Người dân Trung Quốc lo ngại mất tự do vì ứng dụng theo dõi sức khỏe

27/05/2020 - 15:16

PNO - Kế hoạch sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh để theo dõi tình trạng sức khỏe của công dân ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) gây lo ngại rằng dịch COVID-19 là cái cớ để thắt chặt sự giám sát của chính quyền.

Hàng Châu - một thành phố lớn ở miền đông Trung Quốc - đã đề xuất sử dụng một ứng dụng di động vĩnh viễn dựa trên thang điểm để theo dõi lối sống của người dân, chẳng hạn như thói quen tập thể dục, ăn uống hoặc thời gian ngủ.

Các quan chức địa phương cho biết phần mềm sẽ ghi nhận và chia sẻ thông tin nhạy cảm của công dân từ hồ sơ y tế cá nhân, giúp chính quyền kiểm soát tình trạng sức khỏe của 10 triệu người trong thành phố.

Người dân Hàng Châu quét mã bằng điện thoại để chứng minh sức khỏe trước khi vào trung tâm mua sắm.
Người dân Hàng Châu quét mã bằng điện thoại để chứng minh sức khỏe trước khi vào trung tâm mua sắm

Nhưng tin tức về kế hoạch này ngay lập tức gây ra sự phản đối trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc. Một số người dùng bày tỏ mối quan ngại về sự an toàn dữ liệu; những người khác chỉ trích các nhà lãnh đạo thành phố đã vi phạm quyền riêng tư và mở rộng giám sát nhà nước dưới danh nghĩa kiểm soát dịch bệnh.

Hàng Châu - thủ phủ tỉnh Chiết Giang - là một trong những thành phố đầu tiên ở Trung Quốc sử dụng ứng dụng mã màu, được nhà nước hậu thuẫn để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Từ giữa tháng 2/2020, thành phố yêu cầu tất cả công dân sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR được chỉ định, chứng minh rằng họ không nhiễm COVID-19 trước khi ra vào nơi công cộng hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Chính quyền thành phố nói rằng họ muốn đưa phương pháp kiểm soát sức khỏe vào sử dụng rộng rãi và thường xuyên hơn.

Ứng dụng xếp hạng sức khỏe dựa trên thang điểm, thể hiện qua màu sắc mà Hàng Châu dự định đưa vào sử dụng.
Ứng dụng xếp hạng sức khỏe dựa trên thang điểm, thể hiện qua màu sắc mà Hàng Châu dự định đưa vào sử dụng

Theo kế hoạch do Ủy ban Y tế thành phố Hàng Châu ban hành, mỗi cư dân Hàng Châu sẽ được cấp một thẻ màu, trải dài từ màu tím đến màu xanh lá cây. Màu tím có nghĩa là điểm 0 hoặc sức khỏe kém, trong khi màu xanh lá cây có nghĩa là 100 điểm hoặc sức khỏe tốt.

Các công dân được khuyến khích ở lại trong "vùng xanh" và ứng dụng càng có màu xanh cho thấy cá nhân càng khỏe mạnh. Các quan chức cho biết họ cũng có ý định xem xét và chấm điểm cho các khu dân cư, khu phố và công ty dựa trên mã màu của cư dân hoặc nhân viên.

Cuối tuần qua, hàng ngàn người dùng phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc đã phản đối kế hoạch. Một bình luận viết: “Tôi phản đối. Còn vấn đề quyền riêng tư của chúng tôi thì sao?”

Một người khác lên án: “Liệu chính phủ có cần theo dõi nếu tôi tập thể dục mỗi ngày, uống rượu hay không và ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày?”

Từ khi xảy đại dịch bùng phát vào tháng 2, chính quyền thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm kiểm soát sức khỏe công dân trên diện rộng.
Từ khi xảy đại dịch bùng phát vào tháng 2, chính quyền thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm kiểm soát sức khỏe công dân trên diện rộng

Thậm chí cá nhân có thẩm quyền cũng phê phán ý tưởng. Hu Xijin - Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu tại Bắc Kinh - kêu gọi chính quyền Hàng Châu cân nhắc quyền riêng tư của công dân.

Ông Hu Xijin cho biết: “Các mã sức khỏe nên được dùng để kiểm soát và ngăn chặn COVID-19, chứ không nên trở thành một phương pháp quản lý đô thị toàn diện”.

Trung Quốc đang đối mặt với những nghi ngờ và chỉ trích rộng rãi về việc sử dụng trí thông minh nhân tạo trong việc giám sát công dân giữa đại dịch.

Vào đầu tháng 5/2020, nguồn tin báo cáo các quan chức Trung Quốc lắp đặt camera an ninh ngay bên ngoài nhà của mọi người để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Nhiều người dân phản ánh rằng chính quyền lắp đặt camera ngay trước cửa nhà để giám sát, đặc biệt là những hộ có người nước ngoài sinh sống.
Nhiều người dân phản ánh rằng chính quyền lắp đặt camera ngay trước cửa nhà để giám sát, đặc biệt là những hộ có người nước ngoài sinh sống

Trung Quốc đã và đang xây dựng một mạng lưới giám sát hàng loạt, nơi tự hào có hàng trăm triệu camera an ninh trên đường phố. Mạng lưới giám sát được coi là hệ thống nhận dạng khuôn mặt mạnh mẽ nhất thế giới, có thể xác định danh tính của 1/1,4 tỷ công dân trong vòng 3 giây.

Một nghiên cứu cho biết cư dân của đất nước này sẽ được theo dõi “cẩn thận” bởi 626 triệu máy quay đường phố, hoặc một camera an ninh cho 2 người, kể từ cuối năm 2020.

Linh La (Theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI