Người đi tìm “nhan sắc” của gốm

08/02/2017 - 06:30

PNO - Từ người phụ nữ bận bịu với nhiều việc, Thùy Mai trở thành người vợ quanh năm quấn quýt bên chồng, say sưa nói cùng một câu chuyện với anh - về gốm.

Dãy đồ gốm xếp dài trên kệ với những chai lọ, chén đĩa, tráp, đèn. Dáng hình quen thuộc của những món đồ gia dụng trong từng đường nét mộc mạc mà tinh xảo lại gợi đến sự trầm ấm nơi những phòng ăn, bàn trà, gian bếp của những gia đình quý tộc xưa.

Không có những thiết kế quái lạ, không nghiêng về một dấu ấn của riêng văn hóa Ðông hay Tây, giữa hàng gốm tân thời chỉ thấy phong cách riêng biệt mà thống nhất của người sáng tạo, cùng phong vị thủ công đã vơi đi gần hết giữa kỷ nguyên của hàng hóa công nghiệp.

Nhưng, hơi thở của những tạo hình dung dị, của những phá cách tinh tế ở miệng chén, thân chai đều như đang khiêm nhường im lặng. Chỉ có màu men “lên tiếng”. Nước men sáng bóng. Mỗi món hàng mang một “gương mặt” khác, một lộ trình màu sắc khác...

Nguoi di tim “nhan sac” cua gom
Tinh hoa của đất, của men

Yêu

Bước vào nghề gốm, mải miết đi tìm đến “trầy vi tróc vảy” cách làm men tối ưu, độc quyền, và kiên quyết làm gốm thủ công cho đến khi phát triển được thương hiệu gốm Đông Gia nổi tiếng thế giới, mọi câu chuyện cơ duyên ở người đàn bà này như đều được kể từ cái hồn nhiên và nhiệt thành.

Phan Thị Thùy Mai không sinh ra ở làng gốm, cũng không học mỹ thuật. Chị tốt nghiệp Đại học Ngoại thương TP.HCM, trở thành biên tập viên mảng sách văn hóa ngày ra trường, rồi thêm một bước vào nghệ thuật từ ngày hợp tác với một cô bạn người Nhật, mở phòng triển lãm tranh. Thuở hai mươi mấy đầy hăm hở, chị vừa làm sách, vừa tổ chức triển lãm tranh, giao lưu với nghệ sĩ. Thời gian đó, là kẻ ngoại đạo, Mai dần hòa vào đời sống mỹ thuật Sài Gòn, lặng lẽ đến tham quan mọi cuộc triển lãm tranh trong thành phố.

Một lần tình cờ ghé vào triển lãm tác phẩm gốm Raku ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, chị bị “níu” lại bởi những dòng chữ nhỏ, ghi chú ngắn cho từng tượng gốm. Tranh ký tên một họa sĩ người Pháp, ghi chú bằng tiếng Pháp. Lần đầu thấy cách làm ấy, lại mới học tiếng Pháp, chị Mai đứng lại dịch từng câu. Những chia sẻ ngắn viết bằng thứ ngôn ngữ xa lạ ấy khiến chị giật mình vì cảm giác thân thuộc. Chị vội lấy tấm danh thiếp, vài ngày sau, gọi điện cho François Jarlov - người họa sĩ ấy, bắt chuyện bằng việc... mời anh triển lãm tại phòng tranh của mình.

Sau cuộc “trò chuyện mỹ thuật” đầu tiên ấy, François quay về Pháp. Ngày François quay lại Việt Nam, phòng tranh của Mai đã đóng cửa do biến động trong cộng đồng họa sĩ - khách hàng người Mỹ sau sự kiện 11/9. Dự định hợp tác làm triển lãm bất thành, biết Mai có làm sách, anh chia sẻ rồi mời chị hợp tác thực hiện một cuốn sách về gốm Việt Nam.

Tâm huyết với văn hóa ở Jarlov hấp dẫn Mai, chị nhận lời. Rồi, bằng cách bước vào thế giới đầy nghiêm cẩn và thăng hoa của người nghệ sĩ Tây phương, chị lần đầu “dạm ngõ” thế giới của gốm. François viết nội dung, làm hình ảnh cho cuốn sách. Như bị hút vào thế giới ấy, khi cùng anh tỉ mẩn biên tập từng trang sách, Thùy Mai dần trở thành “tri âm”.

Hai năm sau ngày bắt đầu bầu bạn, trong một chuyến du lịch bụi ở khắp các cung đường dọc sông Mê Kông, nắm tay đỡ Thùy Mai leo lên đỉnh ngôi đền Phom Bakheng xem mặt trời lặn, Jarlov nhìn vào mắt cô bạn người Việt, tâm sự: “Đây là lần đầu tiên nắm tay Mai, nhưng tôi không muốn buông ra nữa”.

Mai yêu. Ngày cưới Jarlov, chị quyết định bỏ lại hết công việc dang dở ở Việt Nam, theo chồng sang Pháp, nơi miền quê yên tĩnh anh theo nghề đã hơn 30 năm, giúp chồng việc nhà, việc ở xưởng. Anh dạy cho vợ kiến thức căn bản, khó khăn của nghề. Chị lần đầu biết đến cảm giác tuyệt vời khi mở những lò nung, nhìn màu men mới như một bức tranh tạo nên từ sự hòa trộn của các khoáng chất. Tham gia cùng anh cho mọi cuộc triển lãm, du lịch qua các vùng miền nước Pháp, gặp gỡ nhiều nghệ nhân khác, giúp chị mở rộng tầm nhìn về đất nước của sáng tạo.

Chồng sáng tác, tìm những màu men mới, vợ ngắm nhìn, trò chuyện với thợ và phụ vài công đoạn kỹ thuật. Cuối tuần, chị theo anh đi dự các cuộc triển lãm. Những tuần không có lịch triển lãm, Jarlov lại đưa vợ đi thăm những làng quê đẹp như tranh, hoặc lê la khắp Paris ăn kem, uống cà phê, thưởng thức bánh ngọt, và... nghe cải lương suốt dọc đường đi.

Từ người phụ nữ bận bịu với nhiều việc, Thùy Mai trở thành người vợ quanh năm quấn quýt bên chồng, say sưa nói cùng một câu chuyện với anh - về gốm. Ở những triển lãm nghệ thuật gốm, Jarlov tham dự và phê bình như một chuyên gia, thì Thùy Mai tiếp chuyện chồng như một người thưởng thức đầy am hiểu.

Hòa mình vào đời sống của gốm ở xứ người, trong một lần trầm trồ về những sáng tạo đáng kinh ngạc trên thứ chất liệu lâu đời ấy, Thùy Mai chợt giật mình, quay sang hỏi chồng: “Tại sao gốm Việt không phát triển?”. Hiểu rõ lịch sử làm gốm của Việt Nam, nhưng Jarlov hiểu, câu trả lời Thùy Mai cần không chỉ có kiến thức. Bởi, đó không chỉ là câu hỏi. Đó là một “lời mời” dấn thân.

Tìm và lan tỏa

Thùy Mai trở về Việt Nam. Quê hương của nhiều làng nghề gốm Việt lâu đời giờ chỉ còn làm gốm theo đơn đặt hàng. Nhiều xưởng gốm làm nghề lừng lẫy một thời đã đóng cửa. Đồ gốm Việt ngày càng đơn điệu, thiếu sức sống vì mất thị trường. Với các nguồn đất làm gốm, người dân khai thác để làm gạch, hoặc bán rẻ tài nguyên bằng cách xuất khẩu đất thô. Giá nguyên liệu đắt, lại không có điều kiện thử nghiệm, làm mới mẫu men để đáp ứng thị trường ngày càng khó tính; thợ gốm dần bỏ nghề. Người còn theo nghề phần lớn chỉ làm gia công, không làm thương hiệu.

Nguoi di tim “nhan sac” cua gom
Vợ chồng chị Thùy Mai và con gái

Thùy Mai quyết tâm gầy nên một thương hiệu gốm thủ công từ đất và đôi tay khéo léo của nghệ nhân Việt. Nhưng, để làm “một điều thật khác”, chị như phải lội ngược dòng, làm lại từ đầu cái nghề tưởng đã bao đời kinh nghiệm ở nước mình.

Chọn quê mẹ ở Gò Công Tây, Tiền Giang làm xưởng gốm trong tương lai, chị bắt đầu tìm kiếm nguyên liệu, “tập kết” hết về đó để thử nghiệm. Chị xuôi xuống những miệt làm gốm của Tiền Giang, rồi lên Bình Dương, vào từng nhà buôn, trò chuyện để mua đúng nguyên liệu theo tiêu chí của chồng. Trong khi người làm nghề ở Việt Nam đều dùng chung loại men pha sẵn để nung, thì Thùy Mai lại xác quyết rằng phải tự tìm cho mình công thức làm men riêng.

Nhưng, cầm bảng kê nguyên liệu ghi bằng tên hóa học được phân tích ra đến thành phần nguyên tử, đến các cửa hàng bán nguyên liệu, chị Mai lạc lõng giữa những tên gọi được “phiên âm loạn xạ”, và không hề có thông tin gì về thành phần hóa học của từng món. Gọi nguyên liệu bằng tên hóa học, người bán hoặc lắc đầu “không có”, hoặc luống cuống mang hú họa một loại “có vẻ hợp với cái tên ấy” ra.

Có khi chị mang “bột sương” về đến nhà, Jarlov thử nghiệm mới tá hỏa ra đó là... thạch cao. Không tìm đủ các thành phần để tự pha men, chị quyết định dùng thử men ướt làm sẵn của Trung Quốc để phân tích, rồi... phát hoảng khi thấy người quê mình đong men bằng thúng, trong khi các đồng nghiệp ngoại quốc phải cân đo bằng cân điện tử, tỉ mẩn phân biệt đến từng gam.

Không thể kiểm soát được màu khi dùng men pha sẵn, gốm thủ công trong tiêu chí của Thùy Mai lại yêu cầu một hiệu quả màu sắc tối đa khi kết hợp giữa chất men và nhiệt độ; chị lại lên đường đi Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, gom góp ở mỗi nơi một ít nguyên liệu. Chị phải nghĩ mọi cách để diễn tả, mua lấy từng loại nguyên liệu với thông tin rõ ràng nhất có thể từ đầu mối.

Về nhà, chị cùng chồng thử nghiệm liên tục, rồi ghi chép. Món nào dùng được thì giữ lại, món nào không đạt chuẩn hoặc không phân tích được hàm lượng, thì bỏ đi. Những món không thể tìm thấy ở Việt Nam, chị đặt mua từ những nhà cung cấp chuyên nghiệp ở nước ngoài.

Giai đoạn làm men trở thành một cuộc chơi quen thuộc mà cũng đầy phiêu lưu với François Jarlov. Quyết làm men hỏa biến - loại men không dùng màu công nghiệp, màu sắc của nước men thành phẩm là kết quả của sự tương tác giữa nhiệt độ, ôxít sắt, titan; anh cùng vợ “chuẩn hóa” mọi dụng cụ làm gốm. Lò luyện men người Việt hay dùng không phù hợp để làm men hỏa biến, Jarlov tự xây lò. Anh mang về từ nước ngoài loại gạch trắng, xốp, nhẹ, chịu nhiệt tốt, cùng tấm kê đồ gốm trong lò nung; hoàn thiện một lò nung sáu khối.

Với từng món hàng sành hoặc sứ, thợ gốm phải lau sạch bụi, nhúng vào làn men đã pha sẵn, rồi xếp vào lò, nung 1.300 độ. Trong lò khi ấy là cuộc chơi của lửa. Ở nhiệt độ này, mỗi món hàng sẽ lần nữa mềm nhũn ra. Đất bắt đầu... thở, xoắn chặt lại với nhau, đẩy hết bọt khí ra ngoài, tạo thành những lỗ nhỏ trên bề mặt. Nước men không được thêm màu sẵn, chỉ có những hàm lượng được gia giảm trong nguyên liệu, khi ấy, tùy vào vị trí, thiết diện tiếp xúc, những góc sáng/khuất tinh vi, được luyện thành những sắc thái khác nhau của một mẫu thiết kế.

Hai năm tìm tòi, đến 2008 họ cho ra thị trường dòng gốm Việt khác lạ. Vào Google tìm kiếm, sẽ thấy đi kèm với khái niệm “men hỏa biến” là tên của đôi vợ chồng François - Thùy Mai. Hơn tám năm ra mắt thị trường gốm thế giới, để Jarlov “luôn được là anh” - một nghệ sĩ thuộc về phòng tranh và những hình hài mới của men trong xưởng luyện men hỏa biến; Thùy Mai tự mình đăng ký, đi dự triển lãm ở cả trong và ngoài nước, mang gốm Đông Gia bước vào không gian của những tên tuổi đã có thương hiệu trong làng gốm quốc tế. Từ ấn tượng thẩm mỹ, giới chuyên gia và cả khách hàng dần bị hút về phía hàng gốm của chị.

Người phụ nữ 38 tuổi - giám đốc điều hành thương hiệu gốm lừng danh với xưởng gốm ở Bát Tràng, các showroom ở TP.HCM có nhiều đối tác lớn trên thế giới - vẫn hăm hở kể về cuộc “tìm đường” đang còn tiếp diễn, như kể chuyện phiêu lưu. Ở đó, gốm vẫn là gốm, men vẫn là men, nghệ sĩ luôn là nghệ sĩ. Còn chị, là người tình, đã đem lòng yêu hết thảy, mà tha thiết được phát lộ, rồi lan đi...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI