Người dân thương tiếc, đội mưa đến tiễn Đại tướng Lê Đức Anh

03/05/2019 - 10:11

PNO - Không quản thời tiết mưa gió của Hà Nội, nhiều người dân đã có mặt từ sớm tại khu vực cổng của nhà tang lễ Quốc gia để bày tỏ lòng thương tiếc đối với sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh

Tại Hà Nội:

Sáng 3/5, tại Hà Nội, dù trời mưa gió nhưng xung quanh nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), đông đảo người dân đã có mặt ở phía bên ngoài để bày tỏ lòng thương tiếc với sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh - nhà lãnh đạo, nhà quân sự lỗi lạc của đất nước.

Từ khi biết tin Đại tướng Lê Đức Anh qua đời, bà Mai Thị Nhật (SN 1942, trú tại Phúc Tân, Ba Đình, Hà Nội) rất xúc động và luôn theo dõi tin tức về Quốc tang. Ngay từ 6g sáng nay, bất chấp mưa gió, bà Nhật vẫn bắt xe đến nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông để mong chờ được vào thắp hương cho Đại tướng.

Nguoi dan thuong tiec, doi mua den tien Dai tuong Le Duc Anh
Bà Nhật bắt xe từ 6 giờ sáng, mặc cho trời mưa tầm tã để đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh

Bà Nhật cũng chia sẻ, mình là người may mắn vì đã từng có cơ hội được gặp mặt Đại tướng Lê Đức Anh, khi bà là một thành viên trong đội lễ tế.

Nguoi dan thuong tiec, doi mua den tien Dai tuong Le Duc Anh
Người phụ nữ ngoại thất tuần xúc động chia sẻ tấm hình của mình chụp chung với Đại tướng trong lần gặp gỡ duy nhất

"Ngày hôm ấy, ngoài Đại tướng Lê Đức Anh còn có cả nguyên tổng bí thư Nông Đức Mạnh, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều lãnh đạo nhà nước khác. Đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất tôi được gặp Đại tướng. Là gia đình có nhiều người có công với cách mạng, tôi luôn coi Đại tướng là người cha, người chú, là tấm gương để noi theo. Ông là một nhà lãnh đạo giản dị, gần gũi với bà con nên luôn được người dân yêu mến", bà Nhật kể.

Cũng mặt tại cổng nhà tang lễ từ rất sớm, ở độ tuổi ngoại thất tuần, ông Nguyễn Năm (SN 1944, trú phường Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng không ngại mưa gió để có mặt tại nhà tang lễ. Ông Năm cho biết, mình đợi nhiều giờ đồng hồ chỉ để được tỏ lòng tiếc thương, đưa tiễn đoàn tang lễ của Đại tướng Lê Đức Anh về nơi yên nghỉ.

Theo ông Năm, ở thế hệ của mình, ai cũng yêu mến, kính trọng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh như một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo gần gũi với nhân dân.

Nguoi dan thuong tiec, doi mua den tien Dai tuong Le Duc Anh
Hình ảnh của Đại tướng Lê Đức Anh trong mắt thế hệ của những người như ông Năm là một nhà lãnh đạo không chỉ tài ba mà còn có lối sống vô cùng giản dị và gần gũi với nhân dân

"Mặc dù chưa được gặp Đại tướng nhưng tôi luôn tỏ lòng kính trọng đến ông. Không chỉ hết lòng vì nước, vì dân, Đại tướng Lê Đức Anh có một cuộc sống vô cùng giản dị, khiêm nhường. Cũng vì lí do đó nên tôi có mặt ở đây từ sớm để thể hiện sự kính trọng của mình – cũng như của thế hệ chúng tôi trong suốt bao năm qua", ông Năm xúc động

Là một trong những học sinh đại diện cho nhà trường và đại diện cho khối học sinh trung học tại Hà Nội tham gia lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh, Trần Nhan Thủy Tiên (học sinh lớp 7a1, trường THCS Lương Yên) chia sẻ, dù không được trực tiếp chứng kiến tuy nhiên, các em vẫn luôn tìm hiểu và ngưỡng mộ trước sự đóng góp lớn lao của các thế hệ đi trước.

Nguoi dan thuong tiec, doi mua den tien Dai tuong Le Duc Anh
Đoàn học sinh khối THCS của Hà Nội xếp hàng trước cổng nhà tang lễ để chờ vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

“Em rất vinh dự và xúc động khi được tới đây, kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa một vị lãnh đạo, một vị tướng anh hùng của đất nước như Đại tướng Lê Đức Anh”, Trần Nhan Thủy Tiên chia sẻ.

Tại TP.HCM: 

Từ sáng sớm nhiều người dân đã đến thắp cho người lãnh đạo gần gũi nhân dân một nén nhang. 

Đến chờ viếng Đại tướng Lê Đức Anh từ rất sớm, ông Trần Minh Nghĩa (70 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bồi hồi: “Tôi biết về Đại tướng Lê Đức Anh từ ngày ông là Chủ tịch nước, tuy chưa từng gặp Đại tướng ở ngoài, nhưng tôi kính trọng ông ấy bởi sự giản dị, cương trực và thông qua những hình ảnh ông tiếp các đoàn ngoại giao của nước ngoài. Trong ông toát lên hình ảnh của vị tướng dũng mãnh, oai phong nhưng khiêm nhường. Thế nên, tôi muốn đến đây thật sớm để tiễn Đại tướng một chặng đường”.

Nguoi dan thuong tiec, doi mua den tien Dai tuong Le Duc Anh
Người dân đến viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ sáng sớm

Anh Nguyễn Văn Thời (39 tuổi, nhà ở Bình Tân) nói: “Tôi đọc khá nhiều tài liệu về nguyên Chủ tịch nước, biết ông là vị tướng trải qua 4 trận chiến oanh liệt của nước nhà tôi càng kính phục hơn nên muốn đến viếng ông lần cuối, sợ kẹt xe nên tôi đến đây sớm một chút”.

Với sự tự hào xen lẫn xúc động, Đại tá Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Tân Bình nhắc về cố Chủ tịch nước Đại tướng Lê Đức Anh: “Tôi chưa từng tiếp xúc với bác Lê Đức Anh, nhưng năm 1979, tôi là quân tình báo ở mật trận Campuchia, dưới quyền của bác Lê Đức Anh, lúc bấy giờ bác mang hàm thượng tướng, là tư lệnh chỉ huy bộ đội tình nguyện tại Campuchia. Tôi khâm phục Đại tướng ở sự linh hoạt trong chỉ đạo, bác có những quyết định rất nhanh và đúng đắn trong tác chiến, mạnh mẽ khi ngoại giao nhưng trên hết vẫn ưu tiên hàn gắn hơn chiến tranh”.

Nguoi dan thuong tiec, doi mua den tien Dai tuong Le Duc Anh
Đại tá Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Quận Tân Bình bùi ngùi nhớ về Đại tướng
Nguoi dan thuong tiec, doi mua den tien Dai tuong Le Duc Anh
Bà Phạm Thị Lý ( xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, em vợ cố Chủ tịch nước Đại tướng Lê Đức Anh) cho biết, Đại tướng Lê Đức Anh không chỉ là một người lãnh đạo giỏi, chấp nhận thoát ly gia đình từ sớm để đấu tranh giành độc lập đất nước, ông còn là một người thân gần gũi và giản dị. “Tôi rất kính trọng bác Lê Đức Anh, cho dù bên ngoài bác uy vũ đến mức nào, về nhà vẫn là một người chồng, một người anh mẫu mực đáng tôn kính. Do hoạt động Cách mạng, sau này bác tham gia quân sự, giữ nhiều trọng trách quan trọng nên rất ít khi về nhà nhưng mỗi khi về đều mua quà bánh cho con cháu. Vậy nên dù được khuyên ở nhà vì đã 92 tuổi, tôi vẫn muốn đến từ biệt anh lần cuối”, bà Lý xúc động.

An Vũ – M.Quang - Phạm An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI