|
Ghi nhận của phóng viên báo Phụ Nữ TPHCM tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống tại TPHCM đến 19g tối vẫn còn nhiều người tranh thủ đi mua hàng. |
|
Tại đại siêu thị Co.opXtra đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), cổng ra vào của siêu thị này trưng dụng một phần đường đi làm kệ dã chiến bán thêm rau, củ, quả, cho khách. |
|
Theo đó, khách hầu như tập trung đông ở các quầy hàng tươi sống, thịt, cá, rau củ, quả và đồ khô. Một khách hàng cho hay, do nhiều ngày tới hạn chế ra ngoài, nên người này tranh thủ mua nhiều đồ dùng trong nhà hơn, đặc biệt nhóm đồ khô, đồ hộp, gia vị, khăn giấy, nhóm hàng tươi sống, trái cây có thể trữ lạnh ăn được lâu... |
|
Mỗi khách hàng vào siêu thị thời điểm này đều trang bị khẩu trang y tế, siêu thị còn thiết kế trạm đo nhiệt độ ở lối đi vào để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. |
|
Do số lượng người đổ về các siêu thị tại TPHCM từ trưa, chiều hôm nay làm nhiều mặt hàng tươi sống, thịt heo, gà và bò cấp đông... ngay cả mì gói, gạo... đều trống kệ, buộc nhân viên phải châm hàng liên tục. |
|
Két tính tiền của siêu thị Co.opXtra dù phân thành hai khu ở hai tầng riêng biệt, nhưng khách hàng vẫn phải mất thời gian chờ vì một người mua nhiều hàng hóa cùng lúc. |
|
Một cửa hàng bách hóa trên đường Vũ Tùng (quận Bình Thạnh, TPHCM) khách hàng phải xếp hàng, mỗi lần nhân viên chỉ cho vào 4-5 khách, cửa hàng sát khuẩn cho khách trước khi mua hàng. Đến hơn 19g tối, nhóm sản phẩm thịt tại đây đã hết hàng. |
|
Một cửa hàng bách hóa khác tại đường Bình Quới (quận Bình Thạnh) vẫn đông nghịt khách tranh thủ mua hàng vào tối 31/3. |
|
Còn tại các khu chợ dân sinh, như thường lệ 18g là tiểu thương dọn hàng, đóng sạp, nhưng hôm nay tại chợ Bà Chiểu người mua vẫn còn đông khi đã hơn 19g. |
|
Một vài điểm bán rau, củ bên ngoài chợ khách chen nhau mua. |
|
Nhóm hàng trái cây tại chợ vẫn còn khá đa dạng, khá nhiều mặt hàng. Theo ghi nhận, giá bán chiều nay của nhóm hàng trái cây tại chợ này có dấu hiệu nhích 30-40%. |
|
Một cửa hàng Co.opFood tại quận Bình Thạnh, xe khách hàng phải xếp tràn xuống đường trong tối nay. |
Tại Đà Nẵng, người dân cũng đang chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho 15 ngày chung tay cùng quốc gia đẩy lùi đại dịch này.
|
Thực hiện chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly toàn xã hội trong 15 ngày kể từ 1/4, chính quyền Đà Nẵng đang tích cực tuyên truyền cho người dân không ra ngoài nếu không có việc cần thiết. Trước giờ cách ly xã hội, nhiều người tranh thủ mua sắm thêm lương khô, mì tôm. |
|
|
Phụ nữ thì mua sắm thêm các gia vị, dầu ăn... |
|
Ở các siêu thị, người dân đang xếp hàng để mua đồ dự trữ. Việc xếp hàng được thực hiện với khoảng cách an toàn như Chính phủ đã khuyến cáo. |
|
Cửa hàng Danavimart trên đường Phan Đình Phùng chiều 31/3 có rất đông người tới mua sắm. Do lượng người tập trung đông nên Công an quận Hải Châu phải tới kiểm tra và nhắc nhở chủ cửa hàng đề nghị người dân giãn cách ra, hạn chế đứng gần nhau. |
|
Tại các chợ lớn như chợ Hàn, chợ Cồn, không khí mua sắm cũng rất tất bật. |
|
Chị Hoa, người dân ở quận Hải Châu cho biết: "Tranh thủ mua luôn nhiều rau quả, thịt cá về bỏ tủ lạnh ăn dần, để hạn chế ra ngoài". |
|
Một người đàn ông phụ vợ xách thực phẩm về nhà. |
|
Ở một góc chợ Cồn, ngoài thực phẩm, các cô các chị cũng tranh thủ mua khẩu trang.
|
Sở VH-TT Đà Nẵng tuyên truyền người dân tập thể dục tại nhà
Chiều 31/3, Sở VH-TT Đà Nẵng đã có công văn gửi đến Sở TT-TT đề nghị tuyên truyền người dân tập thể dục tại nhà trong thời gian cách ly toàn xã hội.
Theo đó, Sở VH-TT Đà Nẵng đã xây dựng các bài tập thể dục tại nhà nhằm hướng dẫn người dân cùng tập, theo video sau.
|
Bài tập thể dục tại nhà được Sở VH-TT Đà Nẵng khuyến khích người dân luyện tập trong thời gian cách ly toàn xã hội |
Người mua tăng 20-30%
Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết từ trưa đến nay, tại các siêu thị, rất đông người dân tập trung mua hàng hóa số lượng tăng 20-30% so với hôm qua.
Sở Công thương TPHCM khẳng định các chợ, siêu thị, cơ sở và cửa hàng kinh doanh lương thực thực phẩm vẫn duy trì hoạt động một cách bình thường sau 0 giờ ngày 1/4/2020 để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân thành phố. Hệ thống siêu thị, cửa hàng của thành phố đã có kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu. Sở Công thương khuyến cáo người dân không mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; đề nghị người dân hạn chế đến các điểm bán để giảm rủi ro lây nhiễm bệnh COVID-19; tích cực mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà.
|
Sở Công thương khuyến cáo người dân hạn chế mua sắm tập trung đông người
|
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết ông nhận được phản ánh về tình trạng người dân chen lấn mua sắm rất đông ở các siêu thị, không đảm bảo khoảng cách an toàn. Ông khẳng định TPHCM đảm bảo cung cứng hàng hóa thực phẩm thiết yếu.
Công chức viên chức được làm việc tại nhà
Sở Nội vụ TPHCM cho biết thực hiện theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan đơn vị sẽ tổ chức sắp xếp cho công chức, viên chức làm việc tại nhà, và chỉ đến cơ quan để giải quyết công việc thật sự cần thiết, cấp bách. Sẽ quản lý công việc bằng phần mềm, văn phòng điện tử…
Sở Nội vụ đề xuất tại cơ quan vẫn có lãnh đạo trực và phát hành các văn bản cần thiết, cấp bách. Số lượng người có mặt tại cơ quan không quá 1/3 cán bộ công chức, viên chức. Công chức, viên chức khi làm việc tại nhà phải chấp hành nghiêm túc sự phân công của thủ trưởng cơ quan, sẵn sàng mở máy 24/24 để theo sự phân công của thủ trưởng cơ quan.
|
Từ ngày 1/4, công chức viên chức tại TPHCM được yêu cầu làm việc tại nhà để đảm bảo an toàn trước dịch COVID-19 - Ảnh: Minh Vân
|
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định các cơ quan, đơn vị vẫn phải đảm bảo công việc theo kế hoạch, chỉ là thay đổi phương thức và địa điểm làm việc; các cơ quan, đơn vị ưu tiên giải quyết hồ sơ qua mạng, không giải quyết hồ sơ trực tiếp. Ông Nguyễn Thành Phong lưu ý ngoài duy trì trực lãnh đạo, không quá một phần ba nhân sự ở các đơn vị có mặt làm việc trực tiếp để hạn chế sự lây lan dịch. Trường hợp đặc biệt, phải thông qua cơ quan chủ quản và được chấp thuận của Chủ tịch UBND thành phố.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, sẽ có kí cam kết đảm bảo an toàn phòng ngừa dịch bệnh giữa chủ doanh nghiệp với lãnh đạo quận, huyện. Hiện đã có cam kết được ký giữa Chủ tịch UBND quận Bình Tân và công ty PouChen Việt Nam. Các doanh nghiệp ở khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… sẽ phải ký cam kết này. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM được yêu cầu báo cáo phương án hỗ trợ người lang thang, vô gia cư, người già trên 60 tuổi cho UBND TPHCM trước 11g ngày 1/4/2020.
Quốc Thái - Hoàng Thanh Nhân - Hiếu Nguyễn