Người dân quê tôi đã hết nỗi ám ảnh nguồn nước ô nhiễm

19/07/2024 - 12:09

PNO - Sau nhiều năm chờ và hy vọng, cuối cùng đường ống dẫn nước sạch từ nhà máy nước thành phố đã kéo dài đến tận các vùng xa của huyện Hóc Môn, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho hàng ngàn hộ gia đình.

Quê tôi ở Bà Điểm – Hóc Môn, một vùng khá xa trung tâm TPHCM. Nhiều thế hệ qua, nước giếng là nguồn cung cấp chính cho sinh hoạt hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, việc sử dụng nước giếng không phải lúc nào cũng đảm bảo an toàn và tiện lợi.

Công nhân của Công ty Cổ phần Cấp nước Trung An đang miệt mài làm việc để đảm bảo nguồn nước cung cấp đến cho người dân Quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn… thường xuyên, liên tục - ẢNH: NGUYỄN THANH TÂM.
Công nhân của Công ty Cổ phần Cấp nước Trung An đang miệt mài làm việc để đảm bảo nguồn nước cung cấp đến cho người dân Quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn… thường xuyên, liên tục - Ảnh: Nguyễn Thanh Tâm

Nước giếng ở đây thường bị ô nhiễm bởi các chất thải từ hoạt động nông nghiệp và công nghiệp. Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp và tình trạng xả thải từ các cơ sở sản xuất dẫn đến các chất thải độc hại ngấm vào nguồn nước ngầm. Những chất này không chỉ gây hại cho sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng, vật nuôi. Ô nhiễm nguồn nước đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của nhiều gia đình, khi họ phải đối mặt với các bệnh như đau bụng, tiêu chảy, các bệnh ngoài da, thậm chí là các bệnh nguy hiểm do sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Ngoài ra, nước giếng thường có mùi khó chịu, thường xuyên bị nhiễm phèn, còn nhiều thành phần có hại trong nước giếng mà không thể nhìn bằng mắt thường. Điều này càng khiến cho việc sử dụng nước trở nên khó khăn hơn. Để yên tâm sử dụng, người dân phải đun sôi, lọc qua nhiều lớp cát và than, nhưng ngay cả khi đó, nước vẫn không đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Những gia đình có điều kiện kinh tế hơn có thể mua các hệ thống lọc nước, nhưng đối với đa số người dân ngoại thành, đây là một khoản chi phí lớn và không dễ dàng đáp ứng.

Nhà máy nước Tân Hiệp 2 (huyện Hóc Môn, TPHCM) là nơi cung cấp nước sạch cho người dân ở Hóc Môn - ẢNH: PHẠM MINH GIẢNG
Nhà máy nước Tân Hiệp 2 (huyện Hóc Môn, TPHCM) là nơi cung cấp nước sạch cho người dân ở Hóc Môn - Ảnh: Phạm Minh Giảng

Tôi còn nhớ, thuở nhỏ, những bộ quần áo chúng tôi mặc đến trường luôn là những chiếc áo trắng ngã vàng do giặt bằng nguồn nước giếng nhiễm phèn, da của chúng tôi lúc nào cũng ngâm ngâm, mốc mốc và hay bị các bệnh ngoài da… Thật khó mà diễn tả hết các khó khăn của người dân quê tôi khi chưa được tiếp cận nguồn nước sạch.

Sau nhiều năm chờ đợi và hy vọng, cuối cùng, niềm vui đã đến với người dân ngoại thành khi dự án cung cấp nước sạch được hoàn thành. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và ngành cấp nước, đường ống dẫn nước sạch từ nhà máy nước thành phố đã kéo dài đến tận các vùng xa của quê tôi, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho hàng ngàn hộ gia đình.

Ngay từ sáng sớm, cả xóm tôi tưng bừng hẳn lên, từ các cụ già đến em nhỏ náo nức mừng vui chờ đón ngày nước sạch được đưa về. Những tiếng cười nói, sự hồ hởi hiện rõ trên gương mặt từng người. Đối với nhiều người, đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc sống, khi mà lần đầu tiên họ có thể sử dụng nước sạch một cách dễ dàng và an toàn.

Niềm vui và sự xúc động hiện rõ trên khuôn mặt ngoại tôi, người đã chờ đợi nguồn nước sạch trong suốt nhiều năm qua. Với nhiều khó khăn đã trải qua trong những năm tháng mưu sinh, bà luôn mong mỏi một ngày có nguồn nước sạch cho con cháu. Bà luôn kể về những vất vả ngày xưa, về ước mơ một ngày nào đó, những đường ống nước được kéo về tận vùng ngoại thành xa xôi này, mang theo hy vọng và sự đổi thay.

Còn đối với người dân trong xóm tôi, sự kiện này không chỉ đơn thuần là sự cải thiện về điều kiện sống, mà còn là một bước ngoặt quan trọng. Họ không còn lo lắng về nước bẩn, bệnh tật từ nguồn nước, thay vào đó, họ có thể tập trung phát triển kinh tế, chăm lo cho sức khỏe và giáo dục của con em mình. Niềm vui lan tỏa khắp nơi, từ những cụ già đến trẻ nhỏ, ai ai cũng phấn khởi, hồ hởi với nguồn nước mới.

Các phẩm dự thi cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước” hoặc gửi qua email: toasoan@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước”.

Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Nhất trị giá 10 triệu đồng.
- 1 giải Nhì trị giá 6 triệu đồng.
- 2 giải Ba, mỗi giải trị giá 4 triệu đồng.
- 8 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng.
Lưu ý: Người nhận giải sẽ chịu các loại thuế, phí liên quan theo quy định hiện hành.

Đinh Thị Đằng Hương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI