PNO - Trong phiên toà xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát trong chiều ngày 28/3, có 2 trường hợp bị cáo không cần luật sư bào chữa mà tự đứng ra bào chữa cho mình, trong đó có 1 trường hợp đề nghị được miễn trách nhiệm hình sự.
Tự bào chữa cho mình, ông Lê Thanh Hà (cựu phó chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước, cựu trưởng phòng Phòng kiểm toán ngân hàng 1, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII) cho biết, ông là người duy nhất được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen: Có công vì đã phát hiện sai phạm tại SCB. Ông mong Hội đồng xét xử (HĐXX) miễn trách nhiệm hình sự cho mình.
Ông Hà bị VKS đề nghị mức án 3-4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Nội dung cáo trạng nói rằng ông Hà “có hành vi đồng ý thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với khoản vay nhóm 71 khách hàng tại địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai”. Nhưng theo ông Hà giải thích, thời điểm đó ông chỉ thực hiện thanh tra tại chi nhánh SCB Phạm Ngọc Thạch, không nắm quyền thanh tra tại các khu vực khác nên không được trưởng đoàn cung cấp thông tin. Ông chỉ đề nghị trưởng đoàn thanh tra xem xét các nội dung thanh tra để tiết kiệm thời gian.
Ông Lê Thanh Hà tự đề nghị được miễn trách nhiệm hình sự
Sau đó, khi phát hiện SCB có dấu hiệu đảo nợ các khoản vay, ông Hà đã kiên quyết kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng điều tra xử lý, yêu cầu SCB cung cấp thông tin làm rõ có hay không cho vay mới để đảo nợ cũ, nhưng SCB không cung cấp, không tạo điều kiện.
Với nội dung trong cáo trạng nói “ông Hà không bảo lưu ý kiến và đồng ý không chuyển hồ sơ sai phạm cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý”, ông Hà giải thích rằng lúc đó 8 thành viên đoàn thành tra trong Tổ 3 đều thống nhất đề nghị NHNN kiểm tra tín dụng SCB có tình trạng đảo nợ không, nếu có thì phải chuyển cơ quan chức năng xem xét; báo cáo tất cả kết quả thanh tra 2 giai đoạn cho cơ quan kiểm toán trình Thủ tướng Chính Phủ. “Sau đó Thủ tướng kết luận giao NHNN chủ trì phối hợp với Cơ quan thanh tra Chính Phủ, kiểm toán Nhà nước hoàn thiện dự thảo thanh tra SCB, xác minh làm rõ khoản vay của nhóm 71 khách hàng này có phải là vay đảo nợ không. Trong dự thảo kết luận thanh tra cũng có nghị của Tổ 3 đề nghị thanh tra SCB”- ông Hà nói.
Đồng thời trong quá trình thanh tra, ông Hà còn phát hiện sự yếu kém trong đoàn thanh tra, ông cũng kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân tổ thanh tra. “Điều này thể hiện bị cáo rất quyết tâm, rất trách nhiệm đến cùng. Bằng chứng là bị cáo đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen: Có công vì đã phát hiện sai phạm tại SCB” – ông Hà dẫn chứng.
Tuy nhiên theo ông Hà, do ông chỉ là thành viên trong đoàn thanh tra nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, cũng không rõ sau các cuộc họp, nội dung trong các báo cáo đã chỉnh sửa như thế nào. Từ những lý do đó, ông Lê Thanh Hà tự đề nghị HĐXX xem xét vai trò của ông trong đoàn thanh tra, miễn trách nhiệm hình sự đối với ông.
Ông Vương Đỗ Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng thanh tra, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN) là trường hợp thứ 2 không cần nhờ luật sư bào chữa. Ông được VKS đề nghị 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Ông Tuấn mong HĐXX xem xét về bối cảnh khách quan khi xảy ra sự việc, mức độ phụ thuộc của ông khi thực hiện hành vi vi phạm từ đó cho ông một mức hình phạt khoan hồng nhất.
Theo cáo trạng, ông Vương Đỗ Anh Tuấn là tổ trưởng tổ thanh tra số 3 (đợt 1), tổ trưởng tổ 2 (đợt 2).
Kết quả thanh tra đợt 1, ông Tuấn không kiến nghị phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, thoái lãi dự thu đối với dự án 5-2 tại báo cáo kết quả thanh tra.
Thanh tra đợt 2, thực hiện theo chỉ đạo của bà Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II - cục II, thuộc Ngân hàng Nhà nước), ông Tuấn đã đồng ý thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với khoản vay nhóm 71 khách hàng địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai và đồng ý không chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra xử lý.
Với các bị cáo còn lại trong vụ án như ông Võ Văn Thuần (cựu Phó cục trưởng Cục II; Phó chánh thanh tra NHNN Chi nhánh TPHCM), luật sư bào chữa cho biết mức án 7-8 năm tù là quá nghiêm khắc, cần mức hình phạt khoan hồng hơn. Vì thời điểm ông phụ trách thanh tra tại SCB là chưa có quy định hướng dẫn về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng, các nhân sự tham gia giám sát chủ yếu là công tác kiêm nghiệm rất thiếu tốn về nhân lực, phía SCB cũng không phối hợp với tổ giám sát.
Với 1 số bị cáo khác như ông Vũ Khánh Linh (cựu Phó trưởng phòng Thanh tra ngân hàng TMCP, Cục II, Cơ quan TTGSNH, NHNN), Trương Việt Hưng (cựu Thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II), Thanh tra Chính phủ), Phan Tấn Trung (cựu Phó chánh thanh tra NHNN Chi nhánh TPHCM), Nguyễn Văn Thuỳ (cựu Phó trưởng ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia)... các luật sư cho rằng các bị cáo này chỉ là thành viên Đoàn thanh tra, cần xem xét nguyên nhân điều kiện hoàn cảnh khi thực hiện việc thanh tra. Các bị cáo đã tự nguyện nộp lại số tiền, quà đã nhận. Mong HĐXX xem xét để các bị cáo hưởng được sự khoan hồng của pháp luật.
Như vậy 86 bị cáo, các luật sư bào chữa đã hoàn thành xong việc tranh luận lại ý kiến luận tội của đại diện Viện kiểm soát tại phiên toà.
Sáng thứ hai ngày 1/4/2024, phiên toà xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát sẽ tiếp tục phần đối đáp của Viện kiểm sát.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.