Người dân sẽ được dự thính phiên họp Quốc hội

08/09/2022 - 10:45

PNO - Dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) quy định công dân có thể được dự thính tại các phiên họp công khai của Quốc hội.

 

ĐBQH

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu tán thành và đề nghị tạo điều kiện để công dân dự thính phiên họp công khai của Quốc hội, đưa Quốc hội đến gần dân, gần cử tri cả nước hơn

Sáng 8/9, Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Tham gia đóng góp ý kiến, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên - Huế) nêu quy định tại khoản 5 Điều 5 của dự thảo Nghị quyết: “Công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội”.

Đại biểu cho rằng quy định này là cần thiết, thể hiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, đưa Quốc hội đến gần dân, gần cử tri cả nước hơn. Do đó, nữ đại biểu đề nghị bổ sung quy định, giao Tổng Thư ký Quốc hội hướng dẫn quy trình, thủ tục, đồng thời công khai rộng rãi để cử tri nhân dân nắm bắt, đăng ký tham dự theo quy định.

Về lưu trữ tài liệu kỳ họp, đại biểu đề nghị xem xét việc lưu trữ tài liệu ghi âm của các đại biểu tại Kỳ họp, phiếu biểu quyết, tài liệu khác liên quan bên cạnh tài liệu chính thức đã được sử dụng tại Kỳ họp như Luật, Nghị quyết của Quốc hội để tránh quá tải.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí

ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội có biện pháp để bảo vệ cho ĐBQH được phát biểu, thể hiện chính kiến của mình

Đóng góp tại Hội nghị, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến, về phần tranh luận nên quy định không quá 3 phút, nếu nói quá ngắn sẽ không nói hết vấn đề, bởi những vấn đề tranh luận thường phức tạp, gay cấn. Liên quan tới Điều 5 về khách được mời tham dự Kỳ họp Quốc hội, ông đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc mời thêm Chủ tịch UBND các tỉnh thành dự các phiên chất vấn. Nếu làm được điều này chất lượng phiên chất vấn sẽ tốt hơn.

Bên cạnh đó, vị ĐBQH này cũng đề nghị ban soạn thảo có biện pháp để đảm bảo đại biểu Quốc hội được thực thi nhiệm vụ, hoàn thành trách nhiệm đại biểu Quốc hội, trong đó đặc biệt là quyền được thể hiện chính kiến của mình. “Phát biểu của đại biểu có ý kiến chín, có ý kiến chưa chín, thậm chí là trái chiều, thậm chí là khác biệt, phải thấy đó là dân chủ, đó là cần thiết, đừng vì những ý kiến chưa chín, chưa hay mà phản đối, phê phán, bới móc”, ĐB nói và đề nghị Quốc hội cần có biện pháp để bảo vệ cho ĐBQH.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI