Người dân TPHCM cần làm gì khi 38 tên đường đổi tên?

24/09/2020 - 22:20

PNO - Người dân sẽ thực hiện thủ tục đổi giấy tờ cá nhân sau khi cấp quận, huyện nơi có tên đường thay đổi ban hành quyết định số nhà mới.

Những ngày qua, thông tin về việc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM có văn bản đề xuất UBND TPHCM xem xét điều chỉnh 38 tên đường đặt không chính xác trên địa bàn khiến nhiều người lo lắng.

Ông Trần Văn Dè, ngụ đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức nói: “Nhà của tôi nằm ở một trong 38 tuyến đường đề xuất điều chỉnh tên. Bây giờ đổi tên đường là chúng tôi phải đổi hàng chục loại giấy tờ, rất cực khổ. Con cái chúng tôi đi học không biết có ảnh hưởng gì không?”.

Người dân sống ở đường Lê Văn Duyệt sẽ nhận được quyết định số nhà mới
Người dân sống ở đường Lê Văn Duyệt sẽ nhận được quyết định số nhà mới

Ngày 16/9 vừa qua, TPHCM đã đổi tên đoạn đường Đinh Tiên Hoàng cũ (từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TPHCM) thành đường Lê Văn Duyệt.  

Được biết, với việc đổi tên đường này, UBND quận Bình Thạnh sẽ phải triển khai kế hoạch về việc đổi số nhà và các giấy tờ liên quan cho người dân.

Theo UBND quận Bình Thạnh, quy trình đổi tên đường là UBND các phường trong địa bàn sẽ thống kê lại số lượng nhà được cấp quyết định mới, sau đó báo cáo đến UBND quận để ban hành quyết định số nhà mới. Từ quyết định này, người dân thực hiện các thủ tục đổi giấy tờ tùy thân hoặc giao dịch hành chính.

Giải thích rõ hơn vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết: “Quyết định số nhà mới của UBND quận được xem như một loại giấy tờ để chứng minh cơ quan có thẩm quyền đã thay đổi tên đường, số nhà của mình. Từ đó, người dân có thể đổi các loại giấy tờ cần thiết hoặc sử dụng trong các giao dịch hành chính một cách hợp pháp”.

Luật sư Hùng tư vấn, nếu nơi cư trú bị đổi tên đường, ngoài giấy tờ tùy thân, người dân cần đặc biệt lưu ý việc thay đổi sổ hộ khẩu (điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu) và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (đăng ký biến động sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất).

“Trên thực tế đã có một số trường hợp người dân không tiến hành đổi các giấy tờ này, khi xảy ra các giao dịch cần chứng minh về thông tin nhân thân, thông tin về tài sản sẽ gặp khó khăn trong việc xác thực. Nên theo tôi, người dân cần thay đổi ngay các loại giấy tờ này khi có quyết định số nhà mới”, luật sư Hùng phân tích.

Luật sư Trần Minh Hùng.
Luật sư Trần Minh Hùng

Tại TPHCM, nếu muốn đổi hộ khẩu sẽ nộp hồ sơ tại công an huyện, quận. Đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người dân liên hệ nộp hồ sơ tại chi nhánh văn phòng đăng kí đất đai cấp huyện nơi có đất, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (nếu địa phương chưa có văn phòng đăng ký đất đai), hộ gia đình, cá nhân nộp tại UBND cấp xã nơi có đất nếu người dân có nhu cầu.

“Theo thường lệ thì địa phương nơi có thay đổi tên đường sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ người dân hết mức trong việc thay đổi các giấy tờ liên quan nên người dân không nên quá lo lắng”, luật sư Hùng nói.

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI