Điều gì đã xảy ra? Nếu không di cư theo người khác, bạn có gặp vấn đề gì không? Nếu ra đi, bạn sẽ được/mất gì?
Những ngày xưa thân ái
Có thể bạn đã biết, mạng xã hội Minds được thành lập vào năm 2011 chứ không hề mới như nhiều người nhầm tưởng. Điều khác biệt là: Minds là một hệ thống mã nguồn mở. Nghĩa là bất cứ ai cũng có thể truy xuất mã nguồn của Minds để xem cách thức vận hành của mạng này như thế nào, thậm chí tải mã nguồn này về, cải biến và tạo thành một trang mạng xã hội của riêng mình.
Vào năm 2011 ấy, Facebook đã quá nổi tiếng với 750 triệu người sử dụng thường xuyên, vượt xa tất cả mọi đối thủ khác. Trong khi đó, dịch vụ từng được nhiều người Việt Nam sử dụng nhất - Yahoo! 360o đã trở thành quá vãng. Những lời kêu gọi, rủ rê nhau chuyển sang sử dụng mạng khác đã được đưa ra. Nhiều người tìm đến Blogger, Wordpress, MyOpera... để sau cùng tề tựu về dưới mái nhà Facebook.
|
Nhiều người dùng Facebook ồ ạt chuyển sang Minds dù chưa tìm hiểu rõ bản chất của mạng xã hội này |
Đối với mạng xã hội, không phải cái gì tốt hơn sẽ có nhiều người sử dụng hơn. Nếu nói tốt hơn, đẹp hơn, có nhiều mạng xã hội khác vượt trội so với Facebook. Bằng chứng là Facebook đã phải chi tiền để mua lại Instagram, Whatsapp để gia cường sức mạnh của mình, bổ sung các tính năng mà mình còn thiếu.
Đối với mạng xã hội, cái nào thuận tiện hơn, phù hợp nhu cầu hơn sẽ thắng. Nếu cách đây vài tháng, bạn đề nghị một facebooker về việc rời bỏ mạng xã hội này, có lẽ sẽ chẳng ai buồn nghe bạn, bởi họ vẫn đang an cư, lệ thuộc vào Facebook với danh sách bạn bè, những cuộc trò chuyện, khách hàng, album ảnh...
Nhưng hôm nay thì khác. Trước thông tin Facebook, Google có thể bị cấm hoạt động tại Việt Nam dưới tác động của Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ 1/1/2019), rất nhiều người đã hoang mang về việc họ sẽ sống sao nếu không có Facebook, không có Gmail, YouTube... Nhiều người khác hoang mang về việc thông tin cá nhân của mình có thể bị tiết lộ và giao nộp cho chính quyền.
Đã bắt đầu có những người tìm cách rời đi, chọn một mạng xã hội khác để thay thế, cho một tương lai chưa xác định. Và khi một loạt hot facebooker rầm rộ chuyển nhà, quảng bá mạng xã hội Minds như một phương án thay thế hoàn hảo, an toàn thì cuộc di cư đã chính thức bắt đầu.
Minds: ông là ai?
Nếu áp thói quen và cách thức cộng đồng Việt Nam sử dụng Facebook lên Minds, Minds chỉ thiếu mỗi tính năng live stream - tính năng hiện được rất nhiều người bán hàng online và giới văn nghệ sĩ sử dụng. Ngoài ra, Minds tỏ ra có ưu thế hơn khi cho phép mọi người có thể đọc, xem hình ảnh, video, blog của bất kỳ ai (thay vì bị buộc phải kết bạn như ở Facebook để xem được những bài viết, ảnh, clip chỉ dành cho bạn bè). Minds có nút Like và cả nút Dislike (thứ mà rất nhiều người đã yêu cầu nhưng Facebook vẫn không cung cấp). Minds cũng cho phép bình luận, cho phép Share và cho phép bạn... thưởng cho một bài viết hay.
|
Khi bạn không phải trả tiền cho một dịch vụ, bạn chính là món hàng để nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh |
Như quảng cáo của Minds, họ sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh. Nếu bạn có bài viết hay, được nhiều người xem, bạn sẽ được tích điểm và số điểm này có thể được quy thành tiền ảo Crypto - loại tiền mà các nhà phát triển Minds đang xây dựng, sẽ đưa vào thị trường tiền ảo trong tương lai.
Với thói quen sử dụng mạng của người Việt Nam từ thuở máy vi tính mới xuất hiện cho đến hôm nay - thường xuyên nhấn Yes/Next/Ok/Đồng ý với các Quy định sử dụng dịch vụ, Chính sách về quyền riêng tư mà không hề đọc (bởi chúng thường quá dài), bạn không biết quyền của mình đến đâu, được bảo vệ đến mức nào và quan trọng nhất là bạn sẽ chẳng thể khiếu nại khi mọi quy định, chính sách, thỏa thuận của các nhà cung cấp dịch vụ mạng luôn kèm theo điều khoản họ giữ lại các quyền thay đổi chúng và không chịu trách nhiệm cho hàng loạt thứ. Xin hãy nhớ cảnh báo của các chuyên gia về an ninh mạng: khi bạn lên mạng, bạn không hề an toàn. |
Khi bạn có tiền ảo, bạn có thể tặng thưởng cho những bài viết hay của người khác, có thể dùng để mua quảng cáo cho bài viết của chính mình, để chúng xuất hiện trên newfeed của nhiều người khác và được đọc nhiều hơn. Các nhà quảng cáo, những người kinh doanh online hẳn sẽ thích tính năng này. Tuy nhiên, đó là chuyện ở thì tương lai.
Bằng cách bán quảng cáo, Minds sẽ thu được tiền và xin hãy nhớ cho rằng khi bạn trả tiền để sử dụng một dịch vụ, bạn là khách hàng; còn khi bạn sử dụng nó miễn phí, bạn là món hàng. Cộng đồng sử dụng một mạng xã hội càng lớn thì mạng xã hội ấy càng mạnh và những người sáng lập, điều hành nó sẽ càng có cơ hội trở thành tỷ phú. Mark Zuckerberg - ông chủ Facebook là ví dụ điển hình.
Ở Minds, bạn không thể chặn một nội dung không mong muốn. Bạn không thể không xem những gì hiện trên newfeed của mình hoặc chọn để nội dung đó ít hiển thị hơn. Bạn cũng không thể cấm một ai đó tọc mạch vào trang cá nhân của bạn, lục lọi hình ảnh, video của bạn.
Chưa kể, cho đến hôm nay, ngoài những cam kết của Bill Ottman - Giám đốc điều hành Minds - về tính bảo mật thông tin, về quyền tự do ngôn luận và nhiều thứ nữa, những điều đó chưa được kiểm chứng bởi Minds không có báo cáo nào về việc họ có hợp tác với các chính phủ không và có cung cấp thông tin của người sử dụng cho bên thứ ba không.
Chuyện thường tình thế thôi
Lý do cho những cuộc kêu gọi di dân từ Facebook sang Minds là để bảo vệ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, với phần lớn người dùng Facebook tại Việt Nam thì không tin cá nhân là thứ vẫn thường xuyên được chủ nhân tự ý phơi bày. Hôm nay đi đâu, làm gì, ăn gì, gặp ai... đều liên tục được các facebooker cập nhật liên tục.
|
Ngoài những gì Bill Ottman - CEO của Minds - nói, người dùng chưa thực sự trải nghiệm những thứ ẩn sau mạng xã hội này |
Đến một nơi mới, facebooker sẽ lập tức check-in. Tấm ảnh chụp chung sẽ được tag từng người có mặt. Các "hot girl kem trộn" hoặc những người bán hàng online đều đưa địa chỉ, số điện thoại công khai. Nếu các facebooker thông thường chẳng quan tâm gì đến thông tin cá nhân thì việc những thông tin ấy được Facebook hay Minds bảo vệ hay không và ở mức độ nào thực sự không mấy ý nghĩa.
Một số quan điểm cho rằng Minds an toàn hơn vì cho phép người dùng được ẩn danh. Thực tế, rất nhiều tài khoản Facebook là tài khoản ảo. Một người có thể lập nhiều nick và thậm chí giả dạng người khác bằng cách sao chép hình ảnh, thông tin, thậm chí giao diện. Minds cũng không thể ngăn chặn các thông tin giả (fake news) là quan trọng hơn cả: Minds chưa có cộng đồng người sử dụng đông đảo như Facebook. Những người bán hàng online sẽ không muốn chi tiền quảng cáo hoặc đưa sản phẩm đến một nơi có ít khách hàng.
Trên thực tế, cho đến hôm nay, dù cuộc di cư vẫn diễn ra ồ ạt thì chính những người đã tạo tài khoản trên Minds vẫn duy trì tài khoản Facebook của mình và một bộ phận rất lớn vẫn tiếp tục sử dụng Facebook như tài khoản chính. Còn Minds, hãy để tương lai quyết định việc liệu họ có thuyết phục được người dùng Việt Nam thực sự từ bỏ Facebook hay không. Bởi Facebook không sụp đổ như Yahoo! 360o, việc người dùng rời khỏi nền tảng này (khi đã dính quá sâu) là điều rất khó xảy ra.
Thành Nhân