Người dân tiền mất tật mang vì uống nước kiềm, ăn gạo lứt chữa bệnh - Ai chịu trách nhiệm?

25/11/2024 - 16:38

PNO - ĐBQH Chamaléa Thị Thủy đặt câu hỏi, cơ quan nào chịu trách nhiệm khi người dân chữa bệnh theo quảng cáo, dẫn tới tổn hại sức khỏe.

ĐBQH Chamaléa Thị Thủy lo lắng sức khỏe của người dân khi nghe theo đủ phương thức chữa bệnh trên mạng
ĐBQH Chamaléa Thị Thủy lo lắng sức khỏe của người dân khi nghe theo các phương thức chữa bệnh trên mạng - Ảnh: Media Quốc hội

Chiều 25/11, phát biểu góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, ĐBQH Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) quan tâm tới hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng.

ĐB chỉ ra, các bài viết, video quảng cáo trên trang cá nhân như Facebook, Zalo, Tiktok rất đa dạng. Có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng nhưng được lan truyền trên không gian mạng một cách rộng rãi, công khai.

“Như là trào lưu uống nước kiềm để chữa bệnh”; thải độc đại tràng, ruột bằng cà phê; thần thành hóa gạo lứt, nước tương chữa ung thư; các bài thuốc, phương thức bí truyền; giảm cân thần tốc; sản phẩm phòng ngừa ung thư. Thậm chí nhiều người từ bỏ giai đoạn vàng để trị bệnh, chạy theo quảng cáo trên mạng, gây tổn hại cho sức khỏe cá nhân, gia đình, xã hội...

Vậy trách nhiệm chính thuộc cơ quan nào, phải quy định rõ trong luật!”, ĐBQH nói.

Theo bà, thời gian qua, cơ quan chức năng cũng có các biện pháp để xử lý, ngăn chặn các hành vi quảng cáo không đúng với quy định. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công tác này trong thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nên trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này, ĐBQH mong muốn các quy định được bổ sung phải đảm bảo được tính hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với quảng cáo.

Ngoài ra, ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ để quy định phù hợp, khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về quảng cáo. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kỹ về quy định trình tự, thủ tục xác minh, xác định, kết luận các thông điệp mang tính quảng cáo và quy định, mức độ xử lý vi phạm cho tương xứng và phù hợp.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch
Bệnh nhân nguy kịch vì uống nước kiềm chữa bệnh được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: BVCC

Liên quan tới các quảng cáo trên mạng xã hội, ĐBQH Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho biết, dự thảo Luật Quảng cáo năm 2012 chủ yếu điều chỉnh các hình thức quảng cáo truyền thống, chưa có quy định cụ thể về quảng cáo trực tuyến. Hiện nay, hơn 70% các trường hợp vi phạm quảng cáo trực tuyến bị xử lý chậm do thiếu quy định đồng bộ.

Do vậy, ĐBQH đề nghị cần bổ sung điều khoản chuyên biệt về quảng cáo trực tuyến vào trong dự thảo Luật. Cụ thể như xây dựng quy định quản lý các hình thức quảng cáo mới bao gồm quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo ứng dụng trí tuệ nhân tạo… Từ đó, dự luật đưa ra hướng dẫn rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia quảng cáo; thành lập cơ chế phối hợp liên ngành, hợp tác giữa các bộ để xử lý các vi phạm hiệu quả hơn.

Quan tâm đến việc kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến, ĐBQH đề nghị cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị; thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn 24 giờ. Đặc biệt, nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để răn đe…

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quảng cáo trực tuyến, ĐBQH Thạch Phước Bình yêu cầu các quảng cáo phải ghi rõ thông tin sản phẩm, dịch vụ, đơn vị chịu trách nhiệm và cơ chế hỗ trợ sau bán hàng. Cùng với đó, ông nhấn mạnh cần ban hành chế tài nghiêm khắc đối với việc sử dụng dữ liệu cá nhân khách hàng một cách trái phép; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin cá nhân.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI