Người đàn ông yếu đuối

22/03/2013 - 16:16

PNO - PN - Vợ bảo đi chơi với nhóm bạn gái, nhưng nhìn cái cách vợ ăn mặc chăm chút, trang điểm đậm hơn thường ngày, vuốt lại từng lọn tóc một cách kỹ lưỡng, tôi nghi vợ hẹn hò với ai đó.

Giật điện thoại trên tay vợ, tôi quyết tìm bằng chứng, nhưng vợ lạnh lùng: “Em nghĩ anh không nên xem tin nhắn trong điện thoại của em, chỉ sợ anh đau lòng thêm mà thôi”. Giận run, tôi đã muốn ném thật mạnh chiếc điện thoại vào tường cho nó tan tành, nhưng lại không dám vì… tiếc của. Đêm ấy, tôi ngồi ở phòng khách nhìn trân trân lên trần nhà như một kẻ điên, chờ đến khi trời sáng mà vợ vẫn chưa về. Trong đêm dài ấy, tôi đã khóc. Tôi không tin được rằng mình đã khóc. Gần 20 năm, kể từ những lần tôi khóc khi còn là con nít, đến giờ tôi mới lại ngồi khóc tu tu như trẻ con bị giật mất đồ chơi. Vậy mà tôi đã tưởng mình mạnh mẽ, gan lì lắm…

Hôm sau, vợ viện cớ đến nhà người bạn chơi, nhà bạn hơi xa nên sẽ ngủ ở lại đó. Tôi cương quyết: “Không được, em là phụ nữ đã có chồng con, làm sao có thể đi chơi qua đêm”. Vợ ậm ừ cho qua, rồi vẫn đi. Tôi nhắn tin: “Nếu tối nay em không về, thì đi luôn đi, đừng bao giờ về nhà nữa”. Vậy mà vợ vẫn đi qua đêm, sáng hôm sau về nhà với vẻ mặt bình thản như không. Tôi như phát điên nhưng vẫn không thể làm gì.

Trong tôi giằng co suy nghĩ: cố gắng chiều vợ, chăm sóc vợ để nuôi lại tình cảm hay cố tìm ra chứng cứ ngoại tình của vợ để cãi lý? Được nghe kể nhiều câu chuyện đánh ghen, tôi thừa hiểu, trong chuyện tình cảm, chẳng thể nói lý với nhau được. Dẫu có tìm được chứng cứ và bung bét ra, thì mọi chuyện chỉ có nát thêm. Thế nhưng, những đêm dài mất ngủ khiến tôi không kiềm chế được, lén lục điện thoại của vợ để xem. Những tin nhắn mùi mẫn hiện ra trước mắt, người tôi run lên vì uất ức. Vợ tỉnh dậy, thoáng chút giật mình rồi buông một câu thách thức: “Bây giờ anh biết chuyện rồi đó, muốn làm gì thì làm”. Tôi chẳng thể đánh được vợ vì không quen với việc đó, ngay như chuyện to tiếng mắng vợ, tôi cũng không làm nổi. Tôi thấy giận bản thân sao yếu đuối quá vậy?

Những ngày sau đó thực sự là địa ngục, vợ chồng đụng mặt là gây gổ. Tôi đã nhịn rất nhiều, nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, cảm giác như vợ ghét tôi nhất quả đất này. Câu trước câu sau là vợ to tiếng, tôi đành xuống nước: “Thôi thôi, em nói nhỏ lại một chút, hàng xóm họ nghe, không hay”. Sau đó, tôi lại nghĩ: “Tại sao vợ cứ to tiếng cho đã nư, chẳng sợ mất hòa khí, chẳng sợ hàng xóm chê cười mà tôi thì lúc nào cũng sợ, sợ đủ thứ?” .

Nguoi dan ong yeu duoi

Một ngày, mâu thuẫn đỉnh điểm đã khiến vợ bỏ nhà ở Sài Gòn, lên Đà Lạt sống chung với người dì. Tôi chỉ biết nói như van lơn: “Em suy nghĩ lại, vì gia đình, vì tình nghĩa vợ chồng bao năm, vì con cái…”. Vậy mà vợ vẫn đùng đùng ra đi.

Bạn bè biết chuyện, uất ức thay tôi, khuyên: “Vợ hư như vậy, tiếc làm gì. Anh đừng quan tâm đến nữa, cứ để cho cô ấy tự lo, chừng nào không lo được cuộc sống cho mình, sẽ tự biết quay về…”. Tôi thấy có lý nhưng lại không làm được, lại nhớ thương, lại quan tâm, lại chu cấp.

Thói đời, “được đàng chân lân đàng đầu”, vợ vẫn cao nư và tuyên bố: “Không bao giờ trở lại căn nhà địa ngục nữa”. Tôi hỏi lại: “Địa ngục chỗ nào?”, vợ lan man rằng: “Không khí ngột ngạt, chồng lăm lăm kiểm soát cuộc sống của vợ”. Thêm một thời gian nữa, tôi lại xuống nước: “Em về nhà đi, anh sẽ làm theo tất cả yêu cầu của em”. Vợ bật lại: “Làm sao tôi có thể dễ dàng tha thứ lỗi lầm của anh?”. “Ôi, anh có lỗi gì?”. “Thì anh ham chơi, thích nhậu nhẹt”. Tôi như phát điên, muốn sổ toẹt ra với vợ rằng: “Cô có biết lỗi của cô lớn lắm không, tôi rộng lượng và tôi thương cô lắm mới bỏ qua mọi thứ mà mời cô về nhà, cô lại quay ngược ra quy tội cho tôi?”. Nghĩ thế, nhưng tôi lại tiếp tục nhịn.

Đã nhiều lần tôi nghĩ, ly hôn cũng là giải pháp hợp lý, khi người vợ đã phạm lỗi lầm mà còn ngoan cố, tình cảm của vợ lại lạnh như băng, khó mà làm nóng trở lại. Nhưng, tôi không đủ mạnh mẽ để quyết định như thế. Làm sao tôi có thể đón nhận được việc mình là người đã ly hôn? Làm sao tôi nỡ để con mình chông chênh giữa “cuộc sống chia đôi” của bố mẹ? Tôi biết mở lời thế nào với mẹ già ở quê rằng “mẹ ơi, con sẽ ly hôn”, khi mà mẹ vẫn tin rằng con trai mẹ đang hạnh phúc? Tôi tay trắng lập nghiệp ở thành phố, trong mắt các thành viên trong gia đình tôi là một người thành đạt, làm sao có thể trở thành người thất bại trong hôn nhân? Tôi vẫn nghĩ vợ không phải là người tệ, chẳng qua là được nuông chiều từ bé nên thích làm theo ý mình, vì thế sa ngã cũng dễ hiểu, có thể thay đổi để làm lại từ đầu. Tôi cũng tiếc một mối tình đã dày công vun đắp, cả hai trải qua bao khó khăn mới đến được với nhau, nói chia tay là chia tay được sao?

Nhiều đồng nghiệp biết chuyện, chia sẻ: “Anh phải mạnh mẽ lên, đàn ông gì mà yếu đuối vậy? Cứ như vậy sẽ khổ suốt đời”. Tôi bảo: “Dùng lý trí để phán xét chuyện của con tim thì dễ rồi. Nhưng vấn đề là con người mình sống tình cảm quá, đàn ông mà sống lệ thuộc quá nhiều vào cảm xúc. Nhiều khi mình còn nghĩ, mình ly hôn sẽ tội cho mẹ già ở quê, cụ đau yếu, làm sao sống nổi khi biết con cái chia lìa? Rồi dòng họ nhìn mình như thế nào nữa?”.

Anh bạn thân biết chuyện, mắng thẳng: “Đàn ông gì mà nhu nhược, yếu đuối quá vậy? Để vợ cưỡi lên đầu lên cổ mà vẫn chịu ngày này qua tháng nọ”. Nhưng tôi vẫn tin, không hẳn mình yếu đuối, chỉ là mình sống tình cảm và giàu lòng tha thứ mà thôi. Tôi có nên tiếp tục cố gắng?

Đại Đồng
(Bình Chánh, TP.HCM)

Trong đời sống hôn nhân, nếu người đàn ông không đủ quyết đoán, mạnh mẽ, gặp chuyện gì cũng nhún nhường cho qua, sẽ vô tình “nuôi” lớn dần bi kịch. Trong nhiều trường hợp, phái mạnh cũng… yếu, như câu chuyện mà tác giả Đại Đồng đã chia sẻ. Có những người đàn ông cũng yếu đuối, thiếu quyết đoán nhưng được “ngụy trang” dưới lớp vỏ “hiền lành, sao cũng được”, như vậy có ổn? Đàn ông phải mạnh mẽ như thế nào? Phải vượt qua mâu thuẫn trong hôn nhân, trong công việc thế nào? Mời bạn đọc tham gia diễn đàn “Phái mạnh cũng yếu”, bài viết xin gửi về hộp thư phaimanhcungyeu@baophunu.org.vn.

Tòa soạn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI