Người dân tha hương vì không còn đường sống trong khu tái định cư

01/04/2018 - 09:08

PNO - Dù được di dời vào khu tái định cư gần 10 năm nhưng 311 hộ dân ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) vẫn chưa an cư vì không đất sản xuất, không việc làm nên cuộc sống rất khó khăn, tha hương.

Hình ảnh đầu tiên trước mắt chúng tôi khi tìm về khu tái định cư CWPD (Dự án tái định cư do Chính phủ Hà Lan tài trợ) là những ngôi nhà bỏ hoang phủ đầy cỏ dại, đất đai hoang tàn không sức sống. Hỏi ra mới biết, đây là xóm nghèo nhất xã Tân Ân. Người dân nơi đây sinh sống bằng việc bắt ba khía, đào sâm đất, bắt cá thòi lòi… 

Nguoi dan tha huong vi khong con duong song trong khu tai dinh cu
Những ngôi nhà trong khu tái định cư CWPD mọc đầy cỏ dại.

Bà Nguyễn Thị Tiến (66 tuổi – ngụ xã Tân Ân) cho biết: “Trước tôi ở xã Đất Mũi di dời về đây cũng đã 10 năm nay. Về đây không làm ăn gì được vì không có đất sản xuất, muốn làm gì cũng khó khăn. Hai đứa con trai đi bạn cho một ghe biển nhưng kinh tế gia đình vẫn không mấy khả quan”.

Được biết, khu tái định cư CWPD được triển khai, xây dựng từ năm 2004 đến năm 2008 hoàn thành và đưa người dân vào sinh sống. Đối tượng được vào đây ở là những hộ dân không có chỗ ở, không có nghề nghiệp ổn định, sinh sống ven biển và khu vực rừng phòng hộ xung yếu, ngoài đê biển.

Nguoi dan tha huong vi khong con duong song trong khu tai dinh cu
Nhà cửa hoang tàn, xuống cấp vì vắng người ở.

“Theo quy hoạch, dự án có 311 hộ được cấp đất và nhà ở. Trong số này chỉ có 139 hộ là có đất sản xuất, 172 hộ không có đất sản xuất. Hầu hết các hộ đều sinh sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, khai thác thủy sản ven biển và có cuộc sống rất khó khăn” – ông Lý Thanh Hùng, cán bộ địa chính xã Tân Ân thông tin.

Cũng theo ông Hùng, toàn xã Tân Ân hiện có 98 hộ nghèo nhưng tại khu CWPD đã chiếm trên 40 hộ. “Do tỷ lệ hộ nghèo đông lại thiếu đất sản xuất nên chính quyền địa phương đã gặp không ít khó khăn trong việc hỗ trợ sinh kế cho ngươi dân tại khu tái định cư này” – ông Hùng nói.

Nguoi dan tha huong vi khong con duong song trong khu tai dinh cu
Vì mưu sinh, nhiều người vào rừng đào sâm đất, bắt ốc len để kiếm sống.

Cấp đất, xây nhà và hỗ trợ cả nguồn vốn để chăn nuôi với mong muốn giúp người dân được “an cư, lạc nghiệp” nhưng, sau khi quy hoạch người dân vào ở thì thực tế hoàn toàn ngược lại.

Khi được chọn là đối tượng vào khu tái định cư CWPD, mỗi hộ được Nhà nước cấp đất ở và một căn nhà trị giá 32 triệu đồng, hỗ trợ 4 con heo cùng với 80% giá trị thức ăn. Nhưng hiện tại trong số 311 hộ chỉ có 181 hộ ở cố định, còn 130 hộ đã bỏ đi làm ăn xa, ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM... mỗi năm chỉ về lại địa phương vài ngày. Thậm chí, có hộ bán cả nhà đất đi nơi khác vì ở địa phương không sống được.

Nguoi dan tha huong vi khong con duong song trong khu tai dinh cu
Vì không chịu được cuộc sống khó khăn ở địa phương nên ông Danh Phal (ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân) phải khăn gói lên Bình Dương để làm thuê.

Ông Nguyễn Phương Nam - Chủ tịch UBND xã Tân Ân chia sẻ: “Cứ nghĩ khi giúp người dân có chỗ ở sẽ giúp họ “an cư lạc nghiệp”. Nhưng thực tế lại không được như mong muốn. Nhiều hộ không chỉ bỏ đi mà còn đem đất, nhà được cấp bán lại cho người khác”.

Bà Hữu Thị Sang (74 tuổi – ngụ xã Tân Ân) bày tỏ: “Do không có nhà ở, không nghề nghiệp ổn định, được nhà nước lo chỗ ở, hỗ trợ vốn chăn nuôi đàng hoàng, vậy mà không biết trân trọng, bỏ đi nơi khác. Thậm chí họ còn bán đất, bán nhà. Chúng tôi sống ở đây, đời sống cũng khó khăn nhưng muốn được hỗ trợ còn không được”.

Nguoi dan tha huong vi khong con duong song trong khu tai dinh cu
Ông Nguyễn Hoàng Nam (ngụ ấp Ô Rô, xã Tân Ân) có thu nhập từ 150 - 200 ngàn đồng/ngày từ việc vá lưới thuê.

Chỉ tay về phí căn nhà đóng cửa đã lâu, anh Mai Thanh Lâm – Trưởng ấp Dinh Hạn, xã Tân Ân nói: “Căn nhà vừa được một hộ dân ở xóm mua lại với giá 17 triệu đồng nhưng chưa thấy dọn đến ở”.

Khi được hỏi nguyên nhân vì sao người dân được cấp nhà ở đàng hoàng nhưng lại bỏ đi – Chủ tịch UBND xã Tân Ân Nguyễn Phương Nam nói: “Do cuộc sống ở địa phương rất khó khăn, số người vào tái định cư chủ yếu là những người không có việc làm ổn định lại không sinh sống cố định một chỗ. Họ thường xuyên di chuyển để mưu sinh. Đa phần những ngôi nhà bỏ trống, những khu đất hoang nơi đây đều đã bị sang bán lại hết, giá cao nhất chỉ 17 - 20 triệu đồng”.

Trần Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI