'Người dưng ơi xin đừng đánh em nữa có được không?'

04/05/2018 - 06:56

PNO - Cô gái chìa bàn tay nhỏ nhắn ra bên ngoài cửa sổ xin mượn cái điện thoại gọi cho chồng. Chồng – cái người…lạ ấy, hóa ra lại là nguồn cơn cho sự khởi phát bệnh tâm thần vốn được cô giấu kỹ bao lâu nay….

Chỉ cần thấy có bóng dáng đàn ông xuất hiện, những bệnh nhân nữ ở cơ sở Lê Minh Xuân (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) đều lia mắt vào kẻ lạ mặt. Những người điên men theo hàng rào tìm cách bắt chuyện.

Bởi ở trong khu vực riêng biệt, hiếm khi họ được gặp người lạ - người mặc quần áo khác màu, không phải đồng phục được phát trong bệnh viện.

Người lạ khiến họ không thể ngủ một giấc trưa yên bình. Nó đánh động vào tâm trí khiến họ nhớ về người đàn ông đã một thời là của họ.

Vì sao tôi bị tâm thần?

Bài 1: Kẻ ác đã phát nát gia đình tôi

Bài 2: Người đàn ông chỉ thích ở bệnh viện tâm thần

Bài 3: Em lên cơn tâm thần, anh nỡ nào vào bệnh viện tìm em ký giấy bán nhà? 

'Nguoi dung oi xin dung danh em nua co duoc khong?'
Một phụ nữ bị bệnh tâm thần

Người đàn ông ấy vốn dĩ là người dưng nhưng khi cưới nhau, sống chung với nhau đã là người thân của họ. Tiếc thay, ranh giới giữa người thân – người dưng cũng mong manh như thần trí của người điên giữa cõi thực và cõi mơ.

Những người dưng ấy có khi lại là nguồn cơn của những lần kích động tâm thần. Để rồi, chỉ còn lại những phụ nữ buồn bã, lang thang đếm bước chân mình trên từng viên gạch ở bệnh viện tâm thần.

“Em nấu cơm cho nó ăn mà nó đánh em hoài”

Người con gái khi bước chân vào hôn nhân là như đã một đời thuộc về người đàn ông khác. Lê Thị Thanh, 26 tuổi, quận 12 (TP.HCM) đã nhớ về người đàn ông của đời mình bằng những câu thơ cứ ngân nga:

"Trời vào thu, trời nhiều lá rụng.

Tôi vào đời, tôi khổ vì yêu.

Biết rằng yêu là đau khổ

Lỡ yêu rồi có khổ cũng yêu”.

Những câu thơ tình ấy, Thanh nhớ chỉ để dành riêng cho người chồng của mình. Vậy mà hỏi có nhớ chồng không, Thanh lắc đầu nguầy nguậy: “Không nhớ. Ghét lắm. Em nấu cơm, pha trà cho nó uống. Sáng dậy sớm canh giờ kêu nó dậy đi làm. Em thương nó mà nó đánh em hoài. Ghét lắm, không thương nữa”.

Vậy mà chỉ một lát, cô gái tội nghiệp lại năn nỉ xin mượn điện thoại để gọi về cho chồng vì nhớ quá.

'Nguoi dung oi xin dung danh em nua co duoc khong?'
Trong Bệnh viện tâm thần cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM

Chỉ mới năm ngoái, Thanh cưới chồng. Sau gần một năm bên nhau, bỗng một ngày đẹp trời, cô đánh mắng và đuổi chồng ra khỏi nhà. Thức ăn đem về, Thanh không ăn mà chỉ ngửi, la hét rồi đánh cả trẻ em trong xóm trọ…

Vậy là từ ngày đó, Thanh phải vào ở hẳn trong Bệnh viện tâm thần TP.HCM với chẩn đoán bị loạn thần không thực tổn, không biệt định.

Người đã cưới Thanh vào năm ngoái khi anh không hề biết vợ mình từng khởi phát căn bệnh tâm thần cách đó 2 năm. Và mỗi khi gặp căng thẳng, cuộc sống vợ chồng không tốt đẹp, Thanh lại rơi vào "điên dại".

Thanh mắc bệnh tâm thần vào năm 2015, khi một mình từ Nghệ An vào quận 12 (TP.HCM) để làm công nhân may, Thanh đột nhiên phát bệnh khi mất ngủ thường xuyên, ca hát suốt ngày và hay nói lảm nhảm một mình. Gia đình đưa về quê điều trị. Một năm sau đó, cô tiếp tục vào TP.HCM làm việc và kết hôn.

"Tôi trở thành người điên vì mất chồng"

Giữa tháng 4, hai vợ chồng lớn tuổi với vẻ mặt khắc khổ lặng lẽ đưa con gái Nguyễn Thị Ngọc (31 tuổi, ở Dĩ An, Bình Dương) vào Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Con gái họ chẳng còn ai thân thích ngoài cha mẹ ruột.

"Chồng của nó mới qua đời. Nó đau buồn rồi phát bệnh" - vợ chồng già trả lời ngắn gọn với vị bác sĩ tiếp nhận bệnh. 

'Nguoi dung oi xin dung danh em nua co duoc khong?'
Đôi tay của một bệnh nhân tâm thần nữ. Trước khi vào bệnh viện, đây là một thợ may ở Hóc Môn TP.HCM

Cái chết nào cũng đau buồn. Nhưng nỗi ám ảnh khủng khiếp khiến Ngọc gục ngã vì chồng chị tự tử bằng thuốc diệt cỏ sau khi cãi nhau với vợ. 

Sau 3 ngày chôn cất chồng, Ngọc bắt đầu la khóc, gọi tên chồng... 

Người phụ nữ góa chồng từ đó mất ngủ, không thiết tha chuyện ăn uống. Suốt ngày chị đau khổ, ôm lấy, hít hà quần áo của chồng để tìm chút hơi ấm sót lại nơi trần gian. 

Lần nhập viện đầu tiên, Ngọc thấy người đàn ông nào cũng ngỡ đó là chồng nên kêu người thân qua đó chăm sóc chồng. Có khi lại ngạc nhiên vì sao cha mẹ vào thăm được vì Ngọc khẳng định mình đang ở địa phủ.

'Nguoi dung oi xin dung danh em nua co duoc khong?'
Những bệnh nhân tâm thần đang may quần áo

Những sang chấn tâm lý cũng dần lắng dịu vì tác dụng của những viên thuốc chống loạn thần. Ngồi một góc ủ rủ, Ngọc than trách ân hận vì tại mình mà chồng chết… 

Ngọc kể, chị bị tâm thần, chồng chết chỉ vì cãi nhau chuyện tiền bạc. Người chồng làm tài xế xe tải, vợ buôn bán ở chợ. Nhưng chỉ sau một trận cãi vã to tiếng, người chồng tự tử bỏ lại người vợ cùng 3 con thơ dại…

Những lúc nhớ cảnh vợ chồng cãi nhau, Ngọc lại lên cơn điên dại. Cánh cửa Bệnh viện Tâm thần thêm một lần xuất hiện trước mắt Ngọc. Các bác sĩ chẩn đoán Ngọc bị rối loạn stress sau sang chấn. Lần này, chị phải ở lại bệnh viện lâu hơn.

'Nguoi dung oi xin dung danh em nua co duoc khong?'
Những người phụ nữ điều trị bệnh tâm thần bên trong khu vực riêng của họ

Những cơn sang chấn tâm lý đẩy người phụ nữ tội nghiệp vào bệnh viện tâm thần không đến từ nơi xa lạ, mà có phần khơi nguồn từ "người dưng" đã hóa thành người thân của đời họ. Người dưng ơi hỡi người dưng. Sống với nhau, người dưng đã không còn là kẻ lạ nữa rồi! 

Rối loạn stress sau sang chấn (Post Traumatic Stress Disorder –PTSD) là các rối loạn phát sinh như một sự đáp ứng trì hoãn sau sang chấn có tính chất đe doạ, thảm hoạ đặc biệt, có thể gây đau khổ lan tràn cho hầu hết bất cứ ai, xuất hiện dưới 6 tháng sau sang chấn. 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI