“Chuyên gia” tân trang
Một chiều trời Huế đổ mưa, tôi tình cờ trở thành khách hàng của dịch vụ sửa áo quần tại tiệm may của ông Lê Văn Phước. Gần 40 năm trước, cùng với những cái tên khá nổi ở Huế như nhà may Như Ý, nhà may Kiều, gia đình ông cũng có một nhà may lấy tên Gia Long, đóng trên đường Trần Hưng Đạo. Tiệm do cha ông là cụ Lê Văn Lộc làm chủ, chuyên nhận hàng may mặc từ các bà mối bán buôn ở các khu chợ lân cận như chợ Cồn, chợ Dinh, chợ Đông Ba đem đến.
|
Hai chữ “tân trang” như một dấu tích nhắc nhở về một thời gian khó |
Là con trai đầu, lại có bản tính nhẹ nhàng, thích tìm tòi sáng tạo, cậu bé Phước sớm được cha kỳ vọng truyền nghề. Cách thao tác trên từng đường kim mũi chỉ, cách đo đạc cắt may, cho đến bí kíp phân biệt vải xấu vải tốt đều được Phước thuộc nằm lòng.
Ông Phước nhớ lại: “Vào khoảng những năm 80, kinh tế nhà tôi rơi vào cảnh khó khăn vì mẹ lâm bệnh không đi lại bán hàng ăn được như trước, nghề may của cha ở vị trí cũ cũng không còn thịnh, buộc gia đình phải gom hết tài sản bán lấy tiền, đấu lấy một ki ốt ở khu chợ trời Tây Lộc để bán đủ thứ đồ khô như bánh kẹo, mắm muối. Để có thêm đồng ra đồng vào, cha con tôi còn nhận may và sửa thêm quần áo cũ”.
Ngày đó, vì bao nhiêu vốn liếng gia đình đã gom hết để thuê quán, nên để có hàng trám vào bốn bức vách trống không, anh em ông Phước phải lấy hết áo quần cá nhân đem ra quán làm hàng mẫu. Ông Phước và cha bắt đầu gom đồ cũ, đồ hư hỏng của khách về sửa chữa, tân trang, lộn mặt trong ra làm mặt ngoài… Dần dần cũng có “đất sống” trở lại.
Bây giờ, trên tấm biển hiệu nhỏ đặt trước ngôi nhà, ông Phước vẫn còn trang trọng viết lên hai chữ “tân trang” như dấu tích nhắc nhở về một thời gian khó.
“Trước, tôi chủ yếu nhận may đồ nam nữ, nhưng khoảng chục năm trở lại đây, khi ngành công nghiệp may sẵn lên ngôi, thì ngành may đo thủ công sinh ra ế, tôi đành chuyển hẳn sang hướng sửa đồ. Nếu như tiền công may một bộ áo quần có thể lên tới bạc trăm, tiền đóng vest, may áo dài có thể là bạc triệu, thì tiền sửa đồ chỉ tính bằng chục, bằng ngàn. Thế nhưng, với phương châm lấy công làm lãi, tôi vẫn có cách để tìm thấy những niềm vui riêng” - ông Phước trần tình.
|
Ông Phước mỗi ngày đều “đóng đinh” vài tiếng bên chiếc bàn may |
Tôn trọng nữ “Thượng đế”
Cũng như nhiều nghề khác, trăm hay không bằng tay quen, riêng nghề sửa chữa áo quần, thì càng cần đến sự bền bỉ. Có nhiều khách nữ đánh hẳn ô tô, mang đến những món đồ rất xịn, thiết kế sang trọng, chất liệu vải đẳng cấp như lụa, gấm… Nếu vội vàng dẫn đến sơ sẩy chỉ một mũi kéo, ông Phước phải đền tiền triệu như chơi. Ông nói: “Để hạn chế sơ suất, tôi không bao giờ dùng kéo hoặc dao để tháo vải trực tiếp. Tôi sẽ tháo rời các mối nối cũ bằng cách rút chỉ nhẹ nhàng, tuy hơi chậm, nhưng các sợi vải sẽ ít bị biến dạng và xô lệch, áo quần dù sửa nhiều lần vẫn trông như mới”.
Ông Phước có hai nguyên tắc hành nghề: chỉ nhận đơn sau 10 giờ sáng và luôn trả hàng đúng hẹn. Ông bật mí thêm về nguyên tắc thứ nhất: “Là một người đàn ông, thế nhưng mỗi ngày tôi đều phải tiếp xúc với hàng chục phụ nữ đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề. Vì vậy, việc dành thời gian vào mỗi sáng để chăm chút cho diện mạo bản thân thêm đàng hoàng cũng là một cách tôn trọng “thượng đế”. Đôi khi vẻ ngoài luộm thuộm, cục mịch quá cũng dễ mang đến những e ngại cho chị em”.
Đối với nguyên tắc hành nghề thứ hai, ngoài cuốn sổ ghi thông tin khách hàng thông thường, ông Phước còn cẩn thận chuẩn bị từng tập giấy nhỏ vuông vắn để ghi chú trên từng chiếc quần, chiếc áo. Sản phẩm nào nhận trước làm trước, sản phẩm nào đến sau làm sau, ca nào dễ, ca nào khó đều được ông cân nhắc, sắp xếp và điều chỉnh thời gian một cách hợp lý, nhằm mang đến sự hài lòng tối đa cho khách hàng. Nhờ vậy, mỗi tháng ông nhận vài trăm đơn hàng là chuyện bình thường, chưa kể dịp lễ, tết còn nhiều hơn, thu nhập gia đình luôn luôn ổn định.
Nhờ nghề mà cưới được vợ
Vừa lạch cạch đạp máy, ông Phước vừa cười tâm sự: “Nghề may mang đến cho tôi hai điều may mắn. Thứ nhất, mỗi ngày tôi đều được gặp gỡ, chuyện trò với nhiều phụ nữ, ai cũng vui vẻ, niềm nở theo một cách riêng. May mắn thứ hai, đó là nhờ nghề mà tôi quen biết, lấy được vợ trẻ”.
|
Vợ chồng ông Phước luôn sánh bước bên nhau |
Chị Nguyễn Thị Phương Lan sinh ra trong gia đình làm nghề kinh doanh nên sớm tháo vát, đảm đang, lại có nhan sắc, vì vậy đến tuổi cập kê, chị được nhiều người để ý. Thế nhưng, như duyên phận trời se, qua một vài lần gặp gỡ và trò chuyện, chị đã thầm thương ông chú thợ may hơn mình đến 20 tuổi. “Một lần kia, khi đến lấy số đo tại nhà cho một khách hàng, tôi có dịp gặp Lan, sau đó chúng tôi thương nhau rồi lấy nhau”.
“Ngoài hai nguyên tắc làm nghề đã kể, tôi còn một thói quen đặc biệt khác, đó là tôi luôn lấy số đo của nữ khách hàng khi cùng họ đứng đối diện trước một tấm gương lớn”, ông Phước chia sẻ. “Vì sao phải cần đến một tấm gương lớn?” - tôi tò mò hỏi. “Cách đây khá lâu, có một chị khách nhờ tôi sửa áo con. Đó là những chiếc áo ngực hàng xách tay, nhập khẩu rất đắt tiền nhưng bị rộng hoặc chật ở một vài chi tiết. Để tránh đặt tay trực tiếp lên những vùng cơ thể nhạy cảm của khách, tôi bèn nghĩ ra cách cùng khách đứng đối diện trước một tấm gương lớn. Tôi sẽ bảo khách nhìn vào gương rồi tự cân chỉnh các chi tiết thiếu hoặc thừa của sản phẩm, tôi chép lại yêu cầu rồi cứ thế mà cơi nới cho vừa vặn. Cách làm này không những hiệu quả mà còn khiến vợ vui vẻ yên tâm, nên từ đó trở đi tôi áp dụng luôn cho những trường hợp khác” - ông cười.
Có thể nói, nhờ khéo léo trong việc nắm bắt tâm lý phụ nữ, mà hơn 20 năm trôi qua, cuộc hôn nhân của đôi vợ chồng một già một trẻ chưa từng xảy ra xích mích, giận hờn vượt quá giới hạn. Thậm chí càng về tuổi xế chiều, tình cảm của họ càng đậm đà, gắn bó nhờ sự yêu thương của ông Phước. Mỗi lần có vị khách nào mang đến mẫu áo quần bắt mắt, hot trend, ông lại tìm những chất vải tốt, xịn để thiết kế cho vợ những bộ đồ sang chảnh tương tự. “Vợ tôi là khách hàng đặc biệt, bà ấy không bao giờ trả tiền công, nhưng sẽ luôn là người sở hữu những bộ cánh rực rỡ nhất” - ông Phước nhìn bà Lan trìu mến.
Với thâm niên gần 40 năm trong nghề may mặc, hiện tại ông Phước không chỉ nhận những đơn hàng sửa đồ đơn giản, mà còn sẵn sàng tạo kiểu, “nâng cấp” để những chiếc áo quần của chị em trở nên sành điệu, chất, thời trang hơn. Ông tâm niệm: “Công việc tuy vất vả vì phải ngồi nhiều, nhưng bù lại, tôi luôn lấy niềm vui trong sự sáng tạo, chuẩn xác và thái độ hài lòng của chị em làm phần thưởng. Để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng, người thợ may trên đầu hai thứ tóc như tôi mỗi ngày vẫn không ngừng học hỏi. Và với phụ nữ, dù ở đâu và bao giờ, chỉ cần bạn giữ được sự nhẹ nhàng, chăm chút và tôn trọng trong cách đối đãi, thì họ sẽ tìm đến và trở lại”.
Diệu Thông