Người dân sẽ có thêm quyền lợi về bảo hiểm y tế

11/10/2023 - 12:40

PNO - Tại tọa đàm “Chính sách bảo hiểm y tế bổ sung trong dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)” tổ chức ngày 10/10 ở Hà Nội, bà Trần Thị Trang - Quyền vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) - cho biết, để tăng thêm lựa chọn cho người dân, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe y tế, dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đang đề xuất thêm quy định về loại hình bảo hiểm y tế bổ sung.

Thêm nhiều quyền lợi

Bảo hiểm y tế (BHYT) bổ sung là hình thức BHYT tự nguyện, áp dụng cho người có thẻ BHYT. Người tham gia BHYT bổ sung được nhiều quyền lợi hơn so với BHYT bắt buộc hiện hành.

Bệnh nhân khám và lấy thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM - Ảnh: Phạm An
Bệnh nhân khám và lấy thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM - Ảnh: Phạm An

Cụ thể, người tham gia sẽ được thanh toán các khoản chi phí đồng chi trả ngoài mức hưởng của BHYT bắt buộc, các dịch vụ ngoài phạm vi được hưởng của BHYT bắt buộc. Các quyền lợi khám chữa bệnh cũng được nâng cao, bao gồm được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn, được lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ y tế theo yêu cầu. Ông Hoàng Anh Tuấn - Vụ BHYT (Bộ Y tế) - nhấn mạnh: “Với BHYT bắt buộc, người dân phải khám chữa bệnh theo tuyến. Trong khi với BHYT bổ sung, khám vượt tuyến vẫn được thanh toán”.

Tại Việt Nam, đây là hình thức mới, lần đầu tiên dự tính triển khai. Ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, các chuyên gia cho biết BHYT bổ sung đã được triển khai. Chia sẻ kinh nghiệm tại Trung Quốc, ông Xia Hao - Phó giám đốc Bộ phận tiếp cận thị trường toàn cầu Công ty MSD - cho biết, năm 2019, quốc gia này có 8,57 triệu người tham gia BHYT bổ sung nhưng tới năm 2022, con số này đã tăng lên 115,37 triệu người. Chính sách BHYT bổ sung đã xây dựng được 480 gói quyền lợi, triển khai tại 150 thành phố. Mức phí thường niên trung bình của BHYT bổ sung là 15 USD. 

Tại Thượng Hải, mức phí đóng BHYT bổ sung năm 2022 là khoảng 18,4 USD; không giới hạn độ tuổi, người bệnh có bệnh nền trước đó. Đáng lưu ý, BHYT bổ sung thanh toán cho danh mục 25 thuốc điều trị chuyên khoa giá trị lớn, trong đó có nhiều bệnh ung thư như phổi, dạ dày, thực quản, gan, vú… Ông khẳng định, BHYT bổ sung góp phần thu hẹp khoảng cách giữa BHYT cơ bản và bảo hiểm sức khỏe thương mại cho người dân, đặc biệt các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. 

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) - đánh giá, với các quy định nêu trong dự thảo về BHYT bổ sung, người dân được nhiều quyền lợi chăm sóc sức khỏe. Quy định này cũng sẽ giúp tăng số người tham gia BHYT bắt buộc, bởi muốn mua BHYT bổ sung phải mua BHYT bắt buộc trước. Người dân sẽ được giảm áp lực tài chính khi khám chữa bệnh BHYT; tăng tiếp cận dịch vụ y tế bao gồm cả dịch vụ theo yêu cầu, kỹ thuật cao. Đây vốn là các dịch vụ có mức đồng chi trả lớn.

Không được chỉ chọn người khỏe mạnh để bán bảo hiểm

Bà Nguyễn Khánh Phương đã bày tỏ sự lo lắng về việc có thể người bệnh mạn tính, có vấn đề sức khỏe bị từ chối bán BHYT bổ sung hoặc chịu mức phí cao. Thống kê tại Trung Quốc cũng cho thấy nhóm mua bảo hiểm bổ sung chủ yếu là người giàu. “Như vậy, có nguy cơ tạo ra chênh lệch công bằng giữa các nhóm giàu, nghèo, nghề nghiệp, chênh lệch giữa các vùng miền” - bà nói.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Trang khẳng định: “Các doanh nghiệp cung cấp các gói BHYT bổ sung sẽ không được loại trừ người bệnh, không chỉ chọn người khỏe mạnh để bán bảo hiểm”. Mức phí BHYT bổ sung sẽ do đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, phạm vi chi trả không được trùng lắp với BHYT bắt buộc. “Nhà nước như “người lái thuyền” để đảm bảo tối đa lợi ích người tham gia BHYT bổ sung và đảm bảo cho gói dịch vụ này vận hành công bằng, dựa trên nguyên tắc bảo vệ tối đa quyền lợi của các bên” - bà nói. 

Điểm khác biệt dễ thấy ở BHYT bổ sung là đa dạng hình thức bằng cách đưa ra nhiều gói dịch vụ để người dân lựa chọn. Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra ý tưởng xây dựng 4 gói BHYT bổ sung. Ví dụ, gói bảo hiểm cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh, người sử dụng dịch vụ phải cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh từ 5 - 20%. Gói bảo hiểm đối với các dịch vụ y tế ngoài phạm vi chi trả của quỹ BHYT, các loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế mà người tham gia BHYT chỉ được chi trả theo một tỉ lệ nhất định và các loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế ngoài danh mục BHYT… Ngoài ra còn có gói bảo hiểm bệnh hiểm nghèo (một số loại bệnh ung thư, tim mạch, rối loạn chuyển hóa), gói khám sức khỏe định kỳ.

Đóng góp ý kiến về dự thảo luật, ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) - băn khoăn về việc, có hợp lý khi quy định BHYT bổ sung vào Luật BHYT nhưng đây là hình thức tự nguyện. Theo ông, nếu đã là tự nguyện thì nên quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm. Ngoài ra, ông đề xuất có thể xây dựng các gói BHYT bổ sung theo hình thức bắt buộc cho việc khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc một số bệnh nguy hiểm. Điều này sẽ làm tăng trách nhiệm của mỗi người với sức khỏe của mình. 

Tránh quy định chồng chéo

Bà Nguyễn Thị Hồng Chi - Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) - lưu ý, trong trường hợp quy định BHYT bổ sung tại dự thảo Luật BHYT, ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá để đảm bảo không chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Kinh doanh bảo hiểm. Bên cạnh đó, cần đánh giá khả năng liên kết giữa cơ quan BHYT xã hội và BHYT thương mại; làm rõ nội dung liên kết, hợp tác trong việc thiết kế các sản phẩm, cung cấp và chia sẻ thông tin y tế, thông tin về giám định y tế để chi trả quyền lợi bảo hiểm.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI