Tôi có đứa cháu gái khá xinh đẹp. Hôm rồi, khi vụ “anh em họ” “nương tựa lẫn nhau” đang tưng bừng cõi mạng, chị họ tôi, mẹ của cô bé ấy đã bâng quơ rằng: "Con gái bây giờ, chỉ cần nhan sắc thôi đã là một tài sản lớn rồi".
|
Sợ lắm cái suy nghĩ "nuôi con xinh đẹp rồi gả bán" - Ảnh minh họa |
Với suy nghĩ ấy, chả trách bấy lâu chị đầu tư cho con gái chẳng tiếc gì. Từ nhỏ cô bé đã được nâng niu chiều chuộng hơn hẳn anh trai. Hầu như tôi chưa từng thấy cháu làm việc nhà, lý do vì sợ hư tay, hư da, hư người. Cháu cũng quần là áo lượt, son phấn từ rất sớm. Đương nhiên chuyện học hành phấn đấu cũng tỷ lệ ngược với cái vẻ bề ngoài được chăm chút đó.
Chị họ tôi rất coi trọng “của để dành”, đưa đón con gái cẩn thận. Có lần chị vui vẻ bộc bạch: "Mình cưng mình quý là để sau này gả cho nhà quyền quý, chứ lỡ nó bồ bịch linh tinh, chẳng phải phí đời à!".
Tiếc thay, chị tính không bằng… con gái rượu tính! Sẵn học hành chểnh mảng, bề ngoài “hút giai”, cô bé sớm cặp kè, lén lút hẹn hò. Chị từng phát điên khi bắt gặp cả que thử thai trong cặp của con! Khỏi phải nói, hai mẹ con ầm ĩ nhà cửa lên. Chị họ tôi gầm gừ: "Mẹ nuôi mày khôn lớn đẹp đẽ, để mày yêu đương với mấy thằng ất ơ nghèo kiết xác thế à?".
Tôi tin rằng, đấy chẳng phải suy nghĩ cá biệt của chị họ tôi, một người phụ nữ vốn luôn giữ ảo tưởng: Chỉ cần gặp được người đàn ông chịu chi, là con gái chị một bước đổi đời, cần gì phải học hành, nỗ lực, làm lụng cho cực thân cơ chứ!
Xã hội phân hóa giàu nghèo, nhiều người ôm giấc mơ gặp được “bạch mã hoàng tử”, rồi sống sung sướng vênh vao mà chẳng muốn lao động vất vả. Cũng như chị tôi, cổ súy và nuôi dưỡng cái sự ham hưởng thụ, thích tiêu xài của con, mà không hề nghĩ xem, tương lai phải làm sao để có tiền đáp ứng các nhu cầu vật chất cực kỳ đua đòi phù phiếm của con mình.
Có lần, chúng tôi nói chuyện bâng quơ, và tôi chia sẻ cùng chị họ quan điểm rằng, thật ra đàn ông giàu họ khôn lắm! Đầu họ toàn sạn, chứ không phải thỏ trắng ngây thơ gì mà dễ dụ. Nhân gian được mấy cô gái moi nổi tiền của nam giới kia chứ. Mà có được chu cấp, bảo bọc này kia, thì cái giá cũng rất đắt đỏ. Thanh xuân, sắc đẹp, tuổi trẻ, danh dự… những thứ ấy đương nhiên mất đi rồi. Còn có nỗi tủi nhục, ê chề, bao nhiêu uất ức hờn giận âm thầm, mà chỉ người trong cuộc tự nếm trải mới thấu.
Khóc trong xe hơi xịn chưa bao giờ là cảm giác dễ chịu đâu. Đừng nhìn vào những bề nổi hào nhoáng của một số cực kỳ ít các cô gái được “bao nuôi” mà cho rằng, chỉ cần gặp được "chồng ngon" là có thể một bước lên bà.
Chưa kể cảnh bị đánh ghen, lộ chuyện riêng tư, trở thành miếng mồi ngon cho thiên hạ xì xầm bàn tán cười cợt… Những cảnh ấy, chị đã bao giờ hình dung ra, con gái mĩ miều của mình sẽ đóng vai chính chưa? Hay chỉ nghĩ đơn giản: ừ thì mong nó được sung sướng khi có bồ hoặc chồng tỉ phú, rồi mình dựa hơi nhờ cậy?
Lại nhớ có lần, tôi nghe đồng nghiệp trẻ bàn tán về giá của “gái ngành” mới bị công an phanh phui. Ôi, một lần “đi khách” của họ có khi hơn cả năm thu nhập của chúng mình. Sao đời bất công thế cơ chứ! Rồi có chị mạnh miệng đùa, nếu được giá như thế, thì mình cũng… muốn bán, chứ lấy chồng nhờ cậy được chi, mà cực khổ quá trời!
Biết rằng chỉ là cảm xúc bồng bột nhất thời, nhưng những hào nhoáng mà truyền thông “sô” ra cũng khiến cho không ít bộ phận chị em muốn nhanh chóng “cải thiện” thu nhập bằng “vốn tự có”. Thêm vài bộ phim ngôn tình ám ảnh, thế là manh nha ý định tút tát lại nhan sắc, cắt - sửa - bơm - độn để chờ… thời tới. Câu kết của một ai đấy đúng là chân lý: Không hề đơn giản hoặc dễ giàu sang vậy đâu, các chị em mình à!
|
Chi bằng tự mình làm mình ăn, thế có phải cuộc đời ung dung, hạnh phúc hơn dựa dẫm hay không? - Ảnh minh họa |
"Cơm của đàn ông, quỳ mà ăn" câu ấy tôi thấy chưa bao giờ là sai. Đâu hẳn đương nhiên mọi người đẹp đều có số hưởng? “Bòn” được chai nước hoa, cái giỏ xách, dăm ba món đồ vớ vẩn đã khó, đừng tham chi tới nhà tới xe tới đất tới vườn!
Những điều thường thấy trên phim trên ảnh, trong những vụ kiều nữ đổi đời xôm tụ trên mạng xã hội ấy, ngoài đời thật hiếm hoi lắm. Thực tế cay đắng hơn ngàn vạn lần kìa! Tàn một cuộc tình hờ, còn lại là nỗi ê chề, tai tiếng, là tương lai nhiều khi chẳng sót lại điều gì tốt lành. Chi bằng, ta tự tay làm ra, có thể ít, có thể nhiều, nhưng niềm vui và cái sự tự tin thì rất thật, rất đáng sống.
Cơm của bản thân, ngồi mà ăn, đấy mới là hương vị thật của đời mình.
An Nhiên