"Người dân thắt lưng buộc bụng vẫn phải đóng thuế", Bộ trưởng nói đúng luật

29/05/2024 - 17:24

PNO - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh đang thực hiện "đúng luật", dù ĐBQH phản ánh quy định này "lạc hậu", không phản ánh đúng thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu hàng loạt nguyên nhân không mức giảm trừ gia cảnh
Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu hàng loạt nguyên nhân không giảm mức trừ gia cảnh dù ĐBQH khẳng định, quy định này đã quá lạc hậu, ảnh hưởng tới đời sống người dân

Chiều 29/5, làm rõ ý kiến của ĐBQH tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã lý giải về việc chưa tăng mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế thu nhập cá nhân.

Bộ trưởng thông tin, thuế thu nhập cá nhân bắt đầu có hiệu lực từ năm 2009, khi đó giảm trừ gia cảnh là 4 triệu/tháng; giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng/người. Năm 2013, giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng; giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/tháng/người. Đồng thời, luật quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20%, Chính phủ trình Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Năm 2020, Quốc hội đã có Nghị quyết 954 quy định mức giảm trừ 11 triệu đồng/tháng; giảm trừ người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng/người. Như vậy, theo Bộ trưởng, người lao động có 1 người phụ thuộc, thu nhập 17 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế. Người có 2 người phụ thuộc, mức thu nhập đóng thuế là trên 22 triệu đồng. Con số này, ngoài giảm trừ gia cảnh còn trừ các khoản bảo hiểm...

Lý giải về việc hiện nay chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay: “Thu nhập bình quân của người Việt Nam là 4,6 triệu đồng. Như vậy, mức nộp thuế 11 triệu đồng cao hơn mức thu nhập bình quân 2,2 lần. Trong khi ở thế giới, con số này là dưới 1 lần”.

Ông cũng dẫn thêm, chỉ số CPI từ năm 2020 đến năm 2023, tăng lần lượt là 3,23%; 1,84%; 3,15%; 3,25%. Như vậy tổng chỉ số CPI biến động qua 4 năm là 11,47%. Trong khi đó, theo Luật hiện hành, mức biến động trên 20% mới được thực hiện tăng giảm trừ gia cảnh.

“Điều này cho thấy Bộ Tài chính đang làm đúng luật”, ông nói.

Hiện, Thường vụ Quốc hội đã đưa việc sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân vào chương trình sửa đổi pháp luật, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2025 và thông qua tháng 5/2026.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu: “Nếu Thường vụ Quốc hội quyết định cuối năm nay sẽ làm ngay và thông qua vào sang năm thì Bộ Tài chính sẽ chấp hành. Khi tiến hành xây dựng luật, Chính phủ sẽ xin ý kiến của các bộ ngành, ĐBQH và nhân dân để đưa ra quy định phù hợp”.

Trước đó, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) thẳng thắn nêu quan điểm: mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế thu nhập hiện nay đã quá lạc hậu, không phản ánh đúng chi phí cuộc sống. Bà cũng chỉ ra sự sự bất hợp lý tính trong rổ hàng hóa CPI. Theo quy định, khi chỉ số CPI biến động trên 20% thì Chính phủ trình Quốc hội tăng mức giảm trừ gia cảnh. Con số này tính bình quân trên tổng số hơn 700 mặt hàng. Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân thì chỉ khoảng trên 20 mặt hàng. Nhiều mặt hàng trong số này đã tăng vài chục tới hơn 100%. Chính vì vậy, người dân dù “thắt lưng buộc bụng” vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Chính phủ sớm trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào Kỳ họp thứ 8 và thông qua vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Giá vàng biến động không loại trừ hành vi đầu cơ, đẩy giá

Về vấn đề giá vàng được nhiều ĐBQH góp ý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay, giá vàng tăng cao và biến động phức tạp cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam.

Giá vàng trong nước diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới nhưng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế thì nới rộng, đặc biệt là giá vàng SJC. Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm với nhiều chỉ đạo quyết liệt, cả Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành thực hiện chức năng để thu hẹp chênh lệch giá vàng.

Theo bà, đây là nhiệm vụ thách thức vì giá vàng thế giới liên tục biến động cao, phức tạp. NHNN đã có giải pháp tăng cung vàng ra thị trường, đấu thầu vàng – kế thừa cách làm năm 2013. Tuy nhiên, qua 9 phiên đấu thầu, việc giảm chênh lệch giá giảm không như kỳ vọng. Thống đốc NHNN cho hay đã tìm nguyên nhân, xây dựng phương án mới và triển khai trong tuần tới.

"Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành phải phối hợp, minh bạch các khâu. NHNN đã quyết định thanh tra liên ngành để minh bạch mọi mặt từ chứng từ, giao dịch phòng chống rửa tiền... Những biến động trên thị trường vàng không loại trừ hành vi vi phạm pháp luật để đầu cơ, găm giữ, đẩy giá", Thống đốc giải trình tại nghị trường Quốc hội.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI