ăn chay với những món “rất mặn” dù được làm bằng chất liệu chay mà tên gọi chẳng chay chút nào: heo giả cầy, gà hầm, bò bóp thấu, tôm, cua, cá… và được chế biến hết sức phức tạp và đầy béo bổ. “Ăn chay” như vậy một thời gian thấy người béo phì ra, tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch các thứ…

Chuyện ăn uống của người già nói chung nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử. “Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn thức gì thì nó đang cần thức đó. Cũng đừng quên ăn uống là chuyện của văn hóa. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ.

Người già có thể thích những món ăn… kỳ cục, không sao. Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau… Mắm nêm, mắm ruốc, tương chao, các thứ gia vị… đều tốt cả, miễn đừng quá mặn, quá ngọt. Hãy để các cụ được tự tại đến mức có thể. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ! Nhưng khi các cụ đột ngột gầy ốm, sụt cân nhanh thì đã có vấn đề. Suy dinh dưỡng chăng? Trầm cảm chăng? Có triệu chứng khởi đầu của Alzheimer chăng? Hay đang mắc một thứ bệnh nặng nào đó?

Những bữa ăn gia đình có cha mẹ già cần tránh tất cả những sự căng thẳng, những lời nói đắng cay, tranh chấp, không vui… Men tiêu hóa được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ cái bao tử là vậy.

BS ĐỖ HỒNG NGỌC

Mời bạn đọc gửi thắc mắc của mình để được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trả lời về bí quyết già mà vui, khỏe qua địa chỉ: tuoigiahanhphuc@baophunu.org.vn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI