Bệnh nhân mạn tính quay lại bệnh viện
Sáng sớm, ông T.V.H. (62 tuổi) tranh thủ nhờ cháu trai chở đến Bệnh viện quận 7 (TPHCM) lấy số khám bệnh. Ông cầm theo chiếc điện thoại có xác nhận đã tiêm hai mũi vắc xin ngừa COVID-19. Xếp hàng đợi khai báo y tế, ông H. qua khu sàng lọc COVID-19 rồi quay sang khu đăng ký khám bệnh. Đã hơn ba tháng nay, ông H. chỉ mang toa cũ ra tiệm thuốc tây mua thuốc huyết áp, tim mạch uống đỡ.
“Ở tiệm thuốc chỉ mua được hai loại thuốc trong bốn loại tôi đang uống, hơi lo nhưng không uống thì không yên tâm. Mấy tháng qua, tôi đi khám một lần rồi thôi, xin thuốc bác sĩ thêm chứ cũng ngại đến vì bệnh viện có điều trị COVID-19. Bây giờ đỡ quá, bệnh viện hết COVID-19 cũng đẹp hơn, đi khám không hồi hộp nữa”, ông H. nói.
|
Dù đi khám bệnh thông thường, nhân viên và người bệnh vẫn đảm bảo quy tắc 5K - Ảnh: Phạm An |
Tuy vậy, ông vẫn cẩn thận mang kính chắn, khẩu trang và chai nước khử khuẩn bên mình. Đợt này, ngoài khám bệnh nền, ông H. cũng nhờ bác sĩ kiểm tra mắt, gần nửa tháng nay mắt ông hay đau rát, chảy nước. Sau khi khám, bác sĩ nói có thể ông bị đục thủy tinh thể, cần nghỉ ngơi, uống thuốc và quay lại tái khám.
Hơn 9g sáng, bà T.N.L. (51 tuổi) giữ kỹ giấy đăng ký khám tiểu đường đến Bệnh viện quận 7 tái khám. Mắc bệnh tiểu đường gần 20 năm, bà L. đều đặn mỗi tháng đi khám một lần để đo đường huyết. Tuy nhiên, bà đã tự hoãn hai kỳ khám bệnh bởi e ngại dịch COVID-19.
“Ngoài tiểu đường, tôi còn bị huyết áp cao, đây là hai bệnh nền… “rất hạp” với COVID-19 nên con tôi khuyên ở nhà. Tôi cũng điện thoại cho bác sĩ điều trị nhờ cho toa thuốc để uống tạm. Nghe Bệnh viện quận 7 khám trở lại, tôi mừng lắm, sáng đến khám ngay. Đợt này, ngoài khám tiểu đường, tôi cũng xin khám sức khỏe tổng quát cho yên tâm”, bà L. chia sẻ.
Mang thai khoảng 39 tuần, chị P.T.H. (26 tuổi, ở huyện Bình Chánh) đến Bệnh viện quận 7 khám định kỳ và hy vọng có thể đăng ký sinh con tại đây. Chị H. chia sẻ: “Bảo hiểm y tế của tôi ở Bệnh viện quận 7. Khi thai được 20 tuần, tôi khám tại đây được hai lần thì dịch COVID-19 bùng phát. Thấy số lượng người mắc ngày càng đông, tôi sợ quá nên thuê trọ ở huyện Nhà Bè để đi khám thai ở bệnh viện huyện. Nay tôi quay lại đây, đợi hỏi về thủ tục đăng ký”.
Theo chị H., dù huyện Nhà Bè ở xa trung tâm thành phố, chị đến đây tránh dịch nhưng cũng chỉ khám thai được thêm một lần, bởi lo lắng về dịch bệnh.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thế Vũ, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện quận 7, cho hay trước khi có dịch COVID-19, bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.200 - 1.300 bệnh nhân/ngày; từ năm 2021, có khoảng 800 bệnh nhân. Tuy nhiên, suốt ba tháng qua chỉ khoảng 100 bệnh nhân/ngày.
Khám bệnh thông thường vẫn đảm bảo sàng lọc COVID-19
Bác sĩ Nguyễn Thế Vũ cho biết thêm, mấy tháng qua, hầu hết trang thiết bị, nhân sự đều tập trung vào điều trị COVID-19. Vì vậy, để chuyển đổi công năng về lại “bệnh viện xanh - sạch” không COVID-19, bệnh viện rất cẩn trọng trong chuyển bệnh nhân F0 đang điều trị sang các trung tâm, bệnh viện lân cận cũng như kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện.
|
Mặc dù chỉ khám, chữa bệnh thông thường, bệnh viện vẫn sàng lọc COVID-19 một cách kỹ càng |
Lãnh đạo bệnh viện cũng cố gắng tổ chức lại nhân sự bởi phải điều chuyển tổng cộng 65 nhân viên gồm 25 bác sĩ, 28 điều dưỡng cũng như hậu cần, dược... thực hiện công tác chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến quận 7.
Cùng với đó, 20 nhân sự được cử sang Bệnh viện Dã chiến số 16 Bạch Mai để học về công tác hồi sức. “Bệnh viện quận 7 cũng sẽ cử nhân sự sang Bệnh viện Dã chiến số 16 để chi viện, hiện chỉ còn 55 bác sĩ nên việc khám chữa bệnh cũng có chút khó khăn khi quay trở lại khám bệnh thông thường. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, tôi tin bệnh viện sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình”, bác sĩ Nguyễn Thế Vũ nhấn mạnh.
Dù khám chữa bệnh thông thường, công tác sàng lọc bệnh nhân F0 vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt. Đối với các trường hợp F0 đã khỏi bệnh, có giấy xác nhận trong vòng sáu tháng, người tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 được 14 ngày, và người có test nhanh kháng nguyên tại các cơ sở y tế trong 48 giờ hoặc xét nghiệm RT-PCR trong 72 giờ không cần sàng lọc COVID-19.
Bác sĩ Thế Vũ cũng cho biết: “Bệnh viện đã chuẩn bị một khu vực riêng biệt với 10 giường bệnh. Qua sàng lọc, nếu phát hiện F0 sẽ tạm thời cách ly người bệnh. Nếu sức khỏe F0 chuyển nặng, bệnh viện sẽ đưa đi điều trị ở các bệnh viện COVID-19 phù hợp. Trường hợp bệnh nhân ổn định sức khỏe, có đủ điều kiện để cách ly tại nhà, bệnh viện sẽ liên hệ y tế phường để bàn giao bệnh nhân cho y tế địa phương chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại nhà”.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, thành phố đang bước qua một giai đoạn mới, chuẩn bị thích ứng với COVID-19 một cách linh hoạt. Ngoài ra, thành phố dần kiểm soát được dịch bệnh, số lượng bệnh nhân F0 cũng đang giảm xuống. Một trong những bước quan trọng trong giai đoạn này là phục hồi các bệnh viện quận, huyện để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc bệnh thông thường.
“Trong kế hoạch phục hồi dần công năng các bệnh viện, quận 7 và huyện Củ Chi là hai đơn vị tiên phong. Dù điều trị bệnh nhân không mắc COVID-19, các bệnh viện phải luôn chuẩn bị từ 10 - 20 giường có oxy để sẵn sàng tiếp nhận những bệnh nhân F0 được phát hiện khi sàng lọc, hay cần cấp cứu. Sau đó, tùy tình trạng bệnh nhân, bệnh viện sẽ điều chuyển đến các cơ sở y tế điều trị COVID-19”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin.
Trong định hướng chung, khi TPHCM kiểm soát được dịch sẽ giải phóng dần các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến, trường học ở các quận, huyện, sắp xếp lại các bệnh viện dã chiến để thu dung F0, giữ lại các trung tâm hồi sức COVID-19 như Trung tâm Hồi sức Bạch Mai, Trung tâm Hồi sức Trung ương Huế... |
Phạm An