Người dân phố cổ làm kinh tế xanh từ rác

01/11/2022 - 06:04

PNO - Hơn một năm phân loại rác tại nguồn, người dân quận Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội) đã “góp” được 16 tấn rác thải nhựa để tái chế thành hạt nhựa làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bao bì. Đặc biệt, tại P.Hàng Đào - trung tâm phố cổ, đã thực hiện phân loại rác trước khi Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm phân loại rác được ban hành.

Cán bộ phường, đoàn hội và người dân cùng phân loại, thu gom rác

Phường Hàng Đào có phố đi bộ, đồng thời cũng là chợ đêm vào các ngày cuối tuần nên luôn thu hút một lượng khách du lịch khá lớn. Giá trị kinh tế từ du lịch mang lại tăng lên, nhưng áp lực rác thải cũng tăng lên với nhân viên vệ sinh môi trường đô thị cũng như ủy ban phường. Rác, cơ bản đã được nhân viên môi trường đô thị và những người nhặt ve chai xử lý, bán lại cho các cơ sở thu mua phế liệu. Nhưng những loại rác thải nhựa giá trị thấp như chai, lọ, túi ni-lông… vừa cồng kềnh, vừa tốn kém trong việc xử lý thì các đơn vị rất ngại thu mua, tái chế. Do đó, rác thải nhựa trên địa bàn phường vẫn làm “nhức mắt” nhiều người. Bà Trà My - cán bộ UBND phường Hàng Đào - cho biết: “Trong mỗi túi rác của hộ gia đình, lượng rác hữu cơ chiếm nhiều nhất (khoảng 63%), tiếp đến là rác nhựa (khoảng 20%, trong đó 15,4% là rác nhựa giá trị thấp và 4,6% rác nhựa giá trị cao).

Người dân phố Hàng Cân thu gom, phân loại rác nhựa giá trị thấp
Người dân phố Hàng Cân thu gom, phân loại rác nhựa giá trị thấp

Tháng 2/2021, dự án “Mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa dựa vào cộng đồng tại Q.Hoàn Kiếm” được triển khai thí điểm ở P.Hàng Đào, do Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) hỗ trợ. Bà Trà My cho biết, để triển khai được dự án, phường đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các tổ trưởng tổ dân phố; tuyên truyền và hướng dẫn từng hộ gia đình tham gia thực hành phân loại rác thải nhựa giá trị thấp.

Thậm chí, trong đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19, hoạt động tuyên truyền cho các hộ dân còn diễn ra qua Zalo và loa phát thanh của phường. Hàng Cân là con phố đầu tiên hoàn thiện mô hình phân loại, thu gom rác thải nhựa giá trị thấp, rồi đến các phố Hàng Ngang, Hàng Đào… Riêng phố Hàng Cân, từ tháng 5 đến tháng 11/2021 đã gom được trên 700kg rác nhựa giá trị thấp, bán cho một đơn vị có thể tái chế làm nguyên liệu nhựa rải đường.

Tại phố Hàng Cân, cả cán bộ phường, các tổ chức đoàn, hội và người dân cùng công nhân vệ sinh môi trường “ra đường” phân loại, thu gom rác nhựa giá trị thấp. Trong nhà, các hộ gia đình phân loại rác thành ba loại ngay sau khi sử dụng, gồm: rác hữu cơ (dễ phân hủy), bìa giấy, thùng carton, vỏ lon bia, đồ tái chế được (rác nhựa giá trị cao) và bim bim, túi ni-lông, vỏ mì tôm, hộp xốp (rác nhựa giá trị thấp).

Ông Tạ Thắng (phố Hàng Ngang) chia sẻ: “Trước đây, ngày nào bà nhà tôi đi chợ về cũng có đến chục túi ni-lông bỏ vào thùng rác. Sau khi phường có phong trào phân loại, chúng tôi mang rác thải nhựa giá trị cao ra số 8 Lê Thái Tổ đổi lấy quà, rác nhựa giá trị thấp thì xếp gọn, giao cho công nhân vệ sinh thu gom hằng ngày, rác hữu cơ thì vẫn đổ thùng như mọi khi”.

Trở lại đời sống với hình hài và công dụng mới

Việc phường Hàng Đào thực hiện hiệu quả phân loại rác tại nguồn đã lan tỏa sang các phường Hàng Trống, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Cửa Đông, Phúc Tân. Đến nay, bà con các phường Cửa Đông, Hàng Buồm mỗi tháng phân loại, thu gom được hơn 1.000kg rác thải nhựa giá trị thấp; các phường còn lại cũng phân loại, thu gom khoảng 700 - 800kg. Sau hơn một năm thực hiện phân loại rác tại nguồn, kho tập kết tại quận Hoàn Kiếm của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) đã có hơn 16 tấn rác thải nhựa giá trị thấp đến từ 7.000 hộ gia đình.

Cán bộ Q.Hoàn Kiếm tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho người dân
Cán bộ quận Hoàn Kiếm tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho người dân

Cuối tháng 6/2022, đơn vị sản xuất các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa đã vận chuyển toàn bộ số rác vừa nêu về cơ sở sản xuất của công ty tái chế thành hạt nhựa, làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bao bì. Như vậy, rác nhựa giá trị thấp đã quay trở lại đời sống với hình hài và công dụng mới.

Trên thực tế, tại Hà Nội thời gian qua đã có nhiều mô hình tương tự nhằm phân loại, thu gom và tái chế rác nhựa giá trị thấp như “Ngôi nhà xanh” (phường Phú Lãm, quận Hà Đông), “Ngôi nhà xanh, thu gom rác thải nhựa gây quỹ từ thiện” (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên)… Bước đầu, bà con đã mang nhựa, giấy vụn, vỏ lon, giấy bìa… đến điểm tập kết. Phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) cũng đã hoàn thành phân loại thu gom, tái chế rác thải nhựa giá trị thấp với 8 tấn rác thải đã được tái chế. Song, theo Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng, “Chương trình giảm rác thải nhựa giá trị thấp” tại quận Hoàn Kiếm là mô hình đầu tiên trong cả nước xây dựng tương đối hoàn chỉnh để thu gom được các loại rác giá trị thấp nên được sự ủng hộ của tất cả các cấp, góp phần nâng cao nhận thức của người dân.

Đại diện một đơn vị tài trợ dự án Mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy, dự án đã kết nối các bên liên quan cùng chung tay thực hiện mục tiêu “Biến rác thải nhựa thành tài nguyên”, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Chúng tôi rất kỳ vọng dự án sẽ là mô hình kinh tế tuần hoàn mẫu để có thể nhân rộng áp dụng rộng rãi tại Việt Nam”. . 

Ngọc Minh Tâm
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI