Người đẹp 'hạt nhân' và niềm cảm hứng từ lựa chọn 'ngược dòng'

17/05/2017 - 06:39

PNO - Vượt qua 50 biểu tượng sắc đẹp của toàn nước Mỹ, nhà khoa học năng lượng hạt nhân Kara McCullough (26 tuổi) đã nhận được danh hiệu cao nhất trong cuộc đua nhan sắc và trí tuệ.

Kara McCullough trở thành ứng viên đại diện cho Mỹ tại vòng chung kết Hoa hậu Hoàn vũ. Một lần nữa, niềm cảm hứng về vẻ đẹp vượt thoát những chuẩn mực cũ kỹ lại lên ngôi.

Nguoi dep 'hat nhan' va niem cam hung tu  lua chon 'nguoc dong'
Tân Hoa hậu Mỹ Kara McCullough tại nơi làm việc ở Bộ Năng lượng Mỹ - Ảnh: Stuff

Chiến thắng của Kara thật sự là hiện tượng, không chỉ ở nước Mỹ mà còn làm nóng lên các dòng thông tin khắp thế giới. Sở hữu nhan sắc nổi bật với chiều cao 1m78, cô gái trẻ có thành tích học tập xuất sắc, đang làm việc tại Bộ Năng lượng Mỹ đã chinh phục được ban giám khảo, chứng tỏ bản lĩnh của một trí thức trẻ có lý tưởng sống đẹp.

Một trong hai câu hỏi tạo “đất” cho Kara thể hiện là: “Bạn nghĩ gì về nữ quyền” và “Bạn có coi bản thân mình là một người hoạt động vì nữ quyền không?”.

Kara trả lời một cách thuyết phục bằng chính trải nghiệm bản thân: “Là một nhà khoa học nữ trong chính phủ, tôi muốn thay đổi từ “nữ quyền” thành “chủ nghĩa bình đẳng”.

Tôi không quan tâm lắm đến việc phải tỏ ra mạnh mẽ. Tôi cần những điều thiết thực như phụ nữ có bình đẳng với nam giới ở công sở hay không. Trong môi trường khoa học, tôi chứng kiến rất nhiều thế hệ nhà khoa học nữ không ngừng nỗ lực tạo nên sự đột phá và đóng vai trò dẫn dắt”.

Vương miện thuộc về Kara là cái kết được nhiều người đồng tình và giúp mọi người tin tưởng hơn rằng các ngành khoa học như công nghệ, kỹ thuật, toán học (gọi chung là STEM) không phải là công việc đặc thù giới, mà dành cho bất cứ ai có đủ tình yêu và niềm đam mê.  

Nguoi dep 'hat nhan' va niem cam hung tu  lua chon 'nguoc dong'
Kara McCullough đăng quang ngôi Hoa hậu Mỹ. Ảnh: Fox News

Mới đây, cô bé nữ sinh lớp 8 Eleanor Sigrest đến từ bang Virginia đã gây ấn tượng mạnh cho hội đồng khoa học khi vượt qua hơn 2.300 học sinh khác để giành giải thưởng cao nhất trị giá 25.000 USD của cuộc thi quy mô toàn quốc Broadcom MASTERS về một lĩnh vực cũng thuộc khối STEM - một nghiên cứu về hệ thống tên lửa.

Đề tài của cô bé là tìm kiếm thành phần nhằm tạo sự ổn định khi tên lửa tiếp đất. Eleanor Sigrest say mê thí nghiệm đến mức năn nỉ mẹ cho thực hành ngay cả trên bàn ăn với những vụ nổ mô phỏng.

13 tuổi, cô bé mơ ước sẽ là một trong những nhà khoa học đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa. Đó không phải là mơ ước viển vông mà là khao khát cháy bỏng của một cô gái yêu khoa học, ấp ủ những điều lớn lao vượt khỏi mọi khuôn mẫu của sự phân biệt giới tính trong ngành nghề.

 Khuyến khích nữ giới tỏa sáng trong khối ngành STEM đang trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia muốn tạo nên một thế hệ bình đẳng về nội lực. Tổ chức Khoa học và công nghệ Australia (STA) với 60.000 thành viên là các nhà khoa học đang khởi động chương trình “Superstars of STEM”.

Mục tiêu giai đoạn đầu của chương trình là tìm kiếm 30 nhà khoa học nữ xuất sắc và xây dựng họ thành hình tượng mẫu, tạo cảm hứng cho các nữ sinh mạnh dạn lựa chọn ngành nghề mình yêu thích.

Ý tưởng của “Superstars of STEM” xuất phát từ thực tế một đứa trẻ thường lớn lên với mặc định hình tượng các nhà khoa học nổi tiếng đều là nam giới. Hiếm hoi lắm mới có một nhà khoa học nữ Australia được vinh danh thành hình tượng như nhà toán học Nalini Joshi, nhà nghiên cứu sinh học phân tử Suzanne Cory hay phi hành gia Karlie Noon. 

Ở Australia, 60% giảng viên các môn khoa học là nữ nhưng tỷ lệ các nhà nghiên cứu chuyên sâu mảng khoa học, công nghệ chỉ có 16 người. Nhà khoa học Kylie Walker, Giám đốc điều hành tổ chức STA cũng chính là đại sứ của chương trình “Superstars of STEM” chia sẻ, mong ước của chương trình là sự “thay áo” cho một hệ thống tư duy và quan điểm.

Chương trình hy vọng nhìn thấy mỗi bé gái Australia khi bật ti vi, đọc báo hay lướt web đều dễ dàng tiếp cận được hình ảnh của những nhà khoa học nữ và xem đó là chuyện bình thường. Quan trọng hơn, các em sẽ nghĩ đó công việc mình hoàn toàn có thể theo đuổi nếu mình đủ yêu thích.  

Hiệu trưởng Harvard Drew Gilpin Faust (đã có chuyến thăm Việt Nam tháng Ba vừa qua) sinh ra trong môi trường có cái nhìn bảo thủ với nữ giới, nên từng bị truyền thông gọi là “cô gái bất trị” vì bà có niềm tin mãnh liệt vào việc chứng minh mình có quyền và đúng khi nói và làm những gì được gọi là “việc của đàn ông”.

Bà Drew Gilpin Faust vốn rất quan tâm và thường có ý kiến về nhiều vấn đề chính trị, xã hội, giáo dục khiến bố mẹ phải đau đầu. Một lần, mẹ bà nói: “Con phải biết đây là thế giới của đàn ông. Phải nhớ điều đó để đời con dễ chịu hơn”.

Drew Gilpin Faust quyết tâm dành cả cuộc đời để chứng minh câu nói của mẹ là không đúng. Khi trở thành Hiệu trưởng ĐH Harvard, ngôi trường hàng đầu thế giới về hệ thống hàn lâm và chuyên sâu, bà đã thức tỉnh nhiều người khi khẳng định: “Tôi không phải là nữ Hiệu trưởng ĐH Harvard. Tôi là Hiệu trưởng ĐH Harvard”. 

Sự ghi nhận vẻ đẹp trí tuệ và vai trò của phụ nữ trong những ngành nghề vốn là đặc quyền của nam giới đang ngày càng tạo ra niềm cảm hứng mạnh mẽ về giá trị thực chất của khái niệm bình đẳng. Đó là những điều khác thường sẽ trở thành điều bình thường khi mọi lựa chọn được tôn trọng và đánh giá đúng. 

Thiên Như (Theo Fox, Conversation, Huffington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI