Nghe tiếng xe của bác sĩ Quách Thanh Khánh - Trưởng khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu TPHCM vừa đến trước cửa nhà, bà N.T.M. (74 tuổi, ở Gò Vấp, TPHCM) vội vàng gọi con cháu ra đón.
Tết lại về với gia đình
Ung thư ở giai đoạn cuối, nhưng làn da bà M. vẫn trắng hồng mịn màng. Bàn tay được chăm chút với những chiếc móng sơn hồng, mái tóc trắng như bông cùng nụ cười luôn thường trực, bà M. đẹp lão và yêu đời lắm; ai đến thăm đều cảm nhận ở bà sự tinh tế, quý phái.
So với trước đây, bà nhanh nhẹn, vui vẻ hơn, luôn bắt chuyện với mọi người. “Xem thường” căn bệnh ung thư, giờ đây chính bà và người thân lại khiến bệnh tật “nhụt chí” bởi bà đi xa hơn quãng đường dự đoán.
Và cũng bởi mấy tháng qua, bà M. có thêm một "đứa cháu" là bác sĩ Khánh - người giúp bà bỏ quên căn bệnh ung thư bàng quang, khiến cho mùa xuân Canh Tý này trở nên ý nghĩa hơn với gia đình.
|
Người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối thường bi quan và sợ hãi, việc chăm sóc tại nhà giúp bệnh nhân yên tâm hơn. |
Thấy bác sĩ Khánh, bà M. khoe ngay: “Bác Khánh đến rồi à! Lúc nãy tôi mệt lắm, nhưng vừa gặp bác sĩ đã hết đau rồi. Tôi xem bác như người nhà, vài ngày không gặp là nhớ rồi. Thấy bác Khánh là hết bệnh ngay, khỏe rồi này.
Mấy hôm nay tôi ngủ được lắm, thức dậy là thèm ăn, nhưng tôi phải… giữ dáng cho đẹp. Tôi khỏe lắm bác Khánh à, tôi có thể ra ngoài xem tivi, ăn cùng con cháu, mỗi bữa ăn được hơn 1 chén rồi, nhưng không tiêu. Bác Khánh cho tôi vài viên thuốc tiêu nha…”.
“Dạ, bác sĩ xin phép đo huyết áp cho bà nhé”; “Hôm nay bà sơn móng tay đẹp quá, bà thời trang ghê. Bà có hay bị nhức đầu không? Có tập thể dục như bác sĩ hướng dẫn không?”; “Bà phải ngủ sớm nữa nha”; “À, hôm nay bà không dùng thuốc nữa nghen. Bà giỏi quá, hết bệnh vặt rồi”,…
Cứ thế, bác sĩ Khánh và bà M. như họ hàng xa gặp lại, một câu khen, một câu nhắc nhở bà nghỉ ngơi, khiến mọi người xung quanh cũng bị cuốn theo câu chuyện.
Được khen, bà M. vừa ngại vừa vui: “Bà đẹp mà. Bà lúc nào cũng thích đẹp”. Con cháu của bà M. cũng cười vui, khoe với bác sĩ rằng bà đã chịu ra ngoài chơi, chăm tập thể dục và lại thích trồng hoa, cắm hoa.
Con trai bà M. kể, bà mắc ung thư bàng quang hơn 10 năm nay. Những lần vào ra bệnh viện, những đợt hóa trị, phẫu thuật, tái khám đã vắt kiệt tinh thần, sức lực của bà và những người thân trong gia đình.
Con cháu xót xa cho bà, không dám đối diện sự thật, chỉ biết nhìn nhau ái ngại, ôm nỗi đau trong lòng. Bữa cơm gia đình trầm lắng hơn, mỗi người một nỗi niềm, phát điên vì cảm thấy bất lực, vô vọng trước căn bệnh của mẹ mình.
|
Theo lịch hẹn, bác sĩ đến tận nhà khám và giải thích cặn kẽ những vấn đề của người bệnh cho bà M. và người thân trong nhà. |
Anh nhớ lại: “Mẹ tôi từ trước đến nay luôn thương yêu, chăm lo cho gia đình, nên khi bà đổ bệnh, con cháu, dâu rể đều hết lòng với mẹ. Tùy theo công việc của mỗi người, chúng tôi thay nhau vào bệnh viện chăm sóc, lấy thuốc, đưa bà đi khám. Tất cả đều cố gắng chu toàn với bà, nhưng không ai có thể thay bà chịu đựng đau đớn, mệt mỏi. Không biết mẹ đang đối diện điều gì, muốn hỏi nhưng con cháu lại sợ mẹ buồn; mẹ thì lại sợ con cháu không vui.
Vậy là chúng tôi ngậm ngùi nhìn nhau, thương lắm mà không thể nói càng khiến mọi người thêm áp lực, căng thẳng như một quả bom nổ chậm. Hơn 10 năm nay, cả nhà không có niềm vui nào trọn vẹn”.
Làm nghề tự do nên chị Quỳnh Hương (38 tuổi, con dâu bà M.) thường xuyên bên cạnh mẹ chồng khi ở bệnh viện lẫn về nhà. Chị nói khỏe mạnh như mình, bước vào Bệnh viện Ung bướu TPHCM cũng cảm thấy rất sợ khi chứng kiến nhiều người mới mổ xong; có người teo tóp vì hóa trị, xạ trị; có người nằm lịm vì đau đớn, không thiết sống nhưng lại sợ phải chết,…
Gia đình chị xót xa khi thấy mẹ mất dần sinh lực, niềm vui sống tắt dần bởi lo lắng, đớn đau.
Năm vừa rồi, bà M. không còn đáp ứng điều trị, cả người sưng phù nhưng vẫn cắn chặt môi để chịu đựng vì sợ con cháu buồn; nhưng trong cơn hôn mê, bà rên đau khiến ai cũng thắt lòng.
Hoa Xuân nở bên nụ cười của mẹ
Cuối cùng, bà M. từ bỏ, không muốn tiếp tục, không hợp tác điều trị.
“Lúc đó bà đau quá, cả người sưng hết lên, tím bầm, ăn không được, ngủ không được, thấy con cháu đi nuôi khổ quá rồi. Bà muốn về nhà, ở bệnh viện không sống được, bà về với con cháu, gặp được mọi người… rồi đi” - bà M. nhớ lại.
Đáp ứng nguyện vọng của bà, người nhà tìm gặp bác sĩ xin cho bà về. Thăm khám tình trạng sức khỏe của bà M., bác sĩ tư vấn cho bà được chăm sóc giảm nhẹ. Tức là bà không sử dụng thuốc điều trị ung thư nữa, cũng không bị phẫu thuật mà được về nhà, bác sĩ sẽ đến tận nhà thăm khám cho bà. Bà và người nhà cũng có thể điện thoại cho bác sĩ bất kỳ lúc nào khi thấy lo lắng hay bệnh trở nặng, điều này khiến mọi người yên tâm hơn.
|
Sau khi khám xong cho bà M., bác sĩ Khánh cùng đồng nghiệp đi thăm bệnh nhân tiếp theo, tiếp thêm sức mạnh cho người bệnh và thân nhân của họ. |
Bác sĩ Khánh giải thích về bệnh của bà M. cho tất cả người thân trong gia đình, ở mỗi giai đoạn sẽ chăm sóc ra sao, thời gian còn lại của bà được khoảng bao lâu, phải làm gì khi bên cạnh bà,… Nhờ đó, nút thắt sợ hãi của từng người trong nhà bà M. được bác sĩ Khánh tháo gỡ.
Hóa ra ung thư thời kỳ cuối không có gì đáng sợ, có chăng là mọi người đã… sợ dùm người thân của mình. Thật vậy, bà M. sợ con cháu buồn nên không nói ra, con cháu sợ mẹ buồn nên thường im lặng. Bác sĩ không chỉ điều trị cho bà M. mà còn điều trị tâm lý cho các thành viên trong gia đình.
“Điều quan trọng trong chăm sóc người thân mắc bệnh nan y là hãy nói cho gia đình biết thời gian còn lại của người bệnh. Trong thời gian này, ngoài giảm đau do bệnh tật gây ra, bác sĩ có trách nhiệm xoa dịu nỗi đau về tinh thần của cả người bệnh và gia đình họ. Nếu mọi người hiểu được giá trị của thời gian, họ sẽ biết cách trân trọng, yêu thương và mỗi ngày trôi qua đều vui vẻ” - bác sĩ Khánh chia sẻ.
Để mỗi gia đình bệnh nhân được đón thêm một mùa xuân, bác sĩ Khánh cùng các y, bác sĩ của khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã kiên trì một thời gian dài, tình nguyện đi xe máy đến từng nhà bệnh nhân, thuyết phục người nhà nói ra tâm sự của mình. Từ đó, người bệnh có thể thoải mái tận dụng những ngày cuối đời để thực hiện tâm nguyện của mình, người thân của họ cũng bớt tiếc nuối, đau lòng khi tiễn đưa.
Cầm chặt tay bác sĩ Khánh, bà M. kể lại nỗi ám ảnh khiến mình muốn từ bỏ: “Điều trị, nằm viện nhiều năm, tôi cũng quen với đau đớn rồi, nhưng sợ nhất là khi thấy “hàng xóm” bên cạnh lần lượt “bỏ đi” mà không biết ngày nào đến lượt mình. Thêm nữa là tiếng máy móc, tiếng xe cấp cứu vào ra bệnh viện, tiếng bước chân bác sĩ... khiến tôi sợ vô cùng.
Có rất nhiều điều tôi chưa dặn dò con cháu được, chưa gặp được hết tụi nhỏ nhưng mỗi lần định nói lại nghẹn ngào. Các con còn công việc, nghỉ ngơi, sao lại làm phiền chúng được. Tôi không biết phải làm thế nào, vừa lo lắng cho các con, vừa sợ hãi không biết ngày mai mình có còn thức dậy.
Nhưng giờ thì không phải lo, tôi biết bệnh của mình như thế nào, những điều cần làm đã làm được, còn lại cứ vui thôi, khi nào ông bà gọi thì đi”.
Mắt đỏ hoe, con trai bà M. chia sẻ: “Đó là giai đoạn khủng khiếp nhưng đã qua rồi, mẹ đã cười trở lại, Chúng tôi quá may mắn khi được ở bên mẹ, thực hiện hết hoài bão của bà. Giờ trong nhà không còn người bệnh, chỉ có mùa xuân nở hoa bên nụ cười của mẹ mà thôi”.
Chia tay gia đình bà M., bác sĩ Khánh mỉm cười cùng đồng nghiệp tiếp tục đến thăm nhà khác để nơi ấy, mọi đau khổ, bệnh tật được đẩy lùi nhường chỗ cho niềm vui nhỏ bé còn lại; để bệnh nhân của anh được sống trọn từng ngày bên người thân, rồi mỉm cười nhẹ tênh bước lên chuyến xe cuối cùng của cuộc đời.
Nơi anh đến không còn tiếng khóc, chỉ có những bông hoa thơm thảo tình người.
Phạm An