Kim Jong Un và Donald Trump là những ngôi sao thu hút và đầy bất ngờ của câu chuyện hạt nhân Triều Tiên. Tuần trước, Tổng thống Trump gây xôn xao dư luận khi tuyên bố chấp nhận đề nghị họp hội nghị thượng đỉnh của Chủ tịch Kim.
Thế nhưng, diễn biến phức tạp khiến thế giới dễ dàng lãng quên một nhân vật không kém quan trọng khác, mà thực tế lại nắm vai trò chủ động điều khiển tình hình: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Trong suốt tám tháng vừa qua, ông Moon đã nỗ lực hành động để đưa các bên tới dấu mốc hiện tại.
|
Trong suốt tám tháng vừa qua, Tổng thống Moon Jae In đã nỗ lực hành động để đưa các bên tới dấu mốc hiện tại. |
Không mấy ai có thể hiểu rõ tầm quan trọng của ông Moon đối với sự kiện. Không lâu sau cuộc bầu cử năm ngoái, khi Moon tuyên bố ý định đưa Seoul vào vị trí "ghế lái của Bán đảo Triều Tiên", tiếng cười nhạo bắt đầu lan rộng trên toàn cầu.
Ý tưởng rằng Hàn Quốc, mà không phải Hoa Kỳ hay Trung Quốc, giải quyết vấn đề hạt nhân nghiêm trọng của Triều Tiên dường như thật vô lý. Không chỉ bị Mỹ hoài nghi, đối thủ chính trị trong nước mỉa mai, ông Moon còn bị Đảng Nhân dân đối lập nói ông “thậm chí không có chỗ ở ghế trước”.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tiến hành chiến tranh thương mại cấp thấp chống lại Hàn Quốc, yêu cầu Seoul dỡ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa do Hoa Kỳ triển khai một phần ở miền Nam để bảo vệ lực lượng Hoa Kỳ đóng quân tại đó. Bài diễn văn Berlin của ông Moon tóm lược cách tiếp cận cơ bản của nhà lãnh đạo Hàn Quốc với Triều Tiên lại không nhận được nhiều chú ý từ quốc tế.
|
Bước đầu, ông Moon phải trả cái giá chính trị khá đắt: lượng tán thành của ông ở Hàn Quốc bất ngờ giảm mạnh. |
Thách thức lớn đầu tiên của ông là vào tháng 7/2017 khi Triều Tiên thử nghiệm tên lửa tầm xa mà theo lý thuyết có thể chạm tới lục địa Hoa Kỳ. Ông Moon, từng là lính nhảy dù thuộc lực lượng đặc nhiệm, đã phản ứng bằng việc thực hiện phóng hỏa tiễn “đánh phủ đầu” nhằm chứng tỏ Hàn Quốc cũng đủ sức chiến đấu nếu chiến sự nổ ra.
Dưới áp lực của Trung Quốc, ông Moon vẫn ra lệnh triển khai đầy đủ hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), nhận được sự tin tưởng của chính quyền Trump. Không chỉ vậy, tháng 11, ông Moon thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chấm dứt tất cả các cuộc trả đũa liên quan đến kinh tế của THAAD. Việc ông xoa dịu Bắc Kinh - đồng minh quan trọng nhất của Bình Nhưỡng – nằm ở vị trí bên lề trong thời gian này thực sự là thành tựu đã bị đánh giá quá thấp.
Tháng 1/2018, ông Kim Jong Un tuyên bố ý định tham gia Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang của Triều Tiên. Nhận được sự đồng ý nhanh chóng của ông Moon, Triều Tiên và Hàn Quốc đã cùng tham dự lễ khai mạc và thậm chí sát cánh bên nhau trong bộ môn khúc côn cầu trên băng nữ. Tuy nhiên, ông Moon lại phải trả cái giá chính trị khá đắt: lượng tán thành của ông ở Hàn Quốc bất ngờ giảm mạnh.
|
Tổng thống Moon Jae In khéo léo bác bỏ nỗ lực chia tách Mỹ - Hàn của Triều Tiên |
Trong khi đó, các nhà quan sát Mỹ không ngừng phàn nàn rằng Triều Tiên đang tiến hành một cuộc tấn công quyến rũ với mục đích tách rời Seoul và Washington. Thông tin mối quan hệ Mỹ - Hàn rạn nứt cùng lúc nổi lên.
Nhưng bằng kỹ năng ngoại giao khéo léo, ông Moon thể hiện sẵn sàng đàm phán nhưng cũng kiên quyết yêu cầu các điều kiện nghiêm ngặt từ phía Triều Tiên. Ông chào đón nồng nhiệt bà Kim Yo Jong - em gái ông Kim Jong Un kiêm sứ giả Triều Tiên - nhưng từ chối lời mời đến hội nghị thượng đỉnh liên Triều, nhấn mạnh ý kiến "đảm bảo kết quả nhất định".
Mặt khác, thay vì để Mỹ tấn công trừng phạt Triều Tiên ngay trước Thế vận hội, ông Moon hướng tới đàm phán hòa bình bằng cách đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ không nhận được sự nhượng bộ hay lợi ích nào chỉ vì xuất hiện đàm phán. Kết quả là, sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gặp ông Moon tại Thế vận hội, thông tin Hoa Kỳ bắt đầu đối thoại với Triều Tiên mà không có điều kiện tiên quyết được công bố rộng rãi.
Chiến lược ngoại giao Olympics của ông Moon dường như đã khiến Bình Nhưỡng sốt sắng. Bình Nhưỡng gửi một phái đoàn khác đến tham dự lễ bế mạc và tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo. Sau đó, vào ngày 5/3, các phái viên Hàn Quốc viếng thăm thủ đô Triều Tiên.
Chủ tịch Kim Jong Un xuất hiện cùng phu nhân để gặp gỡ Suh Hoon, lãnh đạo tình báo Hàn Quốc và Chung Eui Yong, cố vấn an ninh quốc gia, cùng ăn tối trong hơn bốn giờ tại trụ sở Đảng Lao động. Nhóm phái viên này chính là những người Hàn Quốc đầu tiên được đặt chân vào dinh thự tương đương Nhà Trắng của Mỹ tại Triều Tiên.
Sau đó họ trở lại Seoul, cầm trên tay một thỏa thuận với ông Kim Jong Un. Lãnh đạo Triều Tiên đã thực hiện loạt nhượng bộ tuyệt vời liên quan đến hầu hết tất cả các chủ đề chính trong quan hệ liên Triều. Trên nguyên tắc, ông Kim nhất trí về một bán đảo Triều Tiên không hạt nhân, hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng tới cũng như thiết lập đường dây nóng trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc.
|
Ông Kim đồng ý bắt đầu thảo luận với Hoa Kỳ về phi hạt nhân hoá, đình chỉ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa trong các cuộc đàm phán. |
Lần đầu tiên trong lịch sử, một lãnh đạo Triều Tiên cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường chống lại Hàn Quốc. Quan trọng hơn cả, ông Kim đồng ý bắt đầu thảo luận với Hoa Kỳ về phi hạt nhân hoá, dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa trong các cuộc đàm phán.
Đoàn phái viên Hàn Quốc tới Washington, thay mặt ông Kim gửi lời mời cuộc họp thượng đỉnh cho Tổng thống Trump và nhận được lời đồng ý ngay lập tức. Tin tức lịch sử ấy đã được ông Chung Eui Yong (Hàn Quốc) công bố ngay trên lối vào Nhà Trắng mà không cần sự hộ tống của bất kỳ quan chức Mỹ nào.
Dẫu vậy, không một ai có thể khẳng định Tổng thống Hoa Kỳ (hay nhà lãnh đạo Triều Tiên) sẽ thực hiện thỏa thuận một cách chính xác. Sarah Huckabee Sanders - thư ký báo chí của Nhà Trắng - cho biết ông Trump "sẽ không nhất trí với cuộc họp mà không có những bước đi và hành động cụ thể", khiến dư luận thêm nghi ngờ thái độ từ bỏ của Tổng thống Mỹ. Hiện không rõ ông Trump đã có những chuẩn bị cho cuộc gặp mặt trực tiếp với ông Kim.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un là những ngôi sao thu hút và đầy bất ngờ của câu chuyện hạt nhân Triều Tiên. |
Cho đến nay chưa có cuộc họp cấp thấp nào giữa các quan chức Hoa Kỳ và Triều Tiên được tổ chức như trước một cuộc họp thượng đỉnh thông thường. Chính quyền Trump cũng thiếu cán bộ điều hành công việc, vì Bộ Ngoại giao Mỹ không có đại sứ Hàn Quốc hay một nhà ngoại giao Đông Á kinh nghiệm. Trung Quốc cũng có thể phá vỡ sự im lặng tương đối và chơi trò lướt sóng, nếu nước này thấy đàm phán giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên gây ảnh hưởng đến lợi ích của mình.
Nhưng dù sao, theo nhiều cách, ông Moon Jae In đã chiến thắng. Xếp hạng tán thành của ông tăng hơn 75%, dẫn ông trở lại vị trí dẫn đầu trong thế giới tự do. Ông Moon đã đảo ngược kịch bản chiến lược truyền thống của Triều Tiên về "tongmi bongnam" ("đối phó với Hoa Kỳ và cô lập miền Nam") bằng cách làm cho miền Nam trở thành trung gian không thể thiếu.
Sự thật rằng Bộ Ngoại giao của ông Trump không đủ cán bộ có nghĩa là các nhà ngoại giao của Seoul sẽ đảm nhận vai trò lớn hơn. Theo lịch trình đã được công bố, hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra vào tháng 4, trước hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên vào tháng 5. Như một lẽ tự nhiên, trong trường hợp này, chính quyền Trump sẽ phải phụ thuộc vào vị trí chỉ huy của Hàn Quốc.
Ông Trump và ông Kim có thể là các nhân vật xuất hiện trên tiêu đề báo để thu hút sự quan tâm của dư luận, nhưng ông Moon mới là người lèo lái toàn bộ quá trình. Chỉ trong 8 tháng, ông đã giữ Trung Quốc bên lề, khéo léo bác bỏ nỗ lực chia tách Mỹ - Hàn của Triều Tiên, khuyến khích Triều Tiên đưa phi hạt nhân hoá trên bàn đàm phán và thúc đẩy Mỹ tránh xa cuộc tấn công dự phòng và đối thoại với Bình Nhưỡng. Nếu Donald Trump tiếp tục cam kết của mình, ông sẽ trở thành tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với Triều Tiên.
Với tất cả những gì đã đạt được trong công cuộc quan trọng này, nhà lãnh đạo Hàn Quốc hoàn toàn hài lòng dành ánh đèn sân khấu cho các nhân vật còn lại.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cùng phu nhân sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 22-24/3.
Ông Moon sẽ gặp thượng đỉnh với Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới Việt Nam, kể từ khi nhậm chức tháng vào tháng 5/2017.
Tháng 11/2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã tới Đà Nẵng dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
|
Ngọc Anh (theo The Atlantic)