Người dân TP.HCM sợ nhà mình là di tích

16/10/2019 - 13:20

PNO - Theo Phó chủ tịch HĐND TP.HCM, với cách ứng xử hiện nay, người dân sẽ không thể tự do sửa chữa, hay kinh doanh, sinh hoạt... nếu nhà mình chẳng may 'rơi' vào danh sách di tích.

Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM - Phan Thị Thắng - khi đi giám sát tình hình bảo tồn di tích ở quận 3 vào sáng 16/10 đã phát biểu: “Nhiều người băn khoăn bảo tồn di tích, thành phố chi ra khoảng 100 tỷ/năm, vậy đó là nhiều hay ít? Thật ra, ít cũng đúng mà nhiều cũng không sai. Nó tùy thuộc vào chuyện người ta có muốn làm hay không và làm theo cách nào”.

Nguoi dan TP.HCM so nha minh la di tich
Số 7 Lý Chính Thắng vốn là Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, nay đang là một quán phở

Bà Phan Thị Thắng lý giải, nếu biết cách làm, vừa bảo tồn di tích vừa phát huy giá trị khi khai thác du lịch văn hóa, thu hút các đoàn tham quan từ nước ngoài thì 100 tỷ hay 200 tỷ đồng là không vấn đề gì vì nó mang lại giá trị lớn cho di tích.

“Với cách làm của chúng ta hiện nay, dân rất sợ nếu chẳng may nhà của họ rơi vào danh sách di tích vì như thế họ không được tự do sửa chữa, hay kinh doanh, sinh hoạt… Các địa phương nên đề xuất có cơ chế khuyến khích người dân bảo tồn di tích gắn với lợi ích thực tế của họ”- Phó chủ tịch HĐND TP.HCM nhận định.

Nguoi dan TP.HCM so nha minh la di tich
Nhà thiếu nhi TP.HCM hiện nay

Cũng theo bà, với Nhà thiếu nhi TP.HCM (trước đây là Dinh của Phó Tổng thống Sài Gòn), đơn vị quản lý gần như không biết giá trị lịch sử văn hóa của tòa nhà này. "Muốn bảo tồn di tích phải ứng xử với di tích như một tài sản của mình. Bây giờ chúng ta chưa xem di tích là tài sản của mình”- bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh với Ban quản lý Nhà thiếu nhi TP.HCM.

Hiện tại, HĐND TP.HCM đang tổ chức 2 đoàn giám sát về việc bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trên địa bàn TP.HCM. Sau khi giám sát sẽ bàn bạc, tháo gỡ các khó khăn về cơ chế quản lý các di tích tại TP.HCM.

Nguoi dan TP.HCM so nha minh la di tich
Bà Phan Thị Thắng, Thành ủy viên - Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM tại buổi giám sát sáng 16/10

Trên địa bàn quận 3 có 12 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng gồm 3 di tích lịch sử cấp quốc gia (Cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ; Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động đánh dinh Độc Lập năm 1968; Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968); 1 di tích lịch sử cấp thành phố (chùa Xá Lợi); 8 di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp thành phố (đình Xuân Hòa, đình Phú Thạnh, miếu Thiên Hậu, Thủy đài, Viện Pasteur TP.HCM, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, trường THPT Marie Curie, trường THCS-THPT Lê Quý Đôn).

Ngoài ra, trên địa bàn quận 3 còn có nhiều căn biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1975 nằm trên các con đường Tú Xương, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quốc Thảo, Võ Thị Sáu…

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI