Người dùng sẽ được lợi từ 4G?

24/04/2017 - 06:49

PNO - Viettel đã trở thành nhà mạng đầu tiên chính thức cung cấp dịch vụ 4G cho thuê bao di động, bắt đầu kỷ nguyên sử dụng mạng 4G tại thị trường Việt Nam.

Thật ra Vinaphone đáng lẽ sẽ là nhà mạng đặt dấu mốc lịch sử này khi mọi sự đã được chuẩn bị xong nhưng thay đổi đột xuất phút cuối khiến họ phải hoãn lễ ra mắt, nhường dấu mốc này lại cho Viettel.

Như vậy, có thể nói hiện tại, ít nhất hai nhà mạng sẵn sàng cung cấp dịch vụ 4G đến người dùng Việt Nam là Viettel và Vinaphone. MobiFone cũng đã có hạ tầng sóng 4G nhưng cũng như Vinaphone, họ chưa ra mắt chính thức nên đến bây giờ, thuê bao của 2 nhà mạng này vẫn phải tiếp tục dùng gói dịch vụ 3G với sóng 4G.

Nguoi dung se duoc loi tu 4G?
Cuộc đua giữa ba nhà mạng lớn nhất của Việt Nam đến thời điểm này mới chỉ là đua vùng phủ sóng 4G.

Cuộc đua phủ sóng

Trước thời điểm Viettel chính thức ra mắt dịch vụ 4G, người dùng đã được chứng kiến cuộc đua nước rút siêu tốc độ giữa các nhà mạng về hạ tầng mạng 4G. Trong đó dễ thấy nhất là cuộc đua về vùng phủ sóng.

Ông Nguyễn Đình Trọng, Giám đốc Viettel TP.HCM cho biết, nhà mạng này đã dựng xong 36.000 trạm 4G chỉ trong có 6 tháng, phủ sóng gần như khắp cả nước. Đây được xem là tốc độ triển khai mạng kỷ lục khi mức độ trung bình của thế giới là 10 năm. Viettel cũng tự phá mức tốc độ của mình khi so sánh với trước đây, họ mất 4 năm để hoàn thành mạng 2G, 8 năm xong mạng 3G.

Với số lượng trạm này, Viettel cho biết đã phủ sóng 4G khắp ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, phủ sóng tới 704 quận, huyện, đạt tỷ lệ 99%. Trong đó có tới hơn 100 huyện biên giới. Rất nhiều vị trí đặc biệt trên lãnh thổ Việt Nam cũng đã có sóng 4G của Viettel như các xã cực đầu của tổ quốc: Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang), Hòa Tâm (huyện Tuy hòa, tỉnh Phú Yên) hay ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia tại xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) hay đỉnh núi Fansipan được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” tại huyện Sapa (Lào Cai)…

Đại diện Vinaphone cho biết họ vẫn đang tiếp tục triển khai lắp đặt trạm và cơ sở hạ tầng để cung cấp dịch vụ 4G. “Song song đó, chúng tôi triển khai dịch vụ thử nghiệm tại một số tỉnh, thành phố lớn. Dự kiến trong tháng 4 sẽ chính thức cung cấp tại Hà Nội, TP.HCM và 10 tỉnh, thành phố khác. Kế hoạch đến hết năm 2017 sẽ phủ sóng 4G trên toàn quốc”, đại diện Vinaphone chia sẻ.

Trong khi đó, MobiFone cũng cho biết sẽ cung cấp các dịch vụ 4G cho khoảng 53/63 tỉnh, thành phố ngay trong giai đoạn cuối quý I và quý II năm nay, tập trung chủ yếu vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…

Giá cước rẻ hơn?

Ngay khi ra mắt, Viettel đã cung cấp các gói cước 4G mới đến người dùng dù không công bố rộng rãi. Cụ thể, gói cước rẻ nhất là 4G40 với giá 40.000 đồng/1GB/tháng. So với gói cước 3G phổ dụng hiện nay là gói 70.000 đồng/600MB tốc độ cao/tháng, rõ ràng gói cước 4G mới có giá rẻ hơn. Nếu với cùng mức tiền 70.000 đồng, Viettel có gói cước 4G70 với dung lượng đến 2GB/tháng. Tất nhiên khi hết dung lượng, thuê bao sẽ không truy cập internet được nữa, không giống như gói 3G sau khi hết tốc độ cao vẫn truy cập internet với tốc độ thấp.

Nguoi dung se duoc loi tu 4G?
Người dùng đổi SIM 4G để trải nghiệm dịch vụ.

Như vậy nếu so về giá cước, gói 4G đang rẻ hơn so với các gói 3G ở cùng mức dung lượng. Tất nhiên đây có thể chỉ là những gói cước đo lường phản ứng của thị trường của nhà mạng. Sau này, tùy vào phản ứng của thị trường, nhà mạng có thể có những thay đổi phù hợp hơn.

Còn về tốc độ truy cập, thử nghiệm thực tế cho thấy tốc độ truy cập khá tốt, trung bình trong khoảng 30 - 50 Mbps, gấp 10 lần tốc độ 3G hiện nay. Đây là mức tốc độ đem lại sự hài lòng với những người dùng đầu tiên. Tất nhiên đây mới là ban đầu, sau này khi có nhiều người dùng hơn cùng với sự thay đổi chính sách của nhà mạng, tốc độ truy cập có thể khác.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện cả ba nhà mạng đều khẳng định gói cước 4G của họ sẽ rẻ hơn gói cước 3G tương ứng nhưng “chi phí sử dụng của gói cước 4G sẽ tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng”, đại diện MobiFone chia sẻ. Chẳng hạn khi tốc độ truy cập cao hơn, người dùng sẽ có điều kiện thưởng thức những nội dung chất lượng cao theo chuẩn HD. Điều đó khiến họ tiêu tốn dung lượng nhiều hơn.

Ông Thiều Phương Nam, tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia, phân tích rằng sau này người dùng có thể nhận thấy cước phí 4G cao hơn so với 3G nhưng không phải do nhà mạng tính cước phí cao hơn – chi phí trên cùng một lượng dữ liệu không cao hơn – mà là do các nội dung như video có dung lượng cao hơn, rõ nét hơn, tiêu tốn nhiều dữ liệu hơn khi người dùng sử dụng 4G. Đó cũng là mục đích của các nhà mạng: tăng doanh thu trên từng thuê bao khi chuyển sang 4G.

“Chính sách về cước phí tùy thuộc vào từng nhà mạng vì mỗi nhà mạng có chiến lược, chính sách kinh doanh khác nhau. Nhà mạng muốn có nhiều thuê bao ngay, giá sẽ hợp lý; nhà mạng tập trung vào đối tượng khách hàng cao cấp có thể có mức cước cao hơn nhưng tập trung vào nhiều sự ưu tiên khác biệt khác”ông Nam cho biết thêm.

Như vậy, có thể thấy cuộc đua giữa ba nhà mạng lớn nhất của Việt Nam đến thời điểm này mới chỉ là đua vùng phủ sóng 4G. Cuộc đua về giá cước và chất lượng có lẽ phải đợi đến khi các nhà mạng đã cung cấp dịch vụ một thời gian với những phản hồi từ người dùng.

Thảo Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI