Người đồng giới kéo đến thị trấn vô danh để... kết hôn

01/09/2024 - 21:35

PNO - Một thị trấn nhỏ bé thuộc Tây Ban Nha bất ngờ trở nên nổi tiếng nhờ dịch vụ tổ chức đám cưới cho những cặp đôi LGBT từ khắp thế giới.

Một ngày cuối tuần đẹp trời đầu tháng Tám, ở Campillo de Ranas (thuộc tỉnh Guadalajara, miền trung Tây Ban Nha), trước tòa thị chính, có đám đông đang trò chuyện rôm rả bằng tiếng Anh, tiếng Ý, Ả-Rập, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Cảnh tượng này khá kỳ lạ nếu xét đến việc, đây là một ngôi làng trước kia luôn vắng vẻ, tổng dân số chỉ 60 người.

Nhóm người đa quốc tịch kể trên tụ tập để tham dự lễ cưới của một cặp đôi đồng giới, Diana Jiménez (34 tuổi, gốc Tây Ban Nha) và Regina Valenzano (30 tuổi, sinh ở Ý). Hai cô gái quen biết khi làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia. Gây bất ngờ là, trước vô số lựa chọn, họ lại quyết định chính thức kết hôn tại Campillo - ngôi làng xinh đẹp nhưng không mấy ai biết tới trong quá khứ. Nguyên do, xuất phát từ tấm lòng thiện chí cùng sự ủng hộ kiên định đối với cộng đồng LGBT của những người dân nơi đây.

Diana Jiménez (trái) và Regina Valenzano tại lễ cưới của họ ở làng Campillo. Đứng bên phải, đang ký giấy tờ hợp pháp hóa buổi lễ là người chủ trì - thị trưởng Francisco Maroto. (Ảnh: ELPAIS)
Diana Jiménez (trái) và Regina Valenzano tại lễ cưới của họ ở làng Campillo. Đứng bên phải, đang ký giấy tờ hợp pháp hóa buổi lễ là người chủ trì - thị trưởng Francisco Maroto - Ảnh: Elpais

Dịch vụ cưới cho các cặp đôi đặc biệt

“Tôi không thể đếm xuể số lượng đám cưới LGBT mình từng đứng ra chủ trì” - ông Francisco Maroto - Thị trưởng Campillo - chia sẻ.

Campillo tạo dựng danh tiếng quốc tế nhờ một kỷ lục vô cùng hiếm thấy: địa phương tổ chức nhiều đám cưới hơn cả tổng số dân đang sống trong khu vực.

Ngôi làng từng là một ví dụ tiêu biểu cho làn sóng di cư ồ ạt khỏi nông thôn vài thập niên trước, thứ tạo ra một Tây Ban Nha trống rỗng (thuật ngữ ám chỉ những chốn nông thôn hẻo lánh gần như không còn người sinh sống do "cơn sốt" đô thị hóa). Vì vậy, ở Campillo, tình yêu đại diện cho một ngành dịch vụ, đem đến cơ hội việc làm nhằm vực dậy kinh tế địa phương.

Mọi thứ bắt đầu từ một đổi mới mang tính bước ngoặt: hôn nhân đồng giới chính thức được hợp pháp hóa năm 2005 ở Tây Ban Nha. Từ đó, không ít chính khách, nhà hoạt động tôn giáo bảo thủ công khai phản đối cộng đồng LGBT thế nhưng Thị trưởng Maroto đã làm điều ngược lại.

Ông cho biết: "Khi một số thị trưởng ở nơi khác kiên quyết từ chối không chứng hôn cho người đồng giới, tôi đã nói với các đồng nghiệp này, "tôi sẽ công nhận quyền được kết hôn của mọi người, dù họ thuộc giới tính nào chăng nữa".

Hành vi ủng hộ của vị thị trưởng đã giúp Campillo gây dựng danh tiếng bất ngờ. Các cặp đôi LGBT từ nhiều quốc gia xuất hiện ngày càng đông đảo với mong muốn được làm lễ cưới tại đây. Con số 60 cư dân bám trụ ở ngôi làng nhỏ giờ tăng lên đến hơn 500 người vào cuối tuần - thời điểm thích hợp nhất để tổ chức những lễ cưới. Bầu không khí sôi nổi hơn, địa điểm kinh doanh (khách sạn, quán ăn...) trong làng cũng "mọc" lên, buôn bán phát đạt.

Vượt lên “rào cản” định kiến

Lợi ích không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế. "Thời điểm chúng tôi ăn mừng lễ cưới LGBT đầu tiên, năm 2005, toàn bộ người dân đều đến tòa thị chính để chứng kiến hôn lễ. Vì chúng tôi lo sợ cho cặp đôi trên lễ đường" - Thị trưởng Maroto hồi tưởng. Tây Ban Nha lúc bấy giờ mới là nước thứ ba tại châu Âu thông qua việc kết hôn đồng giới.

Kết quả một cuộc điều tra công bố hồi tháng 5/2024 của Liên minh châu Âu cho thấy, 53% người thuộc cộng đồng LGBT+ tại Tây Ban Nha đang chịu đựng nạn quấy rối, kỳ thị ở nhiều cấp độ khác nhau. (Ảnh: SUR)
Kết quả một cuộc điều tra công bố hồi tháng 5/2024 của Liên minh châu Âu cho thấy, 53% người thuộc cộng đồng LGBTQ+ tại Tây Ban Nha đang tiếp tục chịu đựng nạn quấy rối, kỳ thị ở nhiều cấp độ khác nhau - Ảnh: SUR

Thị trưởng Maroto tiết lộ, số đông các cặp bạn đời LGBT đến tìm gặp, nhờ ông giúp chủ trì lễ cưới đã “đợi chờ nhiều năm” để có thể chính thức thành đôi.

“May thay, hiện thời, những đám cưới đồng giới dần được tiếp nhận cởi mở hơn” - ông nhận định. “Người trẻ ngày nay có thể dũng cảm, thậm chí thoải mái hơn để công khai đồng tính. Nhưng 20 năm trước, đấy là vấn đề gần như bất khả thi, đặc biệt ở các vùng nông thôn tư tưởng lạc hậu”.

Năm 16 tuổi, ông Maroto từng bị tạm giam bởi cáo buộc “lang thang và có hành vi phạm pháp”, đơn giản vì ông công khai mình đồng tính.

Dẫu vậy, như ông đề cập, thời thế đã thay đổi. Giờ đây, bên trong hội trường khang trang và ấm cúng của tòa thị chính Campillo, một lá cờ cầu vồng được đặt chỉnh tề cạnh bức chân dung vua Felipe VI của Tây Ban Nha.

Sau khi lễ cưới rộn tiếng cười vui của Regina và Diana (thu hút 121 vị khách với 10 quốc tịch khác nhau) kết thúc, ông Maroto (60 tuổi) quay về căn nhà nhỏ yên tĩnh của ông. Sau mỗi lời chúc phúc cho từng cặp đôi LGBT, ông giữ lại một mối băn khoăn khó giải tỏa. “Ngôi làng này biết ơn họ cũng nhiều như cách họ đã tin tưởng tìm đến chúng tôi. Nhưng tôi vẫn mong làn sóng kỳ thị LGBT thật sự được cải thiện. Tư duy bảo thủ vẫn còn đó, vì chúng ta chưa giáo dục tốt thế hệ trẻ mở rộng góc nhìn về bình đẳng giới” - ông Maroto chia sẻ.

Như Ý (theo Elpais)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI