Đài Loan là nơi đầu tiên ở châu Á công nhận hôn nhân cùng giới, thể hiện sự tôn trọng đa dạng tính dục; Scotland trở thành quốc gia đầu tiên trên toàn cầu đưa quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính... (LGBTIQ - lesbian, gay, bisexual, transgender, intersex or queer) vào giảng dạy chính thức trong nhà trường.
Bên cạnh đó, cộng đồng LGBTIQ không khỏi xót xa trước những hình phạt hà khắc như đánh đòn, bỏ tù (dù đã hoãn hình phạt ném đá đến chết) tại Brunei và nhiều nước khác.
Sự chối bỏ của xã hội
“Họ quên rằng mình là người, cũng biết đói, biết đau…” - Cát Thy (người chuyển giới nữ, diễn viên xiếc tự do) chua chát khi hồi tưởng lại quãng đời gian truân của mình. Chị xin đủ thứ việc nhưng đi đâu cũng chỉ nhận cái lắc đầu. Có chủ còn nói thẳng: “Em tới chỗ khác mà xin việc. Ở đây chỉ nhận người bình thường thôi!”.
|
Tiểu phẩm Sau bức màn nhung do Jessica dàn dựng tái hiện cuộc mưu sinh gian khó, nhọc nhằn và yêu thương, nương tựa nhau của những người chuyển giới nữ |
Buồn, mặc cảm rồi cơ duyên đưa đẩy chị đến với nghề hát, diễn xiếc. Đất sống của chị tất tần tật từ sân khấu nghệ thuật chính thống đến sàn diễn lô tô, đám cưới, đám ma.
“Diễn xiếc rất nặng, xiếc xong về mỏi hàm, có khi chẳng ăn cơm nổi. Nhưng đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ, gặp sự cố đạo cụ rơi trúng mặt sưng húp, phải nghỉ vài ngày. Nhiều khách còn quấy rối, kỳ thị, chê thậm tệ kiểu “đã pê-đê lại xiếc dở”, nghe có đau lòng không? Dù vậy, mình vẫn nhủ thầm luôn cố gắng.
Hy vọng công việc ổn định, sống được bằng lao động nghệ thuật của mình; hy vọng những người thuộc cộng đồng mình sẽ được đối xử như người bình thường” - Cát Thy chia sẻ với nụ cười hiền lành.
Trong một buổi giao lưu thân mật của phụ huynh cùng các bạn thuộc cộng đồng LGBTIQ tại TP.HCM đầu năm 2019, nhiều giọt nước mắt đồng cảm đã rơi xuống trước câu chuyện bị kỳ thị, xa lánh, sỉ nhục của các bạn lúc bị phát hiện hoặc tự công khai xu hướng tính dục của mình.
Thậm chí có người cha còn dàn cảnh cho “yêu râu xanh” tấn công tình dục con gái mình như một cách để điều trị cái mà ông gọi là “bệnh đồng tính”.
Đâu đó là giọt nước mắt hối hận của một người mẹ khi phát hiện bức thư tỏ tình của con trai với người bạn cùng dấu, đã nặng lời mắng mỏ con như “tội đồ” của dòng họ, và kiên quyết đoạn tuyệt, xua đuổi khiến con nhiều phen toan tự tử.
|
Ni Ni An (phải) và Cát Thy giao lưu trong chương trình tổng kết Dự án Chăm sóc sức khoẻ người chuyển giới nữ tại TP. HCM. |
Một giọng kể hài hước chen vào xóa tan không khí ảm đạm: “Chuyện nhà mình thì lại khác, cha mẹ không cấm đoán gì, khỏe lắm. Cha mẹ ghét bỏ nhau nhưng chưa ly hôn, mạnh ai nấy có bồ, thằng em mình thì “phá gia chi tử”. Gia đình mình tan nát.
Cha mẹ có quá nhiều mối bận tâm nên chẳng thèm để ý mình sống sao, cũng ít khi chạm mặt trò chuyện. Nhờ vậy mà mình không bị la mắng, đánh đập, bắt ép quay đầu như nhiều bạn trong cộng đồng.
Khi kể với đứa bạn chuyển giới nam về chuyện mẹ cha không thèm quan tâm ngó ngàng, bạn ấy trả lời tỉnh bơ: bạn thậm chí còn không có cha mẹ để mà… được quan tâm nữa!”.
Phía sau cộng đồng LGBTIQ, không phải là những định kiến thì cũng là một khoảng trống lạnh lùng. Diễm phúc cho số ít các bạn được gia đình thấu hiểu, nâng đỡ, bảo vệ và đồng hành trên con đường đòi quyền bình đẳng.
Thỏa khát khao mà vẫn an toàn, khỏe mạnh
Trong cộng đồng LGBTIQ, người chuyển giới nữ được cho là phải gánh chịu nhiều thử thách nhất về tâm lý, sức khỏe cũng như điều tiếng dư luận. Chính vì những sức ép hữu hình, vô hình, không ít người trong cộng đồng đã giấu kín khát vọng bản thân, thậm chí nhắm mắt đưa chân chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu theo sự sắp đặt của gia đình.
Điều đáng sợ nhất là có người còn kỳ thị chính mình, tự chối bỏ, không còn yêu thương bản thân, mất đi niềm tin và mục đích sống.
Theo Dự án chăm sóc sức khỏe người chuyển giới nữ tại TP.HCM năm 2018 của nhóm Trans Health Project Team với sự tài trợ của Đại sứ quán Mỹ, tỷ lệ trầm cảm và có ý định tự sát trong nhóm khảo sát khá cao, chiếm khoảng 1/2, số bạn thực sự từng có hành vi tự sát chiếm gần 1/3.
Khảo sát cũng đưa đến những kết luận các trường hợp có dùng hoóc-môn (cả trước và sau phẫu thuật) đều tự sử dụng hoóc-môn mà không có chỉ định của bác sĩ, tự tiêm hoóc-môn hoặc nhờ bạn trong giới tiêm giùm. Không ai có sự trợ giúp từ nhân viên y tế, hoàn toàn không biết nguồn gốc hay chất lượng của hoóc-môn mình đang dùng.
Không có trường hợp sử dụng hoóc-môn nào trong khảo sát có các thăm khám trước và trong quá trình sử dụng, hoàn toàn không biết về việc đo nồng độ hoóc-môn trong máu là cần thiết hoặc không biết phải làm xét nghiệm này ở đâu.
|
Cát Thy với tiết mục xiếc dùng hàm răng giữ thăng bằng mạo hiểm, cuốn hút.
|
Các bạn ý thức được sự nguy hiểm của việc bơm silicon vào cơ thể qua các kinh nghiệm chia sẻ lẫn nhau, nhưng vẫn sử dụng vì mong muốn thay đổi giới tính quá mãnh liệt, trong khi điều kiện kinh tế lại hạn chế.
“Nữ hoàng lô tô” Ni Ni An đã từng hoại tử ngực do biến chứng sau nhiều lần bơm silicon. Thấy ngực đỏ bầm, đau nhức, chị lấy kim chích, nặn máu bầm cho nhẹ bớt rồi hát tiếp. Không có ngực sao là con gái, không đẹp sao khán giả chuộng, và vì đã trót yêu nghề lô tô, diễn xiếc, múa lửa mà chị cố gắng giữ ngực dù nó không còn lành lặn.
Và khi sự cố đáng tiếc xảy ra, chị mong truyền thông nhắn gửi đến những ai muốn làm đẹp hãy đặt sự an toàn lên trên hết.
Là người công tác xã hội, Bội Nhi đã cân nhắc rất nhiều giữa ước mơ được biến thành một cô gái xinh đẹp với trách nhiệm còn phải gánh vác. Lỡ mình bị biến chứng hậu phẫu chuyển giới thì mẹ mình sẽ sống sao đây (mẹ chỉ có đứa con duy nhất là mình). Rồi những bạn trong cộng đồng, ai sẽ thay mình hỗ trợ, nâng đỡ, động viên họ?
Tùy hoàn cảnh, điều kiện tài chính, mình không thể ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, bỏ rơi nhiều người phía sau. Nghĩ đến cảnh đến bệnh viện khám bệnh thông thường, Bội Nhi nói riêng và cộng đồng nói chung đã ngại ngay từ lúc nhân viên y tế gọi tên với nhân dạng không khớp; nhiều bác sĩ, y tá không tận tình thăm khám, chăm sóc mà toàn bới móc, dè bỉu, chỉ trích.
Nhiều năm trước, khi có dịp tìm hiểu mảng y tế về can thiệp và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân thuộc cộng đồng LGBTIQ tại nhiều nước trên thế giới, thạc sĩ - bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng (Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM) dùng hai từ “bơ vơ” để nói về hành trình sống, theo đuổi ước mơ được là chính mình của cộng đồng LGBTIQ tại Việt Nam.
Nhóm còn e ngại khi tiếp cận các chuyên gia y tế, hoạt động co cụm và “tự điều trị”, thiếu thông tin về cơ sở y tế, nhiễu thông tin, lo ngại về chi phí điều trị, suy nghĩ chưa có cơ sở y tế phù hợp…
Bác sĩ mong thành lập phòng khám dành cho bệnh nhân của cộng đồng LGBTIQ đến tư vấn, khám với cơ sở vật chất hiện đại, kín đáo, riêng tư, nhân viên y tế thân thiện, chuyên nghiệp.
Và phòng khám ấy đã thành hiện thực tại lầu 6 khu Kỹ thuật cao Bệnh viện Bình Dân vào buổi chiều thứ Sáu với số điện thoại hẹn lịch khám: 028 6686 1267.
Đây được xem là một trong những nỗ lực của xã hội, của những ai tôn trọng tự do, tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cuộc sống muôn sắc màu hy vọng, góp phần tháo gỡ rào cản cho cộng đồng LGBTIQ từng ngày, từng ngày…
Tô Diệu Hiền