Người đóng xe lôi cuối cùng

02/07/2017 - 14:39

PNO - Hiện nay, có thể nói xe lôi là “đặc sản” còn lại của Châu Đốc vẫn gắn bó với đời sống, dù số lượng chẳng bao nhiêu.

Trong ký ức tuổi thơ tôi, hình ảnh chiếc xe lôi hết sức thân thuộc. Đã 30 năm tôi trưởng thành, xa quê kiếm sống, rồi trở về làm việc tại quê nhà, chiếc xe lôi tuổi thơ vẫn còn hiện diện ở TP.Châu Đốc, An Giang - quê tôi. 

Chỉ có điều, Châu Đốc dường như là nơi duy nhất ở miền Tây mà chiếc xe lôi vẫn còn xuôi ngược các nẻo đường. Xe lôi là sự kết hợp giữa xe đạp và xe kéo, thùng phía sau làm bằng gỗ rất đơn giản.

Ngoài việc chở các bà, các cô đi chợ, xe lôi còn dùng chuyên chở hàng hóa. Hiện nay, có thể nói xe lôi là “đặc sản” còn lại của Châu Đốc vẫn gắn bó với đời sống, dù số lượng chẳng bao nhiêu.

Nguoi dong xe loi cuoi cung
Xe lôi 

Vẫn tồn tại nhưng chiếc xe lôi quê tôi đang bị nhịp sống hiện đại… giết chết dần. Những người làm ra chiếc xe mảnh mai và bền bỉ ấy như cũng chìm khuất đâu đó trong cuộc sống. Họ là ai và giờ họ đang phải sống thế nào khi chẳng còn mấy chiếc xe lôi lăn bánh trên đường? Tôi mang câu hỏi đó cho “ông bác học” Google, chẳng tìm được mấy thông tin.

Những người lớn tuổi trong gia tộc tôi và những người tôi quen cũng chẳng có thông tin gì về những người vô danh ấy. Còn những người chạy xe lôi, hẳn họ phải biết nơi đóng xe, biết người đóng xe! Không ngờ, chuyện tôi nghĩ “chắc như đinh đóng cột” cũng… trật lất.

Hầu như những anh xe lôi tôi từng hỏi đều nói nhẹ bâng: “Tui mua xe cũ sang tay nên không biết chỗ đóng”, hoặc: “Xe lôi cũ chất đầy mấy chỗ cầm đồ, khoảng một chỉ vàng là mua được rồi, cần gì phải đóng!”. Không nản lòng, tôi vẫn tìm hỏi những khi có dịp và vận may rồi cũng đến, hay cũng có thể do tôi “có duyên” với người có thể xem là người thợ đóng xe lôi cuối cùng của xứ Châu Đốc này.

Tình cờ, tôi được một nhân viên trong công trình tôi đang làm, cho biết về ông Bảy là một người đóng xe lôi lâu năm. Nhờ chạy xe lôi kiếm thêm thu nhập nên anh được nghe về ông. Ông tên Nguyễn Văn Thuận, mọi người quen gọi là ông Bảy, sinh năm 1953, nhà gần chợ Châu Long.

Khi tôi tìm đến, ông Bảy đang ở trần ngồi đục đẽo trong căn nhà cấp 4 rộng rãi, cũng là xưởng nơi ông từng cho ra đời chẳng biết là bao nhiêu chiếc xe lôi rồi. Ông rất vui khi tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu những công đoạn làm nên chiếc thùng xe lôi bằng bàn tay khéo léo của người thợ, để lưu giữ dấu tích về một cái nghề đang dần đi vào quá khứ. 

Ông vốn quê ở Campuchia, trước đây chạy xe lôi, sau học nghề đóng xe, năm 1985 thì ra nghề và gắn bó luôn đến nay. Trước đây, ở miền Tây có bảy người chuyên đóng xe nhưng “rụng” dần hết. Người thì già yếu không còn sức để làm, người qua đời, người thì sức tuy còn nhưng thu nhập ít nên không bám nghể nổi, vì mọi thứ đều phải làm bằng tay, rất cực.

Ông Bảy bùi ngùi: “Giờ xứ này chỉ mình tui là người thợ cuối cùng còn bám trụ với nghề. Một cái thùng xe làm cả tuần nhưng bán chỉ được khoảng 1,2 triệu đồng, trừ tiền gỗ thì chẳng còn được bao nhiêu; nhưng tui không tăng giá lên được vì người chạy xe lôi rất nghèo, đâu có kiếm được mấy đồng.

Chưa kể, loại gỗ thích hợp nhất để đóng thùng xe lôi là gỗ sao, giờ rất khó kiếm, giá lại cao”. Vì vậy, tuy ngậm ngùi với nghề nhưng ông Bảy cũng đành chấp nhận mình là người thợ cuối cùng và không có người nối nghiệp. 

Ông Bảy không vồn vã, đúng hơn là khá kiệm lời nhưng đó là một cuộc trò chuyện chân tình. Lâu lâu lại thấy ông mỉm cười. Nụ cười hiền nhưng sao tôi cứ cảm thấy không mấy vui, nét mặt ông suy tư khi nhắc đến số phận của nghề đóng loại xe này. Lạ thay khi bắt tay vào công việc, ông Bảy như trở thành con người khác.

Những suy tư trầm lắng bỗng chốc tan biến. Ông thoăn thoắt giữa những gỗ, đụt, đẽo, bàn cưa, bàn bào. Vừa làm ông vừa trò chuyện, giải thích cho tôi hiểu các bước để hoàn thành một chiếc thùng xe. Người đàn ông quen sương gió nói như phân trần: “Mấy chục năm nay, khi làm việc quen ở trần cho mát rồi. Vậy mới thoải mái được, cháu thông cảm”.

Tôi đứng đó, giữa cái xưởng bé nhỏ ngổn ngang tận mắt chứng kiến mùn cưa li ti bám trên đôi tay mạnh khỏe của người thợ già. Nhìn ông cúi thấp người để đo ni làm dấu và ngửi mùi gỗ sát kề mũi mình tôi cảm được cái tình, hiểu được nỗi gắn bó với công việc suốt 30 năm này.  

Tôi dường như cũng hiểu nỗi buồn giấu trong đôi mắt quyết liệt của ông khi thực hiện một đường bào. Một nỗi buồn không nói thành lời, nó nằm trong đáy mắt.

Nguyệt Phạm (ghi)

Theo ông Bảy, chiếc xe lôi tuy đơn giản nhưng phải chở nặng, có khi phải chở cả tấn nên lúc đóng xe, mọi thứ đều phải kỹ càng mới yên tâm. 

Các công đoạn đóng xe lôi được ông hướng dẫn cụ thể: 

- Sau khi lấy cỡ bắt đầu đẽo lại các thẻ đứng.
- Những thẻ đứng sau khi được đo ni, cưa, phải lấy kích cỡ lại cho chính xác mới ráp vào sườn cong.
- Đóng đoạn sườn cong của thùng xe. Sở dĩ phải ráp nối các chi tiết là để tiết kiệm gỗ sao, vì loại gỗ này giờ khó tìm hơn xưa nhiều. Sườn cong phải được làm bằng gỗ sao, là loại gỗ có khả năng chịu nắng mưa chuyên dùng đóng bè nuôi cá; được tạo hình bằng những đoạn gỗ đã cưa rồi cắt gọt.
- Miếng lót chân được gọi là cái sàn nước, kiểu như cái sàn nước trên các xuồng ba lá giăng câu.
- Gối xe là bộ phận giảm chấn, giảm ma sát giữa nhíp xe và các bộ phận bằng gỗ của thùng xe.
Những chi tiết cơ bản của một chiếc thùng xe:
- Thùng xe được gắn vào “càng” là bộ phận dẫn động từ đầu xe và thùng xe.
- Nhíp xe là những thanh sắt có tác dụng giảm chấn, liên kết bánh sau với thùng xe.

Nguoi dong xe loi cuoi cung
 
Nguoi dong xe loi cuoi cung
 
Nguoi dong xe loi cuoi cung
 
Nguoi dong xe loi cuoi cung
 
Nguoi dong xe loi cuoi cung
 
Nguoi dong xe loi cuoi cung
 
Nguoi dong xe loi cuoi cung
 
Nguoi dong xe loi cuoi cung
 
Nguoi dong xe loi cuoi cung
 
Nguoi dong xe loi cuoi cung
 

Ảnh: Chung Phú Quí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI