Người dân vùng sạt lở mong sớm ổn định cuộc sống

09/01/2024 - 05:56

PNO - “Ngủ dậy mà thấy còn sống là mừng, vì nhà có thể sập bất cứ lúc nào” - bà Thạch Thị Cao - ngoài 60 tuổi, sinh sống tại khu Thanh Đa, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM - tâm sự.

Nỗi lo dai dẳng

Trong một con hẻm cách cầu Kinh khoảng 50m, ven kênh Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TPHCM, nhiều ngôi nhà đã đổ sập, bờ kè kênh bị sụt lún, nghiêng về phía lòng kênh. Trong căn nhà 19m2, 2 vợ chồng bà Thạch Thị Cao bỏ dở chén cơm khi chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống: “Gia đình tôi ngồi ăn cơm trong nhà mà phập phồng lo sợ. Sáng thức dậy thấy còn sống là mừng lắm rồi, vì nhà mình có thể đổ sập bất kỳ lúc nào. Có những ngày nước vào nhà lênh láng, 2 vợ chồng già phải hì hục tát nước”.

Cách đó chừng 50m, cụ bà N.T.C. (82 tuổi) đang lúi húi dọn dẹp đồ đạc trước nhà. Thỉnh thoảng, bà lại bước đến gần căn nhà kế bên đã bị nước nhấn chìm rồi thở dài: “Đây là căn nhà tôi cho con gái. 2 trong số những căn nhà của các con đã bị hà bá nuốt rồi”.

Sạt lở khiến nhiều nhà cửa của người dân ven bờ kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã chìm theo con nước
Sạt lở khiến nhiều nhà cửa của người dân ven bờ kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã chìm theo con nước

Bà C. kể, cách đây vài tháng, thấy nhà của con có dấu hiệu bị nghiêng vẹo, nền bị nứt, bà bảo con chuyển những đồ đạc có giá trị qua nhà bà và tìm chỗ trú tạm. “Sáng sớm hôm sau, khi tôi đang loay hoay dưới bếp, thì nghe tiếng động lớn. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi vội mở cửa chạy ra thì thấy nhà của con gái từ từ đổ xuống kênh. Cũng may là con tôi đã ra khỏi nhà” - bà C. nói.

Chị H. - người con thứ bảy của bà C. - chỉ tay về căn nhà của mình gần đó rồi buồn bã: “Nhà nghiêng lắm rồi, tôi không dám ở. Tôi mong chính quyền sớm có kế hoạch để chúng tôi có nơi ăn chốn ở, yên tâm kiếm sống, chứ sống phập phồng như hiện nay chúng tôi không làm ăn gì được, lo lắm”.

Tại bờ trái sông Sài Gòn, đoạn nhà thờ Fatima (TP Thủ Đức) là 1 trong 32 khu vực sạt lở nguy hiểm của thành phố. Bà Nguyễn Thị Năm (62 tuổi) cho biết, năm 1994 bà về đây mua đất cất nhà ở. Năm 2018, chính quyền địa phương có đến đo đạc, bảo để xây dựng bờ kè kiên cố chống sạt lở, nhưng đến nay chưa thấy rục rịch gì. Người dân thì vẫn cứ sống trong lo âu. Tết đến nơi, nhưng họ cũng chẳng dám sắm sửa gì, vì sợ phải di dời. “Ông nhà tôi vì lo lắng mà sinh bệnh. Dân ở đây rất mong Nhà nước đẩy nhanh kế hoạch xây bờ kè ngăn sạt lở, tôi sẵn sàng hiến đất nếu cần để bà con được yên tâm sinh sống, làm ăn”.

Cần triển khai nhiều giải pháp

Ông Phạm Văn Tồn - Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh - cho biết, vị trí sạt lở, sụt lún nằm ở bờ phải kênh Thanh Đa, cách hạ lưu cầu Kinh khoảng 50m. Hiện nay, phường bố trí lực lượng canh chừng 24/24, không để sạt lở gây thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân. Đối với những căn nhà có nguy cơ sụp đổ cao, phường đã vận động và tổ chức 3 đợt di dời, đưa 15 hộ dân đến tạm cư tại chung cư Phan Chu Trinh (quận Bình Thạnh). 

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM - nhìn nhận những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở tại khu vực TPHCM trong thời gian qua: chủ yếu do các công trình kè chống sạt lở, theo thời gian, bị xuống cấp, sụt lún, sạt lở; khu vực sạt lở có nền đất yếu, nhưng người dân lại đắp đất, gia tải và xây dựng công trình nhà tạm sát bờ dẫn đến sạt lở; các đặc điểm địa chất, địa hình, chế độ thủy văn, thủy lực có sự thay đổi tạo nên những dòng nước xoáy tác động vào những vùng, những khu vực có nền đất yếu, hình thành những hàm ếch, gây sạt lở. Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều nguyên nhân khác như: các phương tiện giao thông thủy, tàu biển lưu thông tạo sóng, neo đậu tàu, sà lan trái phép gây hư hại bờ. 

Từ thực tế trên, ông Đinh Minh Hiệp cho biết, đã tham mưu UBND TPHCM triển khai nhiều giải pháp để hạn chế nguy cơ sạt lở, trong đó có việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các hành vi lấn chiếm hành lang sông, kênh, rạch; từng bước giải tỏa các khu vực lấn chiếm hành lang sông, kênh, rạch và có giải pháp công trình, phi công trình để tạo mỹ quan đô thị, hạn chế sạt lở bờ; cắm biển cảnh báo các vị trí có nguy cơ sạt lở để người dân được biết và có phương án phòng tránh; sắp xếp, bố trí lại dân cư tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi định cư an toàn; đẩy nhanh tiến độ các dự án kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư… 

Sạt lở khiến 1.178 hộ dân bị ảnh hưởng

Mới đây, UBND TPHCM đã công bố danh mục 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn TPHCM năm 2023 làm ảnh hưởng đến đời sống của 1.178 hộ dân. Trong đó có 8 vị trí chưa có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở thuộc các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ và quận 12.

Các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm là kênh Thanh Đa (gần cầu Kinh, quận Bình Thạnh), rạch Giồng Ông Tố (TP Thủ Đức); bờ trái, phải rạch Ông Lớn 2 (huyện Nhà Bè); rạch Xóm Củi (huyện Bình Chánh), cầu An Nghĩa (huyện Cần Giờ)…

UBND TPHCM giao các địa phương phối hợp Sở Giao thông Vận tải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở. Đối với các vị trí sạt lở còn lại đã có chủ trương hoặc dự án triển khai đầu tư xây dựng kè chống sạt lở với tổng chiều dài bờ kè khoảng 16.398m, tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỉ đồng.

Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI